Hệ thống bảo tàng ở Việt Nam khá đa dạng về loại hình, trong đó bảo tàng lịch sử - văn hóa có mặt ở khắp các địa phương, nhiều tỉnh và ngành có các bảo tàng chuyên đề, bảo tàng danh nhân... Hệ thống bảo tàng này phục vụ nhiều đối tượng, ưu tiên và phổ biến nhất là khách theo các tour du lịch.
MỘT SỐ TÍN HIỆU VUI
Sau năm 2023 với nhiều điểm nhấn, hội họa TP.HCM khai màn 2024 với không ít triển lãm ấn tượng. Chỉ trong tháng 1 đã có hơn 10 triển lãm mở cửa, đón giới mộ điệu cả nước. Sự đa dạng - xét ở nhiều khía cạnh - đang cho thấy đời sống sôi động của hội họa TP.HCM. Từ đây, ý tưởng về việc kết hợp hội họa và du lịch, biến không gian triển lãm thành điểm đến trong hành trình khám phá thành phố của du khách nhất là du khách quốc tế là hoàn toàn có cơ sở.
Đơn cử như dịp mừng xuân Giáp Thìn, nếu du khách muốn chiêm ngưỡng các hiện vật quý hiếm, có thể đến triển lãm chuyên đề mang tên Du xuân - Cổ ngoạn của Bảo tàng TP.HCM hoặc chuyên đề Long Vân khánh hội - Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Nếu muốn thưởng lãm tranh của các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Năng Hiển, Đỗ Xuân Doãn... vẽ về không khí ngày xuân, 12 con giáp và phong tục đón tết, du khách sẽ đến triển lãm Lập xuân của Bảo tàng Mỹ thuật tư nhân Quang San. Những triển lãm này kết thúc trong tháng 3 và tháng 4/2024...
Trước đó, cuối tháng 12/2023, Sở Du lịch TP.HCM đã đặt vấn đề khai thác hiệu quả các tour đêm tại các bảo tàng. Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết, từ đầu năm đến nay bảo tàng đón trên 132.000 lượt khách tham quan, trong đó học sinh, sinh viên chiếm phần lớn, còn khách đoàn du lịch không đáng kể. Dự tính trong thời gian tới, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ sẽ triển khai tour đêm trình diễn áo dài với nhiều nét đặc sắc, mới lạ để thu hút khách.
Tương tự, Bảo tàng Áo Dài cũng đón lượng khách vào mùa khô, mùa lễ hội tăng gấp hai đến ba lần so với dịp cuối tuần. Riêng tháng 12 gần lễ Tết cao điểm, bảo tàng đón khách, bán dịch vụ cộng thêm… tăng tổng thu của bảo tàng lên mức hấp dẫn nhất trong năm. Bảo tàng có kế hoạch đưa vào khai thác định kỳ các sản phẩm tham quan ban đêm để phục vụ du khách. Mới đây, bảo tàng thí điểm thực hiện tour đêm biểu diễn đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực đặc trưng Nam bộ trong khung cảnh sông nước đêm trăng rằm khiến du khách rất thích thú.
Tại Hà Nội, giữa tháng 1/2024, hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức” đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam áp dụng. Dự án hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Thông tin du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại tiện ích thiết thực cho khách tham quan, thuận lợi hơn cho hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Bảo tàng, đồng thời cũng là nỗ lực của Bảo tàng trong quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Câu chuyện của Bảo tàng Văn học Việt Nam tại Hà Nội cũng là một trường hợp đáng suy ngẫm. Từ một địa điểm bị lãng quên trên bản đồ du lịch Hà Nội, bỗng được các tiktoker “tái phát hiện”, các video clip tham quan bảo tàng thu hút được nhiều triệu lượt view, biến việc tham quan check-in tại bảo tàng trở thành xu hướng một cách hoàn toàn tự nhiên…
VẪN CÒN NHIỀU “LOAY HOAY”
Xét trên khía cạnh địa phương, tỉnh Quảng Nam sở hữu nhiều bảo tàng với hàng nghìn hiện vật có giá trị độc đáo, đáng chú ý hầu hết bảo tàng đều nằm trên các tuyến đường du lịch, dù vậy việc phát huy giá trị, lợi thế những điểm đến này vẫn chưa như kỳ vọng. Ông Nguyễn Quốc Dũng, hướng dẫn viên Công ty Du lịch An Phú cho biết, hơn 15 năm đưa khách du lịch từ Hội An lên Mỹ Sơn tham quan, ông không biết Bảo tàng Điện Bàn có nhiều hiện vật quý. Đây cũng là thực trạng của nhiều bảo tàng khi rất thiếu thông tin hoặc công tác quảng bá, giới thiệu rất mờ nhạt.
Có thể thấy, mặc dù sở hữu nhiều hiện vật độc đáo, nhưng để phát huy giá trị hiện vật bảo tàng gắn với du lịch là vấn đề không hề đơn giản. Một trong những yếu tố quan trọng chính là sự thiếu kết nối với doanh nghiệp và du khách. Riêng tại Bảo tàng Mỹ Sơn, kể từ khi các chuyên gia Italia hỗ trợ trưng bày lại hiện vật, mỗi ngày khách tham quan khu đền tháp ghé thăm đã tăng 70%.
Theo các chuyên gia, mối quan hệ tương tác giữa bảo tàng và du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự hiểu biết, giao lưu văn hóa và tăng cường niềm tự hào dân tộc. Một trong những lý do phổ biến để du khách viếng thăm bảo tàng là để xem những hiện vật độc đáo, quý hiếm và đẹp mắt, mà họ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Hiện vật phải tạo ra những trải nghiệm bằng cách khuyến khích sự tò mò và thúc đẩy trí tưởng tượng.
“Người dân đến du lịch tại các nước như Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc... được hướng dẫn viên đưa đến các bảo tàng, phòng tranh để tham quan. Hiện nay, thành phố mình chưa làm được điều đó, vì cơ sở vật chất còn hạn chế. Chưa kể, kết nối giữa các điểm triển lãm với công ty du lịch chưa mạnh. Nếu đưa được một số điểm triển lãm vào tour của các đơn vị lữ hành thì hoàn toàn có thể phát triển chúng thành sản phẩm du lịch. Lâu dần, hoạt động này sẽ ngày càng mạnh, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa nói chung”, giáo sư, tiến sĩ Lê Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ.
Ngoài ra, thách thức của kinh doanh bảo tàng ở Việt Nam vẫn đến từ nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhân lực giỏi và còn hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt ở các bảo tàng xưa, cổ. Thiếu phòng trưng bày, khu vệ sinh đạt chuẩn, khu trải nghiệm cho sinh viên, học sinh, phòng làm việc, hệ thống kho bảo quản chưa đạt chuẩn, thiếu diện tích do hiện vật ngày càng nhiều, thiếu chỗ lưu giữ, bảo quản, đầu tư cho cơ sở vật chất còn manh mún...
Đại diện Bảo tàng Lịch sử TP.HCM kỳ vọng trong nhiều năm tới đơn vị sẽ nhận chính sách đầu tư ngân sách thích đáng cho bảo tàng về cơ sở vật chất, chỉnh lý mỹ thuật, hiện đại hóa bảo tàng, hướng đến xây dựng mô hình bảo tàng thông minh. Ngoài ra tiến tới xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ như cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến bảo tàng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng; thực hiện liên doanh, liên kết trong hoạt động dịch vụ (bán hàng lưu niệm, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, tổ chức sự kiện) theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về hoạt động dịch vụ tại bảo tàng và các quy định pháp luật có liên quan.
“Các cơ quan quản lý cũng nên có cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ cho hoạt động tạo nguồn thu của bảo tàng, cũng như việc cải thiện điều kiện phục vụ du khách đến bảo tàng học tập, vui chơi, thưởng lãm”, vị này nói thêm.