Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Sáu (12/3), khi nhà đầu tư duy trì mua những cổ phiếu được cho sẽ hưởng lợi nhiều từ nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ khi mở cửa trở lại - một triển vọng được thể hiện qua lợi suất trái phiếu tăng.
Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ phiên này, còn chỉ số Nasdaq sụt mạnh trở lại sau khi tăng mạnh hai phiên liên tiếp với tổng mức tăng hơn 6%. Lợi suất tăng một lần nữa làm dấy lên mối lo lạm phát, làm suy giảm sức hấp dẫn của những cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng cao.
Dù vậy, tuần này vẫn là tuần tăng mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ đầu tháng 2. Nhân tố hỗ trợ cho chứng khoán Mỹ tuần này là gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng tống Joe Biden ký thành luật hôm thứ Năm, và dòng dữ liệu củng cố nhận định rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục mạnh.
Tuy nhiên, xu hướng tăng thời gian qua của lợi suất đặt ra nỗi lo về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này gây áp lực giảm không nhỏ lên Phố Wall trong những tuần gần đây.
Phiên ngày thứ Sáu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 1,642%, cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái.
Cổ phiếu Boeing tăng 6,82%, giữ vai trò lớn nhất trong việc đưa Dow Jones và S&P 500 tăng điểm. Việc Dow Jones đi lên và Nasdaq sụt giảm phản ánh xu hướng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ để mua cổ phiếu chu kỳ và những cổ phiếu đã giảm giá sâu nhưng được kỳ vọng sẽ tăng tốt khi kinh tế hồi phục.
Theo nhà quản lý quỹ đầu cơ Thomas Hayes thuộc Great Hill Capital LLC, để cổ phiếu công nghệ nối lại xu hướng tăng của năm 2020, lãi suất cần được duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, ông Hayes nói rằng, với gói kích cầu mới, nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 7-9% trong năm nay và gây áp lực tăng lãi suất.
"Nền kinh tế đang mở cửa trở lại nhanh hơn và mạnh mẽ hơn dự kiến. Đó là lý do vì sao lợi suất tiếp tục tăng lên trong ngày hôm nay. Các cổ phiếu giá trị, cổ phiếu chu kỳ, và cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế sẽ vượt trội", ông Hayes phát biểu.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 của Mỹ đang được đẩy nhanh và gói 1,9 nghìn tỷ USD đã làm dấy lên mối lo về lạm phát tăng, dù Fed đã có những tuyên bố trấn an rằng ngân hàng trung ương này sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Bởi vậy, tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần tới sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed để tìm kiếm dấu hiệu về lạm phát trong những đánh giá của Fed.
Theo một cuộc khảo sát của Đại học Michigan, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ ở thời điểm đầu tháng 3 đạt mức cao nhất trong 1 năm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,9%, đạt 3.778,64 điểm. S&P 500 tăng 0,1%, đạt 3.943,34 điểm. Nasdaq giảm 0,59%, còn 13.319,87 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 2,6%; Dow Jones tăng 4,1%; và Nasdaq tăng 3,1%. Đối với Dow Jones, đây là tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 11.
Tuần này là tuần hồi phục của Nasdaq sau đợt bán tháo những tuần gần đây. Đầu tuần này, Nasdaq có lúc rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, nhưng bật tăng mạnh mẽ trong hai phiên ngày thứ Tư và thứ Năm. Dù vậy, hàng "hot" ở Phố Wall thời điểm này đang là cổ phiếu năng lượng, khai khoáng và công nghiệp, thay vì cổ phiếu công nghệ như trong năm ngoái.
Phiên ngày thứ Sáu, nhóm cổ phiếu giá trị tăng 0,8%, trong khi nhóm cổ phiếu tăng trưởng mà điển hình là các cổ phiếu công nghệ giảm 0,62%.
Các blue-chip công nghệ gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet, Tesla, và Microsoft - những cổ phiếu đã tăng mạnh trong năm 2020, nhưng có độ nhạy cảm cao với lãi suất - đồng loạt đi xuống phiên này.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, các nhóm công nghệ, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất phiên này. Trái lại, nhóm ngân hàng tăng 1,83%, còn nhóm tài chính và công nghiệp đạt mức cao kỷ lục mới.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,24 lần số cổ phiếu giảm giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,14 lần. Toàn thị trường có 11,64 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công.