Ngày 14/1, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng thẩm định dự án Luật Quản lý phát triển đô thị. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì phiên họp.
5 VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỂ XÂY DỰNG LUẬT
Báo cáo tại phiên họp, ông Trần Quang Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới như hiện nay cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, định hướng, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, phát triển đô thị và hạ tầng đô thị.
Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có 7 Chương, 7 Mục với 61 Điều được đề xuất, xây dựng trên cơ sở 05 quan điểm sau:
Một là, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Ba là, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước, đồng bộ với nhu cầu dân cư và việc làm trên toàn đô thị và theo khu vực trong từng giai đoạn phát triển, bảo đảm cung cấp dịch vụ hạ tầng; đô thị hình thành mới, phát triển mở rộng, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; khuyến khích phát triển không gian ngầm đô thị; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai; giữ gìn và phát huy giá trị đặc trưng, bản sắc văn hóa.
Bốn là, tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, ứng dụng đô thị thông minh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, đề cao vai trò trách nhiệm chính quyền các đô thị, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý phát triển đô thị, thực hiện phân cấp, phân quyền và ứng dụng chuyển đổi số, hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
TĂNG CƯỜNG PHÂN CẤP, PHÂN QUYỀN
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Nội vụ cho biết trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng luật phải bám sát quan điểm, chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, trong đó lưu ý luật chỉ quy định những nội dung mang tính khung, nguyên tắc, thuộc thẩm quyền Quốc hội; những nội dung mang tính chuyên ngành, kỹ thuật, dễ biến động thì giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, địa phương quy định. Đồng thời yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương.
Ngoài ra, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo Luật này có tính chất quan trọng, bao trùm sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước tiến đến phát triển hiện đại, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, thời gian gần đây, Chính phủ có chỉ đạo và đã lập nhóm công tác chuyên đề xây dựng khu đô thị sinh thái ven biển ứng phó biến đổi khí hậu. Theo đại diện Bộ Công an, tuy khái niệm đô thị sinh thái, đô thị thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã được sử dụng trong chỉ tiêu, tiêu chuẩn, tiêu chí về đánh giá phân loại đô thị của Bộ Xây dựng nhưng vẫn còn chưa rõ nét trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, nước ta định hướng phát triển nhiều công trình hạ tầng hiện đại như các công trình xử lý nước thải, thoát nước, công trình giao thông đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, các bãi đỗ xe ngầm và chung cư đỗ xe. Việc kết nối các công trình ngầm này với nhau là rất quan trọng.
Do đó, vị này cho rằng các quy định về quản lý phát triển ngầm, không gian ngầm cần chặt chẽ trong dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn sau này để tránh chồng chéo; đồng thời có thể nghiên cứu thêm về quy định giải quyết tranh chấp, xung đột (nếu có) giữa các công trình ngầm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải nghiên cứu, thể hiện mạnh mẽ hơn nữa các nội dung liên quan đến kiến tạo, khuyến khích phát triển, khơi thông nguồn lực tại dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.