October 22, 2021 | 06:00 GMT+7

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Đội vốn” 9.200 tỷ, chưa hẹn ngày khai thác

Ánh Tuyết -

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "đội vốn” hơn 100% so với tổng mức đầu tư ban đầu, tương ứng 9.200 tỷ đồng. Do chậm hoàn thành bàn giao, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính phải ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ...

Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong tháng 10/2021. 
Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong tháng 10/2021. 

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. 

Theo báo cáo này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11/2013. Với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần.

Vừa qua, tại văn bản số 10137/VPCP-QHQT ngày 03/12/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án đến tháng 3/2021.

 
Tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016, và số 1511/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2017 là 18.001,5 tỷ đồng, tương đương 868,04 triệu USD, tăng hơn 9.231 tỷ đồng, tương đương 105% so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. 

Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong tháng 10/2021. 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt từ đầu năm 2020 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện các công việc còn lại, trong đó, có việc huy động các nhân sự sang Việt Nam để thực hiện bàn giao dự án của Tổng thầu, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống và thực hiện các thủ tục bàn giao dự án.

Cập nhật tiến độ dự án, Chính phủ cho biết, đến 31/3/2021, dự án cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp, lắp đặt thiết bị, đủ điều kiện để nghiệm thu hoàn thành, bàn giao. Tháng 5/2021, dự án được tư vấn đánh giá an toàn hệ thống cấp chứng chỉ chứng nhận an toàn; được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp chứng nhận thẩm định đánh giá an toàn hệ thống vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, dự án vẫn “án binh bất động” cho đến nay.

Đáng lưu ý, báo cáo cho biết: “Do dự án chậm hoàn thành bàn giao, nên UBND TP. Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt”. Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đang chỉ Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND TP. Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ, để thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của dự án.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông", trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải, nhằm trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.

Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong tháng 10/2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiến hành bàn giao dự án cho UBND TP. Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.

“Với việc chậm tiến độ hoàn thành dự án để bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng, các mục tiêu liên quan đến giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân chưa được giải quyết và gây ra những dư luận không tốt về dự án”, báo cáo Chính phủ nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate