Với 125 năm hình thành và phát triển, Dow đặt mục tiêu nhanh chóng trở thành công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp đổi mới, sáng tạo hàng đầu thế giới. Trong đó, bảo vệ khí hậu, không rác thải và khép kín vòng tuần hoàn là những mục tiêu phát triển bền vững của Dow trong chặng đường 10, 20 và 30 năm tới.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 đến nay, sau 27 năm hoạt động, Dow có khoảng 100 nhân viên tại Tp.HCM, Hà Nội và Đồng Nai. Hiện nay, các sản phẩm của Dow là đầu vào thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và hạ nguồn tại Việt Nam, từ đó, góp phần nâng cao tính bền vững trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Xung quanh định hướng phát triển của Dow Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là việc đồng hành cùng Việt Nam trong theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan đã có 20 năm gắn bó với Dow cùng 3 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, đưa Dow trở thành một đối tác tin cậy trong tăng trưởng kinh tế, một thành viên tận tâm chăm lo đến cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nhựa bền vững.
Dow chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 khi nền kinh tế còn mới mở cửa và các mục tiêu phát triển bền vững chưa thực sự được ưu tiên. Điều gì đã thúc đẩy Dow tới Việt Nam khá sớm như vậy?
Tầm nhìn của Dow là trở thành một đối tác quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng của khách hàng bằng cách thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, đổi mới nâng cao tính bền vững trong các ngành công nghiệp.
Vì vậy, sau khi Việt Nam mở cửa và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều khách hàng của Dow tới Việt Nam, Dow đã quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Đến nay, sau hơn 27 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư vào Việt Nam là một quyết định đúng đắn và đã đem đến cho Dow những kết quả kinh doanh khả quan. Từ chỗ ban đầu chỉ phục vụ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam; đến nay, Dow đã thiết lập được mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp địa phương, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, đóng góp cho sự tăng trưởng và hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại, để phục vụ khách hàng tại Việt Nam tốt hơn và để cung cấp các giải pháp sáng tạo và bền vững hơn cho Việt Nam, Dow đang xây dựng các dự án đầu tư mới, trong đó có việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu và Phát triển.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những kế hoạch mà Dow Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới?
Với phương châm không chỉ là Đối tác Tăng trưởng Kinh tế mà còn là Thành viên quan tâm chăm lo đến cộng đồng Việt Nam, Dow đã phối hợp với 27 doanh nghiệp, tổ chức hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết lập “Hợp tác Công-Tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam”.
Dow Việt Nam đang chung tay cùng Chính phủ và cộng đồng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam thông qua các dự án cụ thể, khẳng định lại vai trò của Dow với tư cách là đối tác quan trọng của chính phủ trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa ra môi trường, và tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược.
Cùng với dự án “Hợp tác Quốc gia nhằm thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa tại Việt Nam” đang được triển khai thí điểm tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và các chương trình đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tối đa hóa các giá trị cộng đồng, môi trường và kinh tế để cải thiện cuộc sống con người như cứu trợ Covid-19, đường nhựa tái chế, dọn sạch bãi biển… vào tháng 4/2022, Dow sẽ phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ và một số đối tác khởi động dự án “Không rác thải trên sông Mekong”.
Đây là một trong những dự án điển hình của Hợp tác Công-tư. Thông qua sự hợp tác này, kết quả và bài học chính của dự án sẽ được chia sẻ và cập nhật cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm ví dụ điển hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và cũng là thông lệ tốt nhất cho cơ chế triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sắp tới.
Đáng chú ý, kết quả của dự án sẽ góp phần vào mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là giảm lần lượt 50% và 75% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 2030 trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên đại dương đến năm 2030.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đạt mục tiêu này? Dow sẽ đồng hành với Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết này ra sao?
Cam kết của Việt Nam khá tương đồng với mục tiêu mà Dow đặt ra trong những năm tới.
Đó là đến năm 2030, Dow sẽ giảm lượng phát thải carbon ròng hàng năm xuống 5 triệu mét tấn so với mức cơ bản năm 2020 (giảm 15%). Đến năm 2050, Dow sẽ trở thành doanh nghiệp trung hòa carbon (Phạm vi 1 + 2 + 3).
Đến năm 2030, Dow và các đối tác sẽ thu gom, tái sử dụng hoặc tái chế đến 1 triệu tấn rác thải nhựa.
Đặc biệt, đến năm 2035, Dow sẽ tạo ra vòng tuần hoàn khép kín bằng cách thúc đẩy 100% sản phẩm của Dow trên thị trường có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Vì vậy, là đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Dow sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện mục tiêu tham vọng này, chúng tôi tin rằng một mức giá carbon trên toàn nền kinh tế dựa trên cơ sở thị trường là một trong những chính sách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Dow sẽ thảo luận chặt chẽ với Chính phủ về vấn đề xử lý rác thải nhựa sau khi Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc mới đây đã nhất trí đàm phán Hiệp định về xử lý vấn đề rác thải nhựa trên toàn cầu dự kiến kéo dài trong 2 năm.
Việt Nam đang từng bước chuyển sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Vậy Dow có khuyến nghị gì cho Chính phủ Việt Nam?
Như trên đã nói, cùng với cơ chế giá carbon, việc giảm lượng khí thải CO2 với mức chi phí hợp lý, chính sách thuế carbon, miễn trừ toàn bộ nguyên liệu hay quyền ưu tiên đối với các chương trình của nhà nước (hoặc địa phương) và sự bảo vệ khỏi rò rỉ carbon sẽ là những giải pháp tốt cho Việt Nam từng bước chuyển sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Dow cũng khuyến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành chính sách khuyến khích đổi mới để thúc đẩy giảm phát thải, đẩy mạnh công bố minh bạch về rủi ro và quản lý tác động từ biến đổi khí hậu và sử dụng các chỉ số về biến đổi khí hậu phù hợp với các khuyến nghị của Nhóm Công Tác về Công Bố Tài Chính Liên Quan đến Khí hậu (TCFD).
Dow là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp đổi mới, sáng tạo. Tầm nhìn và chiến lược của Dow là trở thành công ty khoa học vật liệu đổi mới, sáng tạo, lấy khách hàng làm trung tâm, hòa nhập và bền vững nhất trên thế giới.
Năm nay, Dow vô cùng hào hứng chờ đón kỷ niệm 125 năm thành lập Dow - 125 năm đổi mới, phát triển và tiến hóa không ngừng, và hướng đến 125 năm tiếp tục phát triển bền vững ở phía trước.