July 01, 2013 | 10:51 GMT+7

Dự án 409 Lĩnh Nam: Chủ và khách đều “dính bẫy”?

Song Hà

Do cần vốn, công ty Vĩnh Hưng đã thế chấp dự án 409 Lĩnh Nam để vay vốn tại ngân hàng Bảo Việt

Khu đất 1,2 ha của dự án 409 Lĩnh Nam đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, do chủ đầu tư không có vốn để triển khai.<br>
Khu đất 1,2 ha của dự án 409 Lĩnh Nam đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống, do chủ đầu tư không có vốn để triển khai.<br>
Hàng trăm khách hàng đã bỏ tiền mua căn hộ tại dự án 409 Lĩnh Nam đang hoang mang trước những thông tin “động trời” về chủ đầu tư dự án này.

Khởi công lấy lệ


Dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có tên thương mại là Vinhhung Dominium, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1,2 ha do Công ty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư.

Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 1/2011. Đến cuối năm 2010, công ty Vĩnh Hưng đã tiến hành huy động vốn thông qua sàn giao dịch bất động sản của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long, có chi nhánh tại Hà Nội.

Tại thời điểm đó, dự án này đã thu hút được hàng trăm nhà đầu tư bỏ tiền mua căn hộ.

Tuy nhiên, không lâu sau lễ khởi công, chủ đầu tư đã không có động thái nào tiếp theo, dự án có vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng này trở nên “án binh bất động” với cả khu đất hơn 1,2 ha cỏ mọc um tùm. Đến lúc này, nhiều nhà đầu tư mới đi tìm chủ đầu tư để đòi lại tiền đặt cọc.

Và dù đã tìm đủ mọi cách, các khách hàng cũng không thể liên hệ được với đại diện chủ đầu tư cũng như ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng.

Đại diện nhóm khách hàng cho hay, sau khi phát hiện chủ đầu tư không thực hiện những cam kết trong hợp đồng, phần lớn khách hàng đã tìm đến công ty để đòi lại số tiền đặt cọc ban đầu, nhưng cũng chỉ nhận được những cú “đá bóng” qua lại giữa hai công ty Hạ Long và Vĩnh Hưng.

Dấu hỏi từ một bản hợp đồng


Theo tìm hiểu của phóng viên, do cần vốn để xây dựng dự án, Vĩnh Hưng đã thế chấp dự án này để vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt - chi nhánh Hà Nội.

Tổng số tiền vay theo hợp đồng tín dụng là 400 tỷ đồng, được giải ngân chia làm hai đợt (đợt 1 là 225 tỷ, đợt 2 là 175 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để được giải ngân số tiền 400 tỷ đồng, Vĩnh Hưng bắt buộc phải mua thép của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi, coi như một điều khoản trong hợp đồng vay vốn.

Do đó, ngày 6/12/2012, phía Vĩnh Hưng đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi để mua thép xây dựng làm mục đích giải ngân. Theo đó, Vĩnh Hưng đồng ý mua 32.000 tấn thép từ Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi với tổng số tiền là 512 tỷ. Phía Vĩnh Hưng phải tạm ứng trước cho công ty này số tiền 226 tỷ đồng. Sau 5 ngày nhận được toàn bộ số thép theo như hợp đồng, phía Việt Hưng phải thanh toán nốt số tiền còn lại.

Hợp đồng kinh tế này cũng ghi rõ “sau khi phía Việt Hưng có đơn đặt hàng, trong vòng 5 ngày nếu Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi không cung cấp hàng cho phía Vĩnh Hưng thì phải hoàn trả lại số tiền tạm ứng là 226 tỷ đồng”.

Đến ngày 10/12/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chăn nuôi đã có văn bản yêu cầu Công ty Vĩnh Hưng cho tạm ứng số tiền 226 tỷ đồng như đã ký kết trong hợp đồng kinh tế trước đó.

Sau khi hợp đồng này được ký kết, ngân hàng Bảo Việt - chi nhánh Hà Nội đã chuyển số tiền 225 tỷ đến tài khoản của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, sau khi nhận được 225 tỷ đồng từ ngân hàng Bảo Việt, công ty Vĩnh Hưng không nhận được thép từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chăn nuôi như hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

Cho rằng phía đơn vị cung ứng thép cố tình chiếm đoạt số tiền 225 tỷ để sử dụng vào mục đích riêng, Vĩnh Hưng đã gửi văn bản yêu cầu đơn vị cung ứng thép hoàn trả lại toàn bộ số tiền tạm ứng ban đầu. Tuy nhiên, phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển chăn nuôi vẫn "phớt lờ".

Đến ngày 30/6/2013, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển chăn nuôi bất ngờ đề nghị trả thép cho Vĩnh Hưng theo hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký ngày 6/12/2012. Tuy nhiên, đại diện Vĩnh Hưng cho biết, doanh nghiệp này không nhận số thép nói trên vì đã lỡ kế hoạch triển khai dự án.

Trong khi đó, theo xác nhận của Công an Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Vĩnh Hưng đã bị bắt từ ngày 17/5 với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của một ngân hàng thương mại khác.

Ngoài công ty Vĩnh Hưng, ông Nguyễn Hoàng Long còn là Chủ tịch của công ty Vina Megastar - chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội, trong đó có dự án Hesco Văn Quán.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate