Quý cuối cùng của năm 2022 là giai đoạn “khủng hoảng” đối với cả Apple và một trong những nhà cung ứng chính của hãng, Foxconn. Trên thực tế, cả hai công ty vẫn đang phục hồi sau sự gián đoạn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất đặt tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Vụ việc tại nhà máy sản xuất khiến Apple chịu ảnh hưởng nặng nề trong mùa lễ hội năm nay, theo Tech Wire Asia.
Thực tế, Apple vẫn đang “trụ vững” nhờ nền tảng tài chính mạnh mẽ và quỹ đạo tăng trưởng dài hạn bền vững, nhưng không tránh khỏi phải đối mặt với tình trạng khó khăn do môi trường vĩ mô ngày càng thách thức. Ngay cả các chuyên gia cũng đang giảm bớt kỳ vọng về doanh số bán iPhone của Apple trong quý tới. Một số nhà đầu tư hoài nghi liệu doanh số bán hàng đang thật sự đi xuống hay chỉ đơn giản là bị trì hoãn và suy thoái kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu người dùng nhiều như thế nào.
Các mẫu iPhone 14 Pro và Pro Max đã trở thành tâm điểm chú ý cho dòng thiết bị smartphone mới nhất của Apple. Foxconn là đơn vị lắp ráp duy nhất cả hai mẫu iPhone cao cấp này, phần lớn trong số đó được sản xuất tại nhà máy ở Trịnh Châu. Các phiên bản cập nhật của iPhone 14 như nâng cấp chip và gia tăng hiệu suất cũng được gấp rút đi vào sản xuất phục vụ nhu cầu tăng vọt. Nhưng nhu cầu tăng cao chưa chắc đã là tin tốt cho Apple hay Foxconn.
Cơ sở Foxconn ở Trịnh Châu chịu trách nhiệm về sản lượng của hơn 80% các thiết bị iPhone 14 Pro và Pro Max toàn cầu. 20% còn lại, theo các nhà phân tích dự đoán, có thể đến từ các quốc gia thay thế, chẳng hạn như Ấn Độ, những quốc gia miễn nhiễm với các hạn chế Covid khắc nghiệt như tại Trung Quốc.
Ngược lại, các mẫu Phone 14 nguyên bản có dấu hiệu tụt lại so với mẫu Pro và Pro Max, kể từ khi người tiêu dùng thị trường đại chúng thắt lưng buộc bụng trước lạm phát tăng cao và lãi suất cao. Ngay cả Foxconn cũng có vẻ không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong năm mới, sau một quý cuối cùng “thảm khốc” của năm 2022.
Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết công ty, hiện tại, không có bất kỳ cơ hội nào để tăng trưởng doanh thu ồ ạt vào năm tới, một phần là do những “tàn cuộc” của năm nay. “Trong năm tới, chúng tôi thấy trung tâm dữ liệu đám mây và các sản phẩm mạng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng các thiết bị điện tử tiêu dùng và điện tử thông minh vẫn sẽ tăng trưởng chậm và hơi yếu”.
MỌI THỨ CHƯA KẾT THÚC
Apple và Foxconn đã đưa ra nhiều hứa hẹn về một sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, khi phần lớn các công ty công nghệ quyết tâm bảo toàn lợi nhuận và Cục Dự trữ Liên bang kết thúc chiến dịch tăng lãi suất của mình, Wedbush Securities cho biết.
"Chúng tôi tin rằng lĩnh vực công nghệ nói chung sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2023 so với mức hiện tại bất chấp bối cảnh vĩ mô đầy biến động", chuyên gia lĩnh vực công nghệ Dan Ives chia sẻ.
Mới đây, nhà cung cấp chip chính của Apple, đại gia bán dẫn TSMC, đã thông báo bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm.
Apple có thể sẽ trở thành những khách hàng đầu tiên được áp dụng sản phẩm tân tiến này. Trước tiên, hãng có thể sử dụng thay thế các chip trong hệ thống M2 Pro cho các mẫu cập nhật của MacBook Pro và Mac Mini trong thời gian sắp tới. Theo báo cáo mới của DigiTimes, TSMC sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt quy trình chip 3nm thế hệ tiếp theo vào ngày 29/3/2023, trong khi báo cáo trước đó cho biết việc sản xuất hàng loạt chip 3nm sẽ bắt đầu vào cuối năm 2022.
Apple hiện đang sử dụng chip 4nm của TSMC trong hệ chip A16 Bionic trong dòng iPhone 14 Pro nhưng có thể “nhảy” lên 3nm ngay đầu năm sau. Phiên bản Chip M2 Pro dự kiến sẽ ra mắt đầu tiên trong MacBook Pro 14 inch và 16 inch được cập nhật vào đầu năm tới.