February 09, 2017 | 09:51 GMT+7

Du khách đến Mỹ giảm mạnh vì sắc lệnh của Trump

Thăng Điệp

Sắc lệnh của Tổng thống Trump đang khiến du khách nước ngoài ngần ngại đặt chân đến Mỹ

Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump ở sân bay quốc tế Hatfield-Jackson Atlanta, thành phố Atlanta, Mỹ hôm 29/1 - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump ở sân bay quốc tế Hatfield-Jackson Atlanta, thành phố Atlanta, Mỹ hôm 29/1 - Ảnh: Reuters/CNBC.<br>
Nhu cầu đến Mỹ của du khách quốc tế đã giảm mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh tạm thời, hãng tin CNBC dẫn số liệu từ các nhà phân tích cho biết.

Sắc lệnh mà ông Trump ký hôm 27/1 từ chối nhập cảnh trong vòng 90 ngày đối với công dân 7 quốc gia có phần đông dân số theo đạo Hồi gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syrian và Yemen, và trong vòng 120 ngày đối với toàn bộ người tị nạn.

Những số liệu mới nhất cho thấy lệnh cấm này đã làm giảm nhu cầu bay và đặt vé máy bay tới Mỹ từ nhiều quốc gia, thay vì chỉ những quốc gia chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Theo công ty phân tích du lịch - lữ hành ForwardKeys, tổng lượng ròng đặt vé máy bay tới Mỹ trong thời gian từ ngày 28/1-4/2 đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng đạt vé ròng từ 7 quốc gia chịu ảnh hưởng bởi sắc lệnh giảm 80%.

ForwardKeys cho rằng những dữ liệu này cho thấy sắc lệnh của Tổng thống Trump đang khiến du khách nước ngoài ngần ngại đặt chân đến Mỹ.

“Dữ liệu dẫn đến kết luận rằng lệnh cấm nhập cảnh của Donald Trump đã ngay lập tức dẫn tới sự suy giảm số lượng đặt vé tới Mỹ và ảnh hưởng ngay đến hoạt động du lịch trong tương lai ở Mỹ”, Giám đốc điều hành (CEO) Olivier Jager của ForwardKeys nhận xét. “Đây không phải là một tin tốt đối với kinh tế Mỹ”.

Còn theo công ty phân tích dữ liệu Hopper, nhu cầu tìm kiếm chuyến bay từ nước ngoài tới Mỹ đã giảm 17% trong khoảng thời gian từ khi ông Trump nhậm chức và ký sắc lệnh cấm nhập cảnh. Theo Hopper, nhu cầu tìm kiếm chuyến bay tới Mỹ đã giảm tại 94 trong tổng số 122 nước mà công ty này phân tích dữ liệu.

Về sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump, tòa án phúc thẩm ở San Francisco ngày 8/2 đã tiến hành phiên điều trần đầu tiên nhằm xác định có đưa sắc lệnh có hiệu lực trở lại hay không. Hiện tòa phúc thẩm chưa đưa ra phán quyết.

Sắc lệnh trên đã bị một thẩm phán liên bang ở Seattle đình chỉ vào hôm thứ Sáu tuần trước sau khi hai bang Washington và Minnesota có đơn kiện. Chính phủ Mỹ đã kháng án lên tòa phúc thẩm nhằm lập lại sắc lệnh.

Trong khi chờ đợi phán quyết của tòa phúc thẩm, Tổng thống Trump ngày 8/2 tiếp tục chỉ trích hệ thống tòa án Mỹ. “Tôi không bao giờ muốn nói tòa án thiên vị… Nhưng có vẻ như các tòa án bị chi phối quá nhiều bởi chính trị. Sẽ thật tuyệt nếu hệ thống tư pháp của chúng ta làm được điều đúng đắn”, Trump nói.

Một cuộc khảo sát mới do Morning Consult and Politico tiến hành từ ngày 2-4/2 cho thấy 55% người Mỹ được thăm dò ý kiến nói ủng hộ sắc lệnh cấm nhập cảnh của Trump, trong đó 35% nói “ủng hộ mạnh mẽ”. Tỷ lệ người được khảo sát nói phản đối sắc lệnh này là 38%.

Tương tự, một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện mới đây cũng cho thấy nhiều người Mỹ ủng hộ sắc lệnh của Trump hơn là phản đối, với tỷ lệ ủng hộ là 49% và phản đối là 41%.

Tuy nhiên, không phải cuộc khảo sát nào gần đây cũng cho kết quả nghiêng về Trump. Một cuộc khảo sát của CNN/ORC vào tuần trước cho thấy 53% người Mỹ được hỏi phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh. Kết quả này khiến Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng “bất kỳ cuộc khảo sát cho kết quả tiêu cực nào cũng là thông tin giả mạo”.

Sắc lệnh của Trump có vẻ được lòng người Mỹ, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông đang có chiều hướng giảm. 47% người Mỹ được hỏi trong cuộc khảo sát của Morning Consult and Politico nói họ ủng hộ những gì Trump đang làm, giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước đó. Trái lại, tỷ lệ phản đối Trump tăng 5 điểm phẩn trăm, lên 46%.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate