November 03, 2023 | 08:21 GMT+7

Du lịch Hà Nội còn nhiều tiềm năng để “vượt đích” 4 triệu khách quốc tế

Tường Bách -

Du lịch Hà Nội sắp hoàn thành mục tiêu đón 4 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Tính chung 10 tháng, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đã đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022...

Ảnh: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ảnh: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nhờ công tác quảng bá và có nhiều sự kiện hút khách nên trong tháng 10/2023 ngành du lịch Thủ đô đã đón 1,81 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt trên 411 nghìn lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 6% so với tháng 9/2023. Khách du lịch nội địa ước đạt 1,4 triệu lượt, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,17 nghìn tỷ đồng, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 10 tháng, ngành du lịch Hà Nội đã đón 20,7 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 3,6 triệu lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa đạt 17,1 triệu lượt, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 66,7% với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 10, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 50,1%, giảm 7,5% so với tháng 9/2023. Như vậy, trong 10 tháng qua, công suất trung bình khối khách sạn đạt 59,9%, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cho thấy, số lượng khách lưu trú tại Hà Nội đã tăng lên.

Với nhiều điểm tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, Hà Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE.
Với nhiều điểm tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, Hà Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE.

Từ nay đến cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các sự kiện văn hóa, như: ra mắt không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những cảm xúc”; tổ chức chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thể thao, cuộc thi ảnh “Thủ đô Hà Nội chào đón bạn – Welcome Ha Noi City”…

Gần đây nhất, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 sẽ khai mạc tối ngày 3 /11 tại cổng Công viên Thống Nhất. Lễ hội thu hút 70 gian hàng, mở ra không gian "Chợ xưa phố cũ", không gian làng nghề Hà Nội đặc sắc, và là nơi quy tụ sản phẩm của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm quà tặng.

Bên cạnh đó, "Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội 2023" quy tụ nhiều điểm nhấn như: triển lãm ảnh "Hẹn yêu Hà Nội"; chuỗi hoạt động mang đậm văn hoá, truyền thống Hà Nội, như trò chơi dân gian, ô ăn quan, nhảy sạp, cà kheo, diễu hành xích lô, biểu diễn trống hội, đặc biệt là màn trình diễn điệu múa cổ đất Thăng Long "con đĩ đánh bồng"…

"Bên cạnh các sự kiện văn hóa và hoạt động quảng bá, Sở Du lịch đang phối hợp thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch thiết yếu tại các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm; tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch Thủ đô, theo hướng số hóa hệ thống thông tin về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ; xây dựng phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ công tác quản lý, phục vụ khách du lịch tra cứu thông tin, quảng bá du lịch Hà Nội, nâng cấp trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết.

Đặc biệt, với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, có nhiều điểm tham quan, di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, Hà Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE, biến đây trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô để thu hút nhiều khách quốc tế hơn nữa, đặc biệt là những đoàn khách lớn và có mức chi tiêu cao.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 3.425 cơ sở lưu trú du lịch với 64.800 phòng, trong đó có 598 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng 1 - 5 sao, chiếm 17% tổng số cơ sở lưu trú du lịch. Ngoài ra, Hà Nội có 31 cơ sở mua sắm, 23 nhà hàng, 8 khu vui chơi giải trí, 1 khu thể thao. Việc sở hữu nhiều cơ sở lưu trú cao cấp và các dịch vụ chất lượng là điều kiện để Hà Nội có thể đón những đoàn khách lớn đến tổ chức MICE.

Thực tế, Hà Nội từng tổ chức, đón nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng lớn đến lưu trú dài ngày. Nhiều hội nghị, sự kiện quốc tế lớn đã diễn ra tại Thủ đô như: Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31)... Việc liên tục là địa phương được lựa chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện hội nghị quốc tế quy mô lớn cho thấy Hà Nội có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch MICE, trở thành thế mạnh của du lịch Thủ đô.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng đón nhiều đoàn khách nguyên thủ, doanh nhân tới tham quan, làm việc.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng đón nhiều đoàn khách nguyên thủ, doanh nhân tới tham quan, làm việc.

Theo các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, muốn du lịch MICE phát triển đòi hỏi Hà Nội cần định vị loại hình này là sản phẩm chủ lực của thành phố. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Hà Nội vẫn thiếu những trung tâm tổ chức sự kiện với đầy đủ dịch vụ về lưu trú, ăn uống, tổ chức hội họp có quy mô lớn, có thể phục vụ hàng ngàn người. Ngoài ra, sự thiếu kết nối giữa các điểm đến, trung tâm tổ chức sự kiện với đơn vị lữ hành cũng là lý do khiến du lịch MICE chưa thực sự phát triển tại Thủ đô.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch Hà Nội còn đơn điệu, chủ yếu là các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa, thiếu hoạt động trải nghiệm phong phú, nên chưa thu hút được dòng khách du lịch MICE so với những tỉnh, thành phố ven biển. Bà Đặng Hương Giang cho rằng, ngay cả các không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn và Thành cổ Sơn Tây cũng có thể tận dụng để tổ chức được các sự kiện lớn nhưng thời gian qua lợi thế này chưa được khai thác tương xứng tiềm năng.

Trước mắt, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, có thể phân định 3 không gian du lịch Thủ đô theo 3 trục lớn: Trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; nội thành Hà Nội - Mỹ Đức (chùa Hương). Các tuyến du lịch này như "kiềng 3 chân" để các đơn vị lữ hành có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau như du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng… Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch cũng nên tập trung tạo các sản phẩm du lịch mới như du lịch sức khỏe, chữa bệnh, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch golf…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate