Nguồn tin từ UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, cơ quan này đã có văn bản cho phép khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại Công ty TNHH Silver Shores Hoàng Đạt trở lại hoạt động, sau khi đã chấn chỉnh xong các vi phạm.
Khu vui chơi này đã phải tạm dừng hoạt động từ tháng 4/2010 vừa qua, do các dấu hiệu vi phạm quy chế quản lý trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài.
Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành điều tra và có báo cáo chính thức về việc này lên Chính phủ, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu thành phố Đà Nẵng phối hợp các bộ ngành liên quan tạm đình chỉ hoạt động khu vui chơi để chấn chỉnh lại cho đến khi đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào tháng 4/2010, chủ đầu tư dự án Silver Shores Hoàng Đạt đã có nhiều dấu hiệu làm trái với các quy định trong giấy phép. Cụ thể, dự án này đã triển khai dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng trong khi theo giấy phép đầu tư thì chỉ được triển khai dịch vụ này sau khi hoàn thành các dự án thành phần khác là khách sạn 5 sao và khu biệt thự cao cấp.
Thứ hai là đã sử dụng tên gọi “casino” để quảng cáo cho dự án, trái với các quy định tại giấy phép đầu tư, cũng như các quy định khác về quảng cáo.
Thứ ba, tại khu vui chơi có thưởng của Silver Shores Hoàng Đạt hiện có trên 10 bàn chia bài, trong khi theo giấy phép, đơn vị này chỉ được phép đặt không quá 8 bàn chia bài.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã sử dụng một lượng khá lớn lao động phổ thông nước ngoài, vào lúc cao điểm có thể lên tới 1.000 người. Trong khi đó, theo quy định của Điều 132 Bộ luật Lao động, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân chỉ được phép tuyển người nước ngoài trong một thời hạn nhất định đối với các công việc đòi hỏi kỹ thuật cao hoặc công việc quản lý mà phía Việt Nam chưa đáp ứng được.
Ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn giải trình nhằm “nói lại cho rõ” về các nội dung trong báo cáo.
Theo công văn này, vào thời điểm tháng 6/2008, dự án Silver Shores Hoàng Đạt đã được đăng ký lại theo quy định tại Nghị định số 101/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ. Khi điều chỉnh đăng ký lại doanh nghiệp và dự án đầu tư, UBND thành phố Đà Nẵng đã không ràng buộc điều kiện là “Doanh nghiệp chỉ được triển khai hoạt động kinh doanh khu vui chơi có thưởng cho người nước ngoài sau khi khách sạn 5 sao và khu biệt thự đi vào hoạt động ổn định” như giấy phép ban đầu.
Về việc vi phạm đóng mô phỏng thêm 7 bàn chia bàn, ngày 25/5/2010, công ty đã tiến hành tiêu huỷ 7 bàn chia bàn đóng mô phỏng thêm dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng.
Đối với hoạt động quảng cáo, liên quan đến dòng chữ “Crown Casino”, chủ đầu tư đã gỡ bỏ từ tháng 2/2010 và hiện đang sử dụng cụm từ “Crown International Club”.
Riêng đối với vấn đề lao động nước ngoài, theo UBND thành phố Đà Nẵng, do đặc thù của dự án từ khâu thiết kế, thi công, giám sát đều do nhà thầu nước ngoài đảm nhận, nhằm đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật công trình xây dựng, thành phố đã tạo điều kiện để một số kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao của các nhà thầu được phép gia hạn thời gian tạm trú để đảm bảo hoàn thành công trình theo đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật.
Dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng nói chung, trong đó có dịch vụ casino, lâu nay vẫn được xem là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam. Trước đây, các dự án trong lĩnh vực này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép với sự cho phép của Thủ tướng. Nhưng với chủ trương phân cấp toàn diện, hiện nay việc cấp phép được giao cho UBND các tỉnh thành phố.
Vụ việc của Silver Shores Hoàng Đạt từng xới lên câu chuyện về thẩm quyền cấp phép và quản lý dự án đầu tư nước ngoài giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các UBND các tỉnh, thành phố, xa hơn là câu chuyện về phân cấp.
* Theo dự thảo nghị định về kinh doanh casino đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến công chúng, điều kiện đối với giấy phép cấp mới trong lĩnh vực này là doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh casino đã được thành lập và hoạt động ít nhất 10 năm theo pháp luật của Việt Nam đối với nhà đầu tư trong nước hoặc theo pháp luật của nước ngoài đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xin cấp phép phải có dự án đầu tư xây dựng khu giải trí phức hợp có hoạt động casino nằm trong quy hoạch về kinh doanh casino với mức vốn cam kết đầu tư đạt mức vốn yêu cầu tối thiểu do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chứng minh có đủ năng lực về tài chính đảm bảo giải ngân đủ vốn cam kết đầu tư. Doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được một loạt yêu cầu khác như chưa bị cơ quan có thẩm quyền xử lý về các hành vi vi phạm như: tổ chức kinh doanh casino bất hợp pháp; gian lận trong quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh casino; tham gia hoạt động rửa tiền; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội theo quy định về hoạt động kinh doanh casino và các quy định pháp luật khác của nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính kể từ ngày thành lập đến khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate