Người ta đã quá quen với hình ảnh mỗi sáng sớm, hàng trăm nhà sư khoác trên mình chiếc áo cà sa màu vàng nghệ, vai đeo bát, từ các đền chùa Luang Prabang đi khất thực dọc các con phố. Các nhà sư lặng lẽ xếp hàng để nhận đồ cúng dường từ các Phật tử và không quên cầu nguyện, ban phước cho mọi người.
Du khách khi ghé thăm cố đô Luang Prabang thanh bình và cổ kính - một thành phố UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1995 của Lào, vào những ngày giữa tháng 5 chắc hẳn không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự nghi lễ khất thực (Tak Bat) này.
SỨC HÚT TỪ NÉT YÊN BÌNH, CỔ KÍNH TẠI CỐ ĐÔ LUANG PRABANG
Luang Prabang nằm ở phía Bắc Lào, cách Thủ đô Viêng Chăn khoảng 300km, hiện là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại xứ sở của loài hoa champa. Nơi đây hội tụ nhiều công trình kiến trúc độc đáo và những hoạt động đậm nét văn hóa Phật giáo như: chùa Wat Xieng Thong - viện tu tập lâu đời nhất ở cố đô; Bảo tàng Cung điện Hoàng gia từng là cung điện Hoàng gia Lào.
Du khách cũng có thể tận hưởng giây phút lắng đọng xuôi dòng sông Mê Kông để đến hang động Pak Ou ẩn sâu trong dãy núi non trùng điệp, nơi cất giấu hàng nghìn bức tượng Phật của người Lào trong chiến tranh...
Đặc biệt, một điều mà đa phần du khách nước ngoài đến thăm cố đô Luang Prabang đều ấn tượng nhất đó là nghi lễ khất thực ở Lào với sắc vàng cam của đoàn sư đi khất thực trong sớm mai tinh khôi. Đây là một truyền thống lâu đời trong văn hóa Phật giáo tại Lào và là một nghi lễ thiêng liêng với người dân địa phương.
Ngày nay, Tak Bat trở thành một điểm thu hút khách du lịch. Buổi lễ khất thực vừa yên bình, vừa thiêng liêng và mang đến cho du khách cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm một truyền thống cổ xưa vẫn được lưu giữ đến ngày nay của xứ sở “Chùa Vàng”.
Tuy nhiên, để đến vùng đất đầy cổ kính và quyến rũ này, trước đây, du khách rất mệt nhọc khi di chuyển bằng đường bộ từ Thủ đô Viêng Chăn hay từ các vùng khác.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy trong chuyến đi đến Lào trung tuần tháng 5, hướng dẫn viên người bản địa Southikone Vannasy, cho biết trước đây dẫn tour du lịch rất vất vả không chỉ với du khách mà chính anh cũng khá mệt mỏi, bởi với tour du lịch đường bộ 7 ngày 6 đêm, thời gian tham quan chỉ vỏn vẹn 2,5 ngày, còn lại toàn thời gian di chuyển.
Cũng theo anh Southikone Vannasy, trước đây, từ Thủ đô Viêng Chăn -Luang Prabang mất đến 1 ngày di chuyển, nếu xuất phát từ 6 giờ sáng thì nhanh nhất 22 giờ đêm hành khách mới nơi, nếu không phải tới nửa đêm. Chương trình tham quan nếu kết hợp các địa điểm khác như: cánh đồng Chum tại tỉnh Xiangkhouang, thị trấn Vang Vieng… việc di chuyển sẽ ngốn thêm nhiều thời gian của du khách.
MỞ LỐI GIAO THÔNG, KÉO GẦN NHỮNG ĐIỂM ĐẾN
Lào là quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á, giao thông đi lại vô cùng bất tiện bởi 70% diện tích của Lào là đồi núi cùng những cánh rừng rậm rạp. Điều này khóa chặt sự giao thương của đất nước Triệu Voi và hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này.
Tuy nhiên, những khó khăn trên dường như đã xoá nhoà từ khi đường sắt tốc độ cao tại Lào được khai trương vào ngày 2/12/2021 và trở thành tuyến đường sắt đầu tiên ở quốc gia này. Tuyến đường sắt dài 1.035km từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Viêng Chăn (Lào) đi qua nhiều đường hầm đào xuyên núi và hàng trăm kilômet cầu. Từ ngày 13/4 vừa qua, tuyến đường sắt cũng bắt đầu dịch vụ chở khách xuyên biên giới sau thời gian dài phải tạm dừng do đại dịch Covid.
Trong hơn 1.000km này, phần đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào dài 422km, đi từ Thủ đô Lào đến cửa khẩu Boten (phía bắc Lào). Tuyến đường sắt tốc độ cao cũng đi qua cố đô Luang Prabang, một trong những danh thắng hấp dẫn nhất của quốc gia Phật giáo này. Hiện hành khách chỉ mất 2 giờ từ Viêng Chăn - Luang Prabang thay vì nhọc nhằn hàng chục tiếng bằng đường bộ như trước kia.
Dù đi qua những vùng địa hình phức tạp, hiểm trở bậc nhất nhưng tuyến đường sắt này chỉ xây dựng trong vòng 5 năm với chi phí gần 6 tỷ USD, tương đương gần 1/3 GDP của Lào vào năm 2017.
Tuy nhiên, với một quốc gia có quy mô của nền kinh tế khá nhỏ, để tài trợ cho các dự án bao gồm cả tuyến đường sắt này, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ nước ngoài của Lào đến cuối năm 2021 đã lên tới 14,5 tỷ USD, tương đương 89% GDP.
Tốc độ chạy tàu thiết kế 220km/giờ và tốc độ chạy trung bình tại Lào là 160km/giờ, đi qua 75 đường hầm, 167 cây cầu. Nhờ đó, chuyến tàu từ Viêng Chăn - thị trấn Boten giáp biên giới chỉ mất 3,5 giờ, ít hơn đáng kể 15 giờ nếu đi ô tô.
Từ khi có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua tỉnh Luang Prabang phía bắc Lào, một trong những danh thắng hấp dẫn nhất của quốc gia Phật giáo này, hành khách chỉ mất 2 giờ từ Viêng Chăn - Luang Prabang thay vì nhọc nhằn hàng chục tiếng bằng đường bộ như trước kia.
Chuyến tàu cũng qua nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Vang Vieng, Luang Prabang, Muang Xai… Sau những lúc chìm vào bóng tối khi qua những đường hầm sâu hun hút, vẻ đẹp của đất nước Lào lại sáng bừng lên qua những khung cảnh thoáng qua cửa sổ, từ những cánh đồng lúa, những đỉnh núi đá vôi lởm chởm đến những căn nhà mái dốc truyền thống ẩn sau những rặng cây rậm rạp…, khiến hành khách đều thích thú thưởng ngoạn.
Nhiều hành khách quốc tế đánh giá đây là tuyến đường sắt hiện đại, tốc độ nhanh và tàu khởi hành đúng giờ. Dự án được thiết kết theo đường sắt đơn khổ 1.435 mm, sử dụng tàu điện động lực phân tán (EMU). Với sức chứa 720 người, các toa tàu được trang bị quầy ăn nhẹ và đồ uống. Hành khách cũng cảm thấy thoải mái khi chỗ ngồi, chỗ để chân rất rộng rãi cùng ổ cắm điện, USB tiện lợi dưới ghế. Về giá vé, chặng Viêng Chăn - Luang Prabang dài trên 300km là 275.000 Kip, khoảng 400.000 VNĐ và đã tăng nhiều lần trong năm nay.
Để đến cố đô Luang Prabang, ngoài lựa chọn tàu tốc độ cao, du khách có thể lựa chọn xe buýt di chuyển khoảng 11 giờ hoặc lựa chọn các chuyến bay từ Lao Skyway, Lao Airlines.
Còn nếu du khách Việt Nam muốn bay thẳng đến vùng đất xinh đẹp này, có thể lựa chọn hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines sau khi hãng bay này khôi phục lại đường bay xuyên Đông Dương theo hành trình Hà Nội - Luang Prabang (Lào) - Siem Reap (Campuchia) và ngược lại từ ngày 1/7 tới đây, với tần suất khai thác 3 chuyến/tuần và tăng tần suất lên 5 chuyến/tuần đến cuối tháng 10.
Việc khôi phục lại đường bay xuyên Đông Dương giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sau một thời gian tạm ngừng do đại dịch, sẽ mang lại nhiều lựa chọn cho du khách đến tham quan các di sản văn hóa thế giới.
Các đường bay này cũng đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong khu vực, cũng như các lĩnh vực thương mại, đầu tư, trao đổi văn hóa giữa ba quốc gia.
THỎI NAM CHÂM HÚT DU KHÁCH, THÔNG ĐƯỜNG THƯƠNG MẠI
Với khả năng tiếp cận bằng phương tiện giao thông thuận tiện, nhanh chóng cùng khả năng vận chuyển lớn, tuyến đường sắt này trở thành nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ thị trường du lịch nội địa và phát triển kinh tế cho đất nước chỉ vỏn vẹn 7 triệu dân này. Du lịch đóng góp 10% vào GDP ở Lào. Du lịch và các ngành liên quan tạo việc làm cho gần 400.000 lao động.
Cũng nhờ đi lại dễ dàng hơn mà ngành du lịch của Lào gần đây nhận được nhiều lời khen ngợi từ các ấn phẩm truyền thông trên thế giới và được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất năm 2023.
Theo số liệu từ Cục Phát triển Du lịch (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào), quốc gia này đón hơn 1 triệu khách du lịch nước ngoài tính đến cuối tháng 4/2023. Hầu hết du khách quốc tế đến từ Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Với lượng du khách này, quốc gia này nhiều khả năng sẽ hoàn thành sớm mục tiêu thu hút 1,4 triệu lượt khách nước ngoài đặt ra trong năm nay, gặt hái 340 triệu USD doanh thu từ lĩnh vực du lịch, qua đó, góp phần đẩy nhanh tốc độ phục hồi của ngành du lịch cũng như nền kinh tế.
Đến cuối tháng 4, Lào đón hơn 1 triệu khách du lịch nước ngoài. Do đó, mục tiêu thu hút 1,4 triệu lượt khách nước ngoài đặt ra trong năm nay, gặt hái 340 triệu USD doanh thu từ lĩnh vực du lịch sẽ sớm hoàn thành.
Riêng tỉnh Luang Prabang, theo thống kê, hành khách đến bằng đường sắt chiếm đến 85% lượng khách du lịch của tỉnh.
Du lịch đến vùng cố đô này đang phục hồi tốt sau dịch, từ đó, giúp cải thiện thu nhập hơn cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, đồng nội tệ giảm xuống mức thấp, lạm phát leo thang kỷ lục trong vòng 23 năm khiến chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao.
Một người bán hàng tại Luang Prabang chia sẻ đi tàu là cách di chuyển nhanh, an toàn và thoải mái nhất. Di chuyển bằng tàu tốc độ cao rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể nên du khách sẽ dành nhiều thời gian để tham quan. “Luang Prabang là một thị trấn nhỏ duyên dáng bao quanh bởi sông và núi. Tôi mong nhiều du khách sẽ đến Luang Prabang nhiều hơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp vùng đất này”, người này mong đợi.
Gặp anh John quốc tịch Scotland vừa hoàn thành chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ và trở về nhà tại tỉnh Bolikhamxay, người đàn ông này tâm sự đã ở Thái Lan 7 năm và trở về Lào sinh sống trong 6 tháng vì người vợ muốn về lại quê hương. Làm việc trong lĩnh vực dầu khí và có cơ hội làm việc ở rất nhiều quốc gia như: Châu Phi, Brazil, anh John rất thích nét sống chậm ở đất nước Phật giáo này.
Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn chia sẻ cơ sở hạ tầng nơi đây còn thiếu thốn và mong muốn hệ thống đường sá, phương tiện giao thông kết nối thuận lợi hơn cho hành khách. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của địa phương, bao gồm khách sạn và nhà hàng xung quanh các điểm du lịch cũng cần cải thiện, nâng cấp để phục vụ lượng du khách lớn ngày càng đông đúc.
Bên cạnh phát triển du lịch, tuyến đường sắt tốc độ cao này còn giúp Lào liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, giúp quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á này thuận lợi hơn trong cạnh tranh thương mại, do có thể cắt giảm 40 - 50% chi phí vận chuyển theo một báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB), từ đó, hứa hẹn thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cho quốc gia này.