Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
đăng ký vào Việt Nam năm 2010 đã đạt con số khá ấn tượng 18,6 tỷ USD,
bằng 82,2% cùng kỳ năm 2009, trong đó lượng vốn được cấp phép mới đạt
17,2 tỷ USD.
Thành quả này có sự “đóng góp” đáng kể của dự án khu du lịch nghỉ dưỡng
Nam Hội An, với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD, được cấp phép chỉ 10 ngày
trước khi bảng thống kê số liệu được công bố.
Dự án này cũng góp phần đưa Quảng Nam trở thành địa phương có số vốn
đăng ký lớn nhất với 4,177 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Cũng nhờ dự án này, Singapore đã trở thành nhà đầu tư số 1 trong số 51
quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới năm nay với 4,35 tỷ
USD, chiếm 25,2% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Quan trọng là vậy nhưng kể từ ngày cấp phép, chưa có nhiều thông tin về
dự án này được công bố. Chính vì vậy, dễ hiểu khi dự án này dành được sự
quan tâm đặc biệt của công luận.
Nhiều điểm giống dự án Hồ Tràm
Điều dễ nhận thấy là dự án Nam Hội An sẽ là một tổ hợp nghỉ dưỡng có
hoạt động vui chơi có thưởng. Trong khi chờ các thông tin chính thức
được công bố, bản báo cáo chính thức của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Chính
phủ trước đây về dự án này là rất đáng lưu ý.
Theo báo cáo này, vùng ven biển Nam Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam - Việt
Nam có vị trí kéo dài từ bờ Nam sông Thu Bồn đến hết huyện Thăng Bình
(giáp Khu Kinh tế mở Chu Lai), một mặt giáp biển Đông, hai mặt giáp với
các con sông Trường Giang và Thu Bồn.
Đây là khu vực nằm trong chiến lược biển Việt Nam, thuộc dự án tổng thể
sắp xếp dân cư để phòng tránh thiên tai và tạo quỹ đất đầu tư phát triển
du lịch dịch vụ của tỉnh Quảng Nam và đã được Thủ tướng Chính phủ thông
qua với định hướng phát triển chiến lược của tỉnh là ưu tiên cho các
ngành du lịch dịch vụ cao cấp, đặc biệt có nhiều tiềm năng phát triển
các lại hình du lịch, dịch vụ, giải trí cao cấp.
Qua một thời gian nghiên cứu, tập đoàn Genting và VinaCapital cùng đề
xuất được cùng đầu tư và phát triển một khu nghỉ dưỡng phức hợp có quy
mô 320 ha với tên gọi Resort World Nam Hội An, nằm trong dự án phát
triển tổng thể cơ sở hạ tầng khu du lịch và nghỉ dưỡng Nam Hội An, với
diện tích 2.360 ha.
Trọng tâm của dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn này là kế hoạch phát
triển một khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, bao gồm phục vụ các hoạt động
nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và khu vui chơi giải trí có thưởng.
Tập đoàn VinaCapital sẽ đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng trên quy
hoạch tổng thể của toàn bộ 2.360 ha với quy mô yêu cầu xây dựng và phát
triển 7.200 phòng khách sạn, căn hộ và tiện ích công cộng phục vụ cho
việc phát triển kinh tế trong khu vực. Tập đoàn VinaCapital và Resort
World sẽ trực tiếp đầu tư, xây dựng và điều hành Resort World Nam Hội
An, bao gồm khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và hoạt động kinh doanh trò
chơi có thưởng được phát triển chia làm nhiều giai đoạn phát triển.
Riêng khu kinh doanh trò chơi có thưởng sẽ dành cho người nước ngoài với
quy mô 144 bàn chơi bài lá và 2.000 máy chơi có thưởng, “tương tự như
phương thức hoạt động của dự án Hồ Tràm tại Vũng Tàu”.
Dù vốn đăng ký là 4 tỷ USD, việc góp vốn điều lệ cũng sẽ được tiến hành
qua bốn giai đoạn khác nhau, trong đó giai đoạn 1 sẽ chỉ phải góp 236
triệu USD trong tổng số 800 triệu USD vốn điều lệ của dự án.
Chủ đầu tư cũng cam kết sau khi được cấp phép, sẽ triển khai xây dựng
giai đoạn 1 trong vòng 6 tháng ngay sau khi nhận được quyết định giao
đất của chính quyền địa phương.
Tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An,
trong đó có khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài là
khu du lịch, nghỉ dưỡng giải trí có tính đặc thù, là một trong những dự
án thành phần có tính chất trọng tâm, tạo tiền đề để phát triển khai
thác cho toàn bộ phạm vi dự án 2.360 ha khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Đây là cơ sở để tạo bước đột phá, khai thác tối đa tiềm lực của toàn
vùng ven biển Nam Hội An của tỉnh Quảng Nam, tạo nên ảnh hưởng lan tỏa
mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - đầu tư của tỉnh.
Hơn nữa, vị trí của dự án được xây dựng trên khu vực rộng lớn được bao
bọc và cách ly bởi các con sông Trường Giang, sông Thu Bồn và một mặt
giáp với biển Đông cũng sẽ thuận lợi cho công tác quản lý đối với một
khu giải trí mang tính đặc thù.
Một số câu hỏi bỏ ngỏ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Minh Ánh là người đã có công rất
lớn trong việc hiện thực hóa kế hoạch đầu tư táo bạo này. Nhưng người kế
nhiệm, ông Lê Phước Thanh, có thể cũng sẽ có nhiều công việc cần giải
quyết liên quan đến dự án trong nhiệm kỳ của mình.
Vẫn theo đề xuất trước đây của tỉnh Quảng Nam, các ưu đãi mà nhà đầu tư
nhận được, chẳng hạn như được áp dụng chính sách thuế suất ưu đãi cho
khu vực đặc biệt khó khăn như chính sách của một số khu kinh tế của Việt
Nam; được thuê thời hạn 70 năm đối với đất du lịch, dịch vụ; được giao
quyền sử dụng đất ở không thời hạn trong trường hợp đối tượng được
chuyến nhượng là cá nhân trong nước hoặc nước ngoài… là rất đáng lưu ý
đối với dự án.
Hơn thế, chủ đầu tư cũng sẽ được phép liên kết và hợp tác với các nhà
đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước để phát triển khu vực dự án sau khi
cơ sở hạ tầng hoàn tất. Phải chăng các ưu đãi này là quá ưu ái đối với
chủ đầu tư, khi mà một dự án bất động sản và nghỉ dưỡng có cả casino lại
được áp dụng thuế suất ưu đãi như khu kinh tế?
Đáng chú ý là chủ đầu tư sẽ được phép đầu tư dưới 2.500 căn nhà ở trong
dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc
liệu dự án có được thực hiện toàn bộ ngay sau khi được cấp phép, hay
việc đầu tư 2.500 căn nhà để bán và cho thuê sẽ được thực hiện trước?
Tập đoàn Genting được Quảng Nam “giới thiệu” với Chính phủ là một trong
những tập đoàn hàng đầu của Malaysia và được xem là tập đoàn quản lý tốt
nhất châu Á, có nhiều kinh nghiệm trong huy động tài chính và quản lý
những dự án hoạt động tương tự trên khắp thế giới bao gồm Mỹ, Anh và
châu Á.
Resort World là công ty thành viên của Tập đoàn Genting và là doanh
nghiệp hàng đầu châu Á về lĩnh vực giải trí và khách sạn với số vốn là
15 tỷ ringgit (tương đương 4,5 tỷ USD) được niêm yết trên thị trường ở
Malaysia. Đây là nhà điều hành chuyên nghiệp duy nhất có kinh nghiệm
trong việc quản lý khu vui chơi giải trí có thưởng có sự giới hạn tham
gia vào khu vực trò chơi có thưởng đối với một nhóm du khách nhất định
tương tự như các hoạt động ở Malaysia và Singapore.
Hiện nay công ty này đang đầu tư thành công vào các khu vui chơi giải
trí trên thế giới và trong khu vực châu Á như Khu Genting Highland
(Malaysia) đón 19 triệu du khách trong năm 2007 với hệ thống khách sạn
trên 10.000 phòng và trên 13.000 nhân viên; Khu du lịch nghỉ dưỡng phức
hợp có hoạt động trò chơi có thưởng Resort World Sentosa tại hòn đảo
Sentosa ở Singapore với tổng giá trị đầu tư khoảng 4,5 tỷ đôla
Singapore…
Hiện Resort World có hơn 1 triệu thành viên tham gia hệ thống khách hàng thân thiết Genting Loyalty WolrdCard trên toàn cầu.
Resort World cũng cho biết với năng lực và kinh nghiệp đầu tư của mình,
công ty này có khả năng tư vấn cho chính quyền địa phương cũng như Chính
phủ Việt Nam trong việc quản lý hoạt động vui chơi có thưởng, giúp đào
tạo nhân dân tại địa phương làm việc cho dự án này cũng như cung cấp
những cơ hội làm việc cho các Tập đoàn trên thế giới.
Bên cạnh đó, cùng với mối quan hệ vững mạnh với Chính phủ Malaysia và
Singapore, Resort World sẽ giúp phát triển các hoạt động xúc tiến đầu tư
các nước Đông Nam Á vào Việt Nam.
Trong khi Genting còn khá xa lạ thì VinaCapital lại khá quen thuộc khi
đã tham gia đầu tư nhiều năm ở Việt Nam. Đây là tập đoàn quản lý quỹ đầu
tư với tổng tài sản gần 2 tỷ USD vào cuối năm 2008, trong đó 3 quỹ được
niêm yết trên thị trường chứng khoán Luân Đôn (“AIM”) là Vietnam
Opportunity Fund, VinaLand và Vietnam Infrastructure Fund.
Nhà đầu tư này được tỉnh Quảng Nam đánh giá rằng “một trong những thế
mạnh tài chính của tập đoàn chính là quản lý quỹ có tính ổn định cao,
với các nhà đầu tư chủ yếu là các tổ chức tài chính, tín dụng uy tín từ
châu Âu, Mỹ và châu Á”, đồng thời là một nhà đầu tư có trách nhiệm với
cộng đồng khi đã và đang thực hiện các chương trình từ thiện lên tới
hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đáng chú ý là dự án được đăng ký từ Singapore. Có thể Singapore đã được
hai nhà đầu tư lựa chọn để lập nên pháp nhân thứ ba để đầu tư cho dự án
này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate