Trong khi đó, du lịch nội địa vẫn là trụ cột sáng giá ở Đông Nam Á. Ông Caesar Indra, Chủ tịch nền tảng du lịch trực tuyến Đông Nam Á Traveloka cho hay, trong 2 năm qua, người Đông Nam Á khơi dậy niềm đam mê du lịch, đặc biệt chọn điểm dừng chân trong nước. Nhiều người dân trong khu vực tiếp tục khám phá những điểm đến của quê hương ngay cả khi đã được tự do du lịch nước ngoài.
NHỮNG CHUYẾN ĐI TRONG NƯỚC
Thật vậy, các chuyến đi trong nước tại khu vực Đông Nam Á tăng 20% trong lượng đặt vé máy bay trên nền tảng Traveloka trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 5/2023 so với cùng kỳ năm trước, mang lại dấu hiệu lạc quan cho các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Doanh thu từ du lịch nội địa khu vực từng đạt đỉnh 145,1 tỷ USD vào năm 2019, gần bằng doanh thu 147,6 tỷ USD mang lại cho khu vực thông qua du lịch quốc tế trong năm đó.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tin tưởng du lịch trong nước sẽ đạt mục tiêu 200 triệu chuyến trong năm nay, mặc dù mức tiêu thụ hàng hóa trong nước ảm đạm. Bà Thapanee Kiatphaibool, Phó Tổng Cục trưởng TAT phụ trách tiếp thị trong nước cho biết người Thái Lan vẫn dành một phần chi tiêu cho các chuyến du lịch trong nửa cuối năm dù kinh tế khó khăn.
Mặc dù khách du lịch trong nước có thể không chi tiêu nhiều cho chuyến đi của họ, nhưng xu hướng cho thấy họ thích đi du lịch thường xuyên hơn với các chuyến đi trong ngày. Trong 7 tháng đầu năm nay, khách du lịch Thái Lan đã thực hiện 135 triệu lượt du lịch trong nước, trong đó 76,5 triệu lượt lưu trú qua đêm và 58,6 triệu lượt đi trong ngày. Những hoạt động đó đã tạo ra 478 tỷ baht (gần 14 tỷ USD) cho nền kinh tế.
Cũng theo bà Thapanee, chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi là 3.200 baht, tăng nhẹ so với 2.800 baht mỗi chuyến trong năm ngoái. Để thu hút khách du lịch Thái Lan đi du lịch trong nước thay vì ra nước ngoài, TAT đang khuyến khích mọi người đi du lịch quanh năm với chiến dịch quảng bá giới thiệu Thái Lan trong cả 365 ngày trong năm với nhiều hoạt động đa dạng, chẳng hạn như trải nghiệm du lịch chữa lành và chăm sóc sức khỏe bằng các sản phẩm cộng đồng địa phương.
Trước đại dịch, có hàng triệu lượt người Indonesia đi du lịch nước ngoài mỗi năm. Thống kê của Ngân hàng Indonesia cho biết, du khách Indonesia đã chi tiêu tới 11 tỷ USD sau 11 triệu chuyến đi du lịch quốc tế. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch, điều đầu tiên ngành du lịch Bali nghĩ đến là nỗ lực thu hút người dân Indonesia đến tham quan. Đại diện Bộ Kinh tế Sáng tạo Indonesia, bà Rizki Handayani, nhấn mạnh: "Thị trường quốc tế vẫn quan trọng, nhưng thay vì chờ đợi khách nước ngoài quay lại, Bali cần phát huy tiềm năng to lớn ở trong nước".
Tương tự, chi tiêu du lịch nội địa Malaysia trong năm ngoái, đã tăng hơn 248% so với năm 2021, đạt 64 tỷ ringgit (tương đương 14 tỷ USD). Số lượng du khách trong nước tăng vọt 160% so với năm 2021. Việc mở lại tất cả các hoạt động kinh tế sau đại dịch, đặc biệt là các ngành liên quan đến du lịch, đã giúp củng cố nền kinh tế của đất nước. Điều này được phản ánh thông qua mức tăng tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia lên 8,7% so với mức 3,3% của năm 2021, đánh dấu hiệu suất kinh tế tốt nhất kể từ năm 2000.
TRỤ CỘT ĐỂ PHỤC HỒI BỀN VỮNG
Theo Nikkei Asia, du lịch nội địa là một con đường phục hồi du lịch bền vững của Đông Nam Á. Trên thực tế, du lịch nội địa nhận được sự hỗ trợ từ cả khu vực công và tư để nâng cao mức sống cho người dân và mang lại lợi ích kinh tế chung cho cộng đồng. Nếu các quốc gia tiếp tục đầu tư vào du lịch nội địa sẽ có khả năng vượt qua những cơn bão trong tương lai tốt hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là du lịch địa phương cũng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng, phát triển các điểm đến độc đáo và tạo ra những trải nghiệm khác biệt.
Hiện các chính phủ trong khu vực đang thử nghiệm các ý tưởng như kéo dài kỳ nghỉ lễ quốc gia, trợ cấp du lịch, kích cầu du lịch... giúp đảm bảo tác động kinh tế lâu dài của du lịch nội địa. Ví như, với quyết định kéo dài kỳ nghỉ lễ Eid Al Adha thêm 3 ngày (thành kỳ nghỉ 5 ngày) và cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo mong muốn sẽ thúc đẩy kinh tế và tăng trưởng du lịch để đối phó với nguy cơ suy thoái.
Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo của Indonesia đã đặt mục tiêu 1,4 tỷ chuyến đi nội địa trong năm nay. Những nỗ lực quảng bá của họ đã được tăng cường bằng các chương trình đào tạo để hỗ trợ tạo ra tới 4,4 triệu việc làm du lịch mới vào năm 2024. Song song, Indonesia cũng đang ưu tiên phát triển 5 điểm đến "siêu ưu tiên" mới với hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc nặng nề của ngành du lịch vào Bali. Năm cộng đồng địa phương sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp thị. Việc phát triển nhiều điểm đến du lịch như vậy sẽ tạo thêm doanh thu cho nền kinh tế.
Tại Thái Lan, Quốc lộ 12 mới hoàn thành gần đây sẽ cho người dân thêm một con đường di chuyển giữa khu vực phía Bắc và Đông Bắc, từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch của người dân địa phương. Trong tháng này, chính phủ Thái Lan sẽ hoàn tất một chiến dịch trị giá 59 triệu USD kéo dài 7 tháng qua nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, đặc biệt là trong mùa thấp điểm của lượng khách quốc tế.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam cũng nhận ra sức mạnh của du lịch nội địa. Ngay từ đầu năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 160 triệu chuyến đi nội địa hằng năm vào năm 2030. Tính chung 8 tháng qua, lượng khách nội địa của Việt Nam đã đạt 86 triệu lượt.
Ông Caesar Indra nhấn mạnh, thị trường du lịch nội địa đã vạch ra con đường phục hồi du lịch của Đông Nam Á. “Điều quan trọng là du lịch nội địa tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cả khu vực công và tư để nâng cao mức sống ở Đông Nam Á và mang lại lợi ích kinh tế. Khi ngày càng nhiều người sống lại đam mê xê dịch, mạng lưới giao thông địa phương thuận tiện cho phép phát triển, kết nối nhiều điểm đến và trải nghiệm đa dạng cho tất cả mọi người”, ông cho hay.