Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là 11,62% so với cùng kỳ và nhập khẩu là tăng 11,27%. Kể cả trong giai đoạn trong nước và quốc tế chịu cú sốc Covid – 19 (giai đoạn 2020), xuất nhập khẩu suy giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương.
Tuy nhiên, sang năm 2023, chính sách tiền tệ chủ đạo trên thế giới nghiêng về thắt chặt, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã khiến nhu cầu hàng hóa thế giới nói chung, hay cụ thể hơn là các thị trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ chiếm ~29,46% kim ngạch xuất khẩu năm 2022, Trung Quốc chiếm ~15,54% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 và châu Âu chiếm ~12,61% kim ngạch xuất khẩu năm 2022 sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này suy yếu theo, thậm chí là tăng trưởng âm.
Trong 10 tháng 2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 291 tỷ USD, giảm 6,92%, nhập khẩu đạt 266,67 tỷ USD giảm 12,09% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất nhập khẩu đang cho thấy diễn biến tích cực hơn về cuối năm, đà tăng trưởng âm thu hẹp dần, tuy nhiên cán cân thương mại ngày càng tăng lên.
Tình trạng này là do Việt Nam có xu hướng nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất và xuất khẩu hàng thành phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu vẫn còn yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam không có động lực nhập khẩu để sản xuất thêm.
Trong báo cáo về chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam tháng 10/2023 của S&P Global cũng chỉ rõ, số lượng đơn đặt hàng mới tăng ở mức yếu, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng hàng tồn kho để đáp ứng các đơn hàng mới thay vì tăng sản lượng. Kết quả, cán cân thương mại 10 tháng năm 2023 thặng dư 24,61 tỷ USD, tăng 156,65%.
Trong năm 2023, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, BSC dự báo xuất - nhập khẩu Việt Nam sẽ giảm lần lượt là 10% - 4,42% và giảm 15% - 9,09% ; thặng dư cán cân thương mại ở mức 28,6 – 29,1 tỷ USD.
Trong năm 2024, dự báo xuất nhập khẩu Việt Nam lần lượt sẽ ở mức tăng 5,5 - 11% và tăng 7,5% - 15%; thặng dư cán cân thương mại thu hẹp so với 2023, ở mức 18,7 – 24,6 tỷ USD.
Theo BSC, xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ hồi phục trở lại khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; Hàng hồn kho tại Hoa Kỳ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây; Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian dài, là yếu tố cản trở đà hồi phục.
Tại châu Âu, lạm phát vẫn ở mức cao, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cũng có quan điểm tương tự Fed là sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài cho đến khi lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2%. ECB dự báo đến năm 2025 lạm phát trung bình năm mới về ngưỡng 2,1%. Ngoài ra, châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kĩ thuật (tăng trưởng GDP âm hai quý liên tiếp) khi tăng trưởng GDP quý 3/2023 - 0,1% so với quý trước. Xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tại Trung Quốc, cả ba trụ cột chính của nền kinh tế là Tiêu dùng trong nước, Bất động sản, Xuất nhập khẩu đều đang yếu. Sang năm tới khi Fed chấm dứt chính sách tiền tệ thắt chặt, thúc đẩy các quốc gia khác nới lỏng chính sách tiền tệ theo, tạo điều kiện cho thương mại toàn cầu hồi phục trở lại. Khi đó thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ hồi phục theo đà hồi phục chung. Nhập khẩu hàng hóa đầu vào năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn sau năm 2023 đình trệ, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu ra hồi phục.