January 08, 2025 | 10:19 GMT+7

Dự báo của chuyên gia về giá hàng hóa cơ bản năm 2025

An Huy -

Giá hàng hóa cơ bản nói chung được giới chuyên gia dự báo sẽ giảm trong năm nay do triển vọng kinh tế toàn cầu có phần ảm đạm và đồng USD đang trong xu hướng tăng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, vàng và khí đốt là hai mặt hàng được dự báo sẽ có một năm tăng giá - hãng tin CNBC cho biết.

Năm 2024 vừa qua chứng kiến diễn biến không đồng nhất của giá hàng hóa cơ bản. Các nhà đầu tư đổ xô mua vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị, trong khi một số hàng hóa khác như quặng sắt sụt giá vì Trung Quốc - nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới - chứng kiến tăng trưởng giảm tốc. Câu chuyện của thị trường hàng hóa cơ bản năm nay nhiều khả năng sẽ giống với năm ngoái.

“Hàng hóa cơ bản nói chung sẽ đương đầu áp lực mất giá trên diện rộng trong năm 2025”, trưởng phân tích thị trường hàng hóa cơ bản Sabrin Chowdhury của công ty BMI nhận định với CNBC, đồng thời cho rằng sức mạnh của đồng USD sẽ khiến giá các hàng hóa cơ bản tính bằng đồng tiền này đối mặt với áp lực giảm.

Một mối quan tâm lớn của thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu trong năm nay sẽ là việc Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế như thế nào, bởi các biện pháp đó có thể thúc đẩy sự phục hồi nhu cầu hàng hóa cơ bản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dưới đây là dự báo của giới chuyên gia về giá một số hàng hóa cơ bản trong năm 2025:

GIÁ DẦU THÔ: GIẢM

Giá dầu thô đã giảm trong năm 2024 do nhu cầu yếu của Trung Quốc và tình trạng dư cung. Các nhà quan sát thị trường dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục đương đầu áp lực giảm trong năm 2025.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 11/2024 đã đưa ra dự báo dầu thô giảm giá trong năm nay, trên cơ sở cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng dưới 1 triệu thùng/ngày, ít hơn nhiều so với mức tăng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia dự đoán giá dầu Brent sẽ giảm xuống còn 70 USD/thùng trong năm nay do kỳ vọng rằng nguồn cung dầu tăng thêm từ các quốc gia không thuộc OPEC+ sẽ vượt quá mức tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Trong một báo cáo hồi tháng 12, BMI cho rằng nửa đầu năm 2025 có thể sẽ chứng kiến ​​tình trạng dư cung dầu do sản lượng khai thác dầu tăng đáng kể ở Mỹ, Canada, Guyana và Brazil khi các mỏ mới đi vào hoạt động. Ngoài ra, nếu OPEC+ thực thi kế hoạch tăng sản lượng trở lại, tình trạng dư cung sẽ gây áp lực giảm lớn hơn nữa lên giá dầu.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.

Tuy nhiên, BMI lưu ý rằng bức tranh nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 vẫn chưa rõ ràng. “Chưa thể nói điều gì chắc chắn về nhu cầu dầu toàn cầu, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và nhu cầu nhiên liệu vẫn tăng, nhưng đang có những mối lo rằng tác động của chiến tranh thương mại có thể làm tăng lạm phát và làm giảm nhu cầu dầu ở các thị trường phát triển”, báo cáo của BMI nhận định.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London hiện đang giao dịch ở mức hơn 74 USD/thùng.

GIÁ KHÍ ĐỐT: TĂNG

Các nhà phân tích của Citi cho biết giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đã tăng kể từ giữa tháng 12/2024 do yếu tố địa chính trị và thời tiết lạnh giá.

Việc Ukraine gần đây ngừng trung chuyển khí đốt của Nga tới một số quốc gia châu Âu từ ngày đầu năm mới đã làm gia tăng mức độ bất ổn trên thị trường khí đốt toàn cầu. Chừng nào dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu chưa thể khôi phục, giá khí đốt còn có khả năng tăng. Thời tiết lạnh hơn trong thời gian còn lại của mùa đông ở Mỹ và châu Á cũng có thể khiến giá khí đốt tăng cao hơn.

BMI dự báo giá khí đốt ở Mỹ sẽ tăng khoảng 40% trong năm 2025 lên 3,4 USD/Mmbtu (triệu đơn vị nhiệt Anh) so với mức bình quân 2,4 USD/MMbtu vào năm 2024, do nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) và lượng khí đốt mà Mỹ xuất khẩu ròng qua đường ống cũng tăng lên.  Giá khí đốt tự nhiên tại cảng Henry Hub của Mỹ, thước đo mà BMI đề cập đến, hiện đang giao dịch ở mức 2,95 USD/MMbtu.

“LNG sẽ tiếp tục được tiêu thụ nhiều hơn, do năng lực xuất khẩu LNG của Mỹ ngày càng tăng và nhu cầu mạnh ở thị trường châu Âu và châu Á”, báo cáo viết.

GIÁ VÀNG: TĂNG

Giá vàng đã thiết lập một loạt đỉnh cao mọi thời đại trong năm ngoái và chuỗi kỷ lục này có thể được nối dài trong năm 2025. Ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault - một công ty dịch vụ đầu tư vàng, nhận định: “Các nhà đầu tư lạc quan về vàng và bạc trong năm 2025 vì họ quá bi quan về địa chính trị và nợ chính phủ”.

Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cũng kỳ vọng giá vàng sẽ tăng, đặc biệt nếu chính sách thuế quan của Mỹ khiến căng thẳng thương mại leo thang và gây áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Năm ngoái, giá vàng tăng khoảng 26%, đánh dấu năm tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ - theo dữ liệu từ FactSet. Một số tổ chức dự báo như BullionVault và JPMorgan Chase dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/oz trong năm 2025.

BẠC VÀ BẠCH KIM: TĂNG

Giá bạc cũng có khả năng tăng trong năm 2025 do nhu cầu năng lượng mặt trời duy trì ở mức cao và nguồn cung bạc còn hạn chế. Bạc được sử dụng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

“Cả bạc và bạch kim đều đang có sự hỗ trợ từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Một khi giá các kim loại cơ bản vững lên, chúng tôi cho rằng giá bạc và bạch kim sẽ tăng tốc mạnh trong năm 2025”, một báo cáo của JPMorgan Chase nhận định.

Bạc chủ yếu được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp và thường được dùng trong sản xuất ô tô, tấm pin mặt trời, đồ trang sức và đồ điện tử. Giám đốc đầu tư (CIO) Juerg Kiener của Swiss Asia Capital cho biết bạc cũng giữ một vai trò cần thiết trong việc xây dựng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và có các ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.

Bởi vậy, sự tăng giá của bạc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu công nghiệp toàn cầu - lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan Mỹ - một báo cáo của công ty giao dịch kim loại quý MKS Pamp nhận định.

GIÁ ĐỒNG: GIẢM

Giá đồng - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất xe điện và lưới điện - có thể giảm trong năm 2025 sau khi đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024 nhờ quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

“Khả năng giảm tốc của tiến trình chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh những thay đổi chính sách của chính quyền Trump 2.0 có thể gây suy giảm ở một mức độ nào đó ‘tâm lý xanh’ - yếu tố đã thúc đẩy đồng tăng giá trong năm 2024”, một báo cáo của BMI viết.

Diễn biến giá đồng giao sau tại Mỹ trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/pound - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá đồng giao sau tại Mỹ trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/pound - Nguồn: Trading Economics.

Sau khi tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2024 chủ yếu do nguồn cung siết chặt, giá đồng có xu hướng giảm trong thời gian còn lại của năm và đà giảm này sẽ duy trì sang năm 2025 - theo ông John Gross, Chủ tịch công ty tư vấn quản lý kim loại John Gross and Company.

Một chuyên gia kỳ cựu trên thị trường kim loại cho rằng sự kết hợp giữa lạm phát cao, lãi suất còn cao và đồng USD mạnh lên sẽ gây áp lực giảm giá lên tất cả các thị trường kim loại trong năm nay.

GIÁ QUẶNG SẮT: GIẢM

Giá quặng sắt cũng có thể đi xuống trong năm nay do tình trạng dư cung do chính sách của Trung Quốc và vấn đề địa chính trị.

“Thuế quan dự kiến ​​của Mỹ đối với Trung Quốc, sự thay đổi về bản chất trong các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và nguồn cung quặng sắt mới có giá thành thấp sẽ đẩy thị trường quặng sắt vào tình trạng dư thừa nguồn cung hơn nữa”, một báo cáo của Goldman Sachs nhận định, đồng thời dự báo giá quặng sắt sẽ giảm về mức 95 USD/tấn trong năm 2025.

Sự giảm giá này của quặng sắt được dự báo sẽ diễn ra ngay cả khi Trung Quốc có thể nhập khẩu lượng quặng sắt kỷ lục trong năm nay do các nhà giao dịch muốn tranh thủ mức giá quặng đang rẻ để tích trữ, theo hãng tin Reuters. Năm 2024, giá quặng sắt giảm hơn 24% - theo FactSet.

GIÁ CACAO VÀ CÀ PHÊ: GIẢM

Trong số các hàng hóa cơ bản mềm, giá cacao và cà phê có diễn biến nổi bật trong năm 2024, ghi nhận một loạt kỷ lục mới do điều kiện thời tiết bất lợi dẫn tới nguồn cung thắt chặt ở những vùng sản xuất chính. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các nông sản này có thể yếu đi trong năm 2025.

“Giá của cacao và cà phê hiện đang cao hơn giá thành sản xuất, nên sản lượng sẽ tăng, mà nhu cầu lại có thể giảm trong năm 2025”, một báo cáo của công ty Rabobank nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate