April 13, 2022 | 10:17 GMT+7

Dragon Capital: Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 7% trong năm 2022

An Nhiên -

Sau khi làn sóng Covid qua đi, Dragon Capital tin rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,0% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô và thị trường chứng khoán, Dragon Capital cho rằng, bất chấp những sự biến động của toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn có một khởi đầu vững chắc và ổn định trong quý 1.

Sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng được đánh giá rất cao bởi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín, khi Fitch và Moody’s duy trì tín nhiệm ở mức BB và Ba3 với triển vọng tích cực. Sau khi làn sóng Covid qua đi, Dragon Capital tin rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt 7,0% tăng trưởng năm nay, và nếu triển khai gói phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả, tăng trưởng 8,6% là mục tiêu khả dĩ có thể đạt được.

Dragon Capital: Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 7% trong năm 2022 - Ảnh 1

Vn-Index gần như đi ngang trong tháng 3, chỉ tăng 0,1% lên 1.492 điểm. Chỉ số gần như không phản ứng với sự biến động của thị trường toàn cầu và số liệu vĩ mô tích cực của 2 tháng đầu năm. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán. Cụ thể, thanh khoản tăng 13% lên 1,16 tỷ USD trên sàn HoSE và tăng 17% lên 1,33 tỷ USD trên cả 3 sàn.

Khối ngoại bán ròng 174 triệu USD trong tháng 3 và 313 triệu USD kể từ đầu năm, bằng một nửa so với Q1/2021, nhưng được hấp thụ hoàn toàn bởi nhà đầu tư trong nước. Tâm lý của nhà đầu tư trong nước vẫn giữ được sự lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tập trung cũng đang hướng về những đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sự kiện bên ngoài tới Việt Nam.

Sự phân hóa giữa cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ và nhóm vốn hóa lớn tiếp tục duy trì trong tháng 3. Cụ thể, chỉ số small-cap tăng 5,7%, chỉ số mid-cap tăng 2,8%, trong khi đó VN30 giảm 0,6%. Với tâm lý hiện tại, nhà đầu tư cá nhân ưa thích cổ phiếu có triển vọng tăng giá ngắn hạn bao gồm các doanh nghiệp xuất khẩu, vật liệu, hàng hóa, và nhóm bất động sản vốn hóa trung bình.

Những tín hiệu tích cực về bức tranh lợi nhuận của nhóm này đang là động lực thu hút dòng tiền. Ngược lại, Ngân hàng, công nghiệp và nhóm cổ phiếu Bất động sản vốn hóa lớn giảm giá. Các trường hợp ngoại lệ là một số cổ phiếu thuộc danh mục quỹ Diamond ETF. Quỹ này đã niêm yết tại Thái Lan vào cuối tháng 3 và huy động thành công hơn $60 triệu, kéo chỉ số Diamond tăng 9% kể từ giữa tháng 3. Các cổ phiếu được hưởng lợi chính bao gồm FPT, tăng 14,1%, cùng với đó, MWG, PNJ và REE tăng 7-8%.

Dragon Capital: Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 7% trong năm 2022 - Ảnh 2

Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng vào giai đoạn cuối tháng khi 2 lãnh đạo của công ty bất động sản bị khởi tố, bao gồm chủ tịch Tập đoàn FLC liên quan đến hành vi thao túng cổ phiếu, và chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về việc công bố thông tin sai lệnh trong quá trình phát hành trái phiếu.

Hai sự kiện này có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong một vài tuần tới, đặc biệt là đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. "Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng các sự kiện này sẽ gây ra tác động lâu dài. Thực tế, việc bắt giữ những cá nhân này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt", Dragon Capital nhấn mạnh. 

Mùa Đại hội cổ đông đang dần hé lộ bức tranh tích cực của năm 2022. Với mức dự báo thận trọng về tăng trưởng lợi nhuận của các công ty, con số này vẫn đạt mức trung bình 15%. Nhóm Ngân hàng đạt 20-25%, vượt trội so với thị trường nhưng lại bị dòng tiền bỏ quên.

Cuối cùng, Dragon Capital dự báo Top80 sẽ tăng trưởng 23%, dựa trên sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế nội địa và sự miễn nhiễm với xung đột Nga – Ukraine. Giá cổ phiếu sẽ dần phản ánh tăng trưởng lợi nhuận khi định giá P/E chỉ ở mức 11-12x.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate