Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, chiều 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định theo hướng vừa có tính khái quát, vừa cụ thể về các trường hợp thu hồi đất để xây dựng các dự án, công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Việc quy định về các trường hợp thu hồi đất tại Luật là cụ thể hóa quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013 về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định”.
Tán thành hướng tiếp cận như dự thảo quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ từng trường hợp mới được bổ sung so với dự thảo trước đây. Thực tế có trường hợp chưa được liệt kê, dẫn đến thiếu nên nếu không có điều quét thì sau này lại phải sửa luật.
Quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất có ưu điểm rõ ràng cho việc áp dụng thực hiện, đồng thời khống chế các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm chỉ thu hồi đất trong các trường hợp luật định, không thu hồi đất tràn lan. Tuy nhiên, quy định theo hướng liệt kê có hạn chế là không dự liệu được những trường hợp thu hồi đất khác để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Về kỹ thuật, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không phân nhóm mà quy định trực tiếp các trường hợp thu hồi đất vì một số dự án, công trình được phân loại vào từng nhóm chưa tương thích với tính chất của nhóm, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Trình bày tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 13 vấn đề cần xin ý kiến. So với 27 vấn đề được xin ý kiến tại phiên họp trước đó, việc thống nhất được 14 nội dung đã thể hiện nỗ lực của cơ quan soạn thảo và cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
"Có lẽ đến khi nào Quốc hội phê duyệt mới có thể khẳng định dự thảo Luật đảm bảo chất lượng. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng đến ngày cuối cùng", ông Hà nói.
Đề cập đến quy định thu hồi đất, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn chưa xây dựng được các tiêu chí để phân cấp áp dụng. Hiện, dự thảo đưa ra danh sách liệt kê nhưng nếu thực tế phát sinh dẫn đến thiếu trường hợp, theo ông Hà, sẽ "rất gay".
Báo cáo làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, các cơ quan qua nghiên cứu thấy rằng tối ưu là liệt kê các trường hợp thu hồi đất, nhưng phải có “điều quét” để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển. Trường hợp thu hồi trong “điều quét” đó phải nằm trong quy hoạch được phê duyệt.
Góp ý thêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý một số nội dung quan trọng vẫn đang trong quá trình xem xét lựa chọn phương án tối ưu, nên các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội cần tiếp tục phát huy cách làm từ đầu nhiệm kỳ đến nay để phối hợp chặt chẽ.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng, căn cứ báo cáo thẩm tra sơ bộ để có thêm quan điểm trao đổi với Ủy ban Kinh tế. Các cơ quan cần "họp sâu, bàn kỹ, lập luận đầy đủ để có dự thảo tốt nhất".
Về quy định trường hợp thu hồi đất theo hướng liệt kê, ông Huệ nêu quan điểm không thể nào liệt kê hết các trường hợp trong cuộc sống. Do đó, cần có điều "quét" để tránh khi phát sinh lại nói luật không quy định."Quét nhưng vẫn có van, khóa chặt chẽ. Nói trường hợp thu hồi phải phù hợp quy hoạch nhưng quy hoạch nào phải làm rõ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của các cơ quan về việc nhiều nội dung trình lên vẫn còn hai phương án, ông Huệ cho rằng "không nên đóng lại ngay, mà để phút cuối, khi Quốc hội thấy chín muồi mới quyết định".
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm từng phương án phải nêu được rõ ưu, nhược điểm, cơ sở chính trị, thực tiễn, pháp lý để khách quan, công khai, minh bạch. Vào kỳ họp tới, gần 500 đại biểu đủ trí tuệ sẽ xem xét, quyết định.
Đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 6.