BSC vừa đưa ra dự báo về tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, theo BSC, trong tháng 3/2024, FTSE sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9/2024 khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng chính thức. Và đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Trong khi đó, khả năng đến tháng 6/2025 sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI.
Trong số các tiêu chí định tính mà tổ chức xếp hạng FTSE Russel và MSCI đưa ra, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều, chủ yếu là do FTSE Russel có phân chia thị trường mới nổi ra thành 2 mức độ tùy theo cấp độ phát triển của thị trường như thị trường mới nổi Sơ cấp (Secondary) và Tiên tiến (Advanced). Việt Nam đã đạt được 5/5 chỉ tiêu của thị trường theo tiêu chí của FTSE trong khi đó MSCI vẫn còn yêu cầu cần cải thiện room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài...
Với tiêu chí định lượng, FTSE yêu cầu về chu kỳ thanh toán, giao dịch thất bại trọng khi MSCI còn yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, thanh toán bù trừ.
Về vấn đề ký quỹ, theo lãnh đạo VSD việc áp dụng mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ sẽ là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc pre-funding.
Về tiêu chí tỷ lệ sở hữu nước ngoài, để giải quyết vấn đề này sẽ cần thay đổi các quy định đối với từng ngành nghề, danh mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hiện nay đang được quy định tại Luật Đầu tư (Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành), Luật Chứng khoán (Nghị định số 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành). Ngoài ra, việc nghiên cứu và thí điểm áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) – thị trường chứng khoán Thái Lan đã triển khai khá thành công – cũng cần có cơ chế phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Nhìn lại bên ngoài cho thấy, thị trường chứng khoán các quốc gia thường sẽ diễn biến tích cực trước khi có thông tin chính thức nâng hạng thị trường với thanh khoản cải thiện rõ rệt, điển hình là thị trường chứng khoán Trung Quốc tuy nhiên 2018 cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu bước vào cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ khiến thị trường chứng khoán ghi nhận mức sụt giảm.
Sau đó thị trường chứng khoán nước này tiếp ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Sau khi thông tin chấp thuận nâng hạng được công bố, thanh khoản và điểm số có dấu hiệu sụt giảm ở các nước: Qatar, UAE.
Đối với Saudi Arabia – quốc gia có thời gian chuyển đổi kéo dài với 06 chặng – ghi nhận thanh khoản sụt giảm và chỉ số chứng khoán ghi nhận mức tăng nhẹ sau khi có thông tin chính thức chấp thuận nâng hạng.
Một điều cần lưu ý là diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế - xã hội, tình hình địa chính trị tại mỗi quốc gia ở từng thời điểm, yếu tố nâng hạng không phải là điều kiện chính tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán.
Trong khi đó thanh khoản và diễn biến của chỉ số chứng khoán tại Thái Lan, Malaysia đều ghi nhận xu hướng tích cực trước thời điểm được FTSE chấp thuận nâng hạng từ thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary) lên thị trường mới nổi tiên tiến (Advanced).
Điều này phản ánh rõ nét tính ổn định của thị trường Advanced so với các thị trường Frontier/Unclassified, khi được FTSE chấp thuận nâng hạng lên Advanced đã giúp thị trường các nước này diễn biến tích cực khi đón nhận dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu.
Tại Việt Nam, BSC kỳ vọng sau khi được FTSE Russell nâng hạng chứng khoán sẽ hút 1,5 tỷ USD, và nếu MSCI nâng hạng sẽ hút thêm khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, triển vọng nâng hạng còn phụ thuộc vào tiến độ thực tế triển khai hệ thống KRX; Hành động của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trước tiên là tiêu chí “pre-funding”. Diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường – trong đó động thái mua ròng mạnh mẽ các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố cần quan
sát kỹ lưỡng.
Cuối cùng là quan điểm của các Bộ và cơ quan ngang Bộ có liên quan đến việc phối hợp thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường.