July 23, 2021 | 13:11 GMT+7

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tìm hướng vượt khó trong đại dịch

Hoài Niệm -

Nhiều địa phương và doanh nghiệp miền Tây Nam Bộ đang cố gắng tìm những giải pháp nhằm gượng dậy ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh...

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động nặng nề
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu tác động nặng nề

Theo thống kê, hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có trên 2.490 cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là thời điểm để mổ xẻ, đánh giá lại hoạt động du lịch, lên kế hoạch và chuẩn bị cho những hành trình dài hơi trong trung hạn và dài hạn.

BỎ NGỎ TIỀM NĂNG DU LỊCH CỘNG ĐỒNG

Là một khu vực trù phú, có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và được xác định là một trong bảy phân vùng du lịch của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long có đầy đủ tiềm năng và đặc trưng văn hóa riêng biệt để phát triển thành một điểm đến nghỉ dưỡng quan trọng ở khu vực phía Nam.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và kéo dài, du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2020, lượng khách du lịch đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 28,5 triệu lượt, giảm 38,4% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 21.879 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ.

Trong đó ở cụm phía đông (các tỉnh giáp biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…), số khách du lịch quốc tế đạt hơn 420 ngàn lượt, giảm 79% so với cùng kỳ, số lượt khách du lịch nội địa đạt hơn 6 triệu lượt, giảm 41%. Ở cụm phía tây (vùng tứ giác Long Xuyên, Cà Mau, Kiên Giang…) số lượt khách quốc tế đến các tỉnh, thành đạt hơn 361 ngàn lượt, giảm 75% so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt hơn 21,6 triệu lượt, giảm 33% so với cùng kỳ.

Những tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp nên khách du lịch đến các điểm du lịch ở Miền Tây cũng giảm mạnh. Địa phương có nhiều điểm tham qua và thu hút khá đông du khách đến tham quan mỗi năm như Đồng Tháp, lượng khách đến cũng giảm rõ rệt. Đơn cử trong quý I/2021, ước có khoảng 600 ngàn lượt khách đến Đồng Tháp tham quan, du lịch (giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng doanh thu du lịch, theo ước tính của ngành du lịch tỉnh, chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng (giảm 28,6%) so với cùng kỳ năm 2020…

 
Bên cạnh các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, cộng đồng, nhiều nhà đầu tư về du lịch cũng cho rằng, các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong tương lai rất cần những sản phẩm cao cấp khai thác thế mạnh miền sông nước, như các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, trang trại và các hoạt động hướng về thiên nhiên.

Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000 km, hệ sinh thái đa dạng từ nước ngọt đến nước mặn; đặc biệt là kho tàng văn hóa dân gian giàu bản sắc. Du lịch đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển nhiều loại hình, gồm: Sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, MICE, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp,… Riêng mảng du lịch cộng đồng đang được quan tâm bởi không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa mà còn giúp du khách tham gia nhiều trải nghiệm thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên.

Mặc dù vậy, trên thực tế, mảng du lịch cộng đồng ở vùng đất này mới chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Vì dụ mô hình du lịch cộng đồng Mười Ngọt tại Cà Mau, với đặc trưng là dẫn du khách đi “ăn ong” ở rùng U Minh Hạ; mô hình du lịch cộng đồng liên kết xây dựng tuyến tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (đi tàu cao tốc, ăn hàu biển, hải sản…); du lịch Cồn Sơn tham quan sông nước ở TP. Cần Thơ, ở tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long,…

Đặc điểm chung của những người làm du lịch cộng đồng ở nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long là “tự tìm lối đi”, tự mày mò, nâng cấp, tự lèo lái vượt qua khó khăn, dịch bệnh…

LÀM GÌ ĐỂ DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN SAU ĐẠI DỊCH?

Những hình thức du lịch miệt vườn, du lịch sông nước vốn đã từng khá hút khách du lịch và gây ấn tượng nhiều năm về trước; tuy nhiên, trong những năm gần đây, khu vực này đang dần bị “nhạt nhòa” hơn so với nhiều điểm đến nghỉ dưỡng khác.

Theo thống kê của Savills Hotels thuộc Tập đoàn Savills, nguồn cung khách sạn và resort tại đồng bằng sông Cửu Long còn khá hạn chế với 28 cơ sở lưu trú thuộc phân khúc “midscale” (trung bình) trở lên đang hoạt động. Với vị trí địa lý thuận lợi nằm liền kề TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều ưu thế trong việc tiếp cận nguồn khách đa dạng khi khu vực tập trung nhiều cửa ngõ giao thông lớn của cả nước. Dù vậy, so với các điểm đến có thể tiếp cận thuận tiện bằng đường bộ từ TP.HCM như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Đà Lạt, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có phần kém sôi động hơn. Điều này có vai trò của cơ sở hạ tầng trong việc phát triển du lịch.

Ông Vuko Kralj, Tổng quản lý khu nghỉ dưỡng Azerai Cần Thơ, TP. Cần Thơ nhận định: Trước khi đại dịch diễn ra, bên cạnh 10 đường bay nội địa, sân bay quốc tế Cần Thơ còn phục vụ 4 đường bay quốc tế kết nối trực tiếp với các cửa ngõ giao thông của khu vực gồm Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul và Đài Bắc. Ngoài ra, việc triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông sẽ giúp khu vực đồng bằng sông Cửu Long mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách quốc tế và nội địa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đồng bằng sông Cửu Long có đầy đủ tiềm năng và đặc trưng văn hóa riêng biệt để phát triển thành một điểm đến nghỉ dưỡng quan trọng ở khu vực phía Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long có đầy đủ tiềm năng và đặc trưng văn hóa riêng biệt để phát triển thành một điểm đến nghỉ dưỡng quan trọng ở khu vực phía Nam.

Hiện nay, du khách quốc tế có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm chân thực và dân dã thông qua các hoạt động giao lưu với người dân địa phương, tìm hiểu và khám phá những nét đặc trưng của các điểm đến du lịch. Bên cạnh các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, cộng đồng, nhiều nhà đầu tư về du lịch cũng cho rằng, các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong tương lai rất cần những sản phẩm cao cấp khai thác thế mạnh miền sông nước, như các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, trang trại và các hoạt động hướng về thiên nhiên.

Lấy ví dụ như Tập đoàn TMG đã đưa vào hoạt động du thuyền Victoria Mekong Cruise với 35 cabin và đầy đủ tiện nghi cho hành trình từ 3 - 5 đêm trên dòng Mekong, đây cũng là chiến lược của tập đoàn trong việc góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của khu vực.

Tuy nhiên, các chuyên gia về du lịch cũng khuyến cáo và đề cao việc phát triển liên kết vùng, phối hợp giữa các tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ với TP.HCM và những tỉnh lân cận khác để có sự hỗ trợ trong việc mở rộng nguồn cầu du lịch và mang đến những trải nghiệm dài ngày và đa dạng hơn cho du khách. Để đạt được điều này đòi hỏi một chiến lược dài hơi trong việc duy trì và phát huy thế mạnh văn hóa bản địa; đồng thời sáng tạo hơn trong việc làm mới các sản phẩm du lịch.

Hy vọng, bên cạnh tinh thần chống dịch ở thời điểm hiện tại, ngành du lịch Việt Nam nói chung, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, có thể tận dụng khoảng thời gian này để xây dựng kế hoạch cho tương lai. Đại dịch Covid-19 như một cuộc thanh lọc lớn!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate