Thị trường du lịch MICE đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu dự kiến sẽ đạt 1318,66 tỷ Euro vào năm 2030. Riêng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành MICE có thể đạt mức 10% từ năm 2024 đến 2030. Sự tăng trưởng này thúc đẩy việc tích hợp các giải pháp bền vững vào quá trình vận hành.
Trong bối cảnh này, Singapore – “Điểm đến MICE tốt nhất thế giới năm 2023” (theo Business Traveller Awards 2023) và “Điểm đến MICE tốt nhất châu Á 2024” (theo M&C Asia Stella Awards 2024), đã triển khai “Lộ trình phát triển bền vững ngành MICE”, hướng đến mục tiêu biến đảo quốc sư tử trở thành điểm đến MICE bền vững hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Singapore đã xây dựng bộ tiêu chuẩn phát triển bền vững, hướng đến mục tiêu bền vững đồng nhất với chiến lược quốc gia, đạt mức phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050. Ngoài ra, tất cả sáu cơ sở MICE sẽ đạt được các chứng nhận về bền vững trong phạm vi quốc tế và/hoặc quốc gia vào năm 2025.
Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông vận tải, trải nghiệm MICE bền vững có thể bắt đầu ngay từ lúc du khách bước lên máy bay. Singapore Airlines (SIA) và hãng hàng không giá rẻ Scoot đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon bằng cách thay thế 5% tổng lượng nhiên liệu sử dụng bằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cho đến năm 2030. Cam kết này đồng bộ với mục tiêu quốc gia của Singapore là đạt mức tiêu thụ nhiên liệu bền vững ở mức 1% vào năm 2026 và tăng lên 3 - 5% vào năm 2030.
Sáng kiến này sẽ giúp du khách MICE giảm thiểu tác động lên môi trường trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không. Ngay cả sân bay Changi cũng được thiết kế để tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng, từ mô hình giếng trời thông minh đến hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng. Tập đoàn Sân bay Changi cam kết duy trì tăng trưởng carbon bằng không cho đến năm 2030, giữ lượng khí thải ở mức của năm 2018 dù lưu lượng hành khách tăng.
Ngoài ra, du khách MICE có thể dễ dàng di chuyển đến các địa điểm trong thành phố bằng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Các đơn vị tổ chức sự kiện có thể tận dụng Chương trình ưu đãi MICE Singapore (Singapore MICE Advantage Programme - SMAP) để mua thẻ EZ-Link và tận hưởng mức ưu đãi cho dịch vụ xe buýt và tàu điện công cộng cho các đại biểu tham gia. Trong tương lai, đảo quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lượng khí thải giao thông, với mục tiêu chuyển đổi 50% xe buýt và taxi công cộng thành xe điện vào năm 2030.
Không chỉ giao thông, các địa điểm tổ chức sự kiện cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điển hình như Marina Bay Sands. Khu phức hợp này từ năm 2014 đã cắt giảm 24,4% lượng khí thải carbon. Hệ thống quản lý tòa nhà thông minh của khu phức hợp cho phép giám sát chặt chẽ việc sử dụng năng lượng và nước, giúp tiết kiệm hơn 7,4 triệu kWh năng lượng mỗi năm. Hệ thống năng lượng mặt trời trên nóc Sands SkyPark tạo ra khoảng 150.000 kWh điện mỗi năm, giúp giảm 55 tấn khí thải carbon hàng năm.
Trong lĩnh vực ẩm thực, nhiều khách sạn tại đảo quốc này đã áp dụng mô hình "từ trang trại đến bàn ăn", góp phần giảm thiểu khí thải từ quá trình vận chuyển và đóng gói. Trang trại thủy canh kết hợp nuôi cá tại tầng 5 của Fairmont Singapore và Swissôtel The Stamford đáp ứng 30% nhu cầu rau và 10% nhu cầu cá hàng tháng. Hệ thống Lumitics ứng dụng AI giúp theo dõi và tối ưu hóa quá trình mua sắm và chế biến để cắt giảm lượng thức ăn dư thừa. Thực phẩm không sử dụng sẽ được xử lý thành phân hữu cơ hoặc tái sử dụng làm phân bón cho trang trại thủy canh.
Một thách thức lớn khác trong quá trình tổ chức sự kiện bền vững nằm ở việc quản lý chất thải ở các sự kiện. Hiện nay, chất thải giấy và nhựa chiếm hơn một phần ba tổng lượng chất thải. Để giải quyết vấn đề này, nhiều đơn vị đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số như Gevme, Jublia và Occam Lab để quản lý và tổ chức sự kiện, loại bỏ nhu cầu in ấn tại Singapore. Tài liệu hội nghị được số hóa hoàn toàn, và người tham dự cũng được khuyến khích mang theo chai nước, hộp đựng, và dụng cụ ăn uống, giúp giảm đáng kể lượng rác thải dùng một lần…
Thực tế, khảo sát về nhu cầu tổ chức hội họp, hội nghị năm 2023 của Hiệp hội Hội nghị và Công ước quốc tế (ICCA) cho thấy các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc lan tỏa những tác động tích cực đến địa điểm tổ chức sự kiện và xây dựng những giá trị mang tính lâu dài cho các hoạt động của họ. Cụ thể, trong ba năm gần đây, 44% tổ chức quốc tế đã điều chỉnh các đề nghị mời thầu (RFPs) của mình, bổ sung yêu cầu về các giá trị mang tính dài hạn, bền vững.
Trong khi đó, khá nhiều nhà tổ chức du lịch sự kiện dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực Đông Nam Á. Kết quả khảo sát của Cvent cho thấy, trong khoảng thời gian tháng 11/2021 đến 10/2022, số lượng hồ sơ đề nghị mời thầu trong lĩnh vực du lịch MICE gửi đến khu vực tăng lên 1.724 (tăng 205%) và 152 triệu USD (tăng 72%). Báo cáo cũng cho biết, số lượng các nhà hoạch định sự kiện tại Đông Nam Á cũng tăng từ 47% lên 53%.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh sự kiện Đông Nam Á (SEABEF), một sự kiện nằm trong Diễn đàn Du lịch ASEAN 2023, ông Edward Liu, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Hội nghị và triển lãm châu Á, cho biết xu hướng “ASEAN hóa” của ngành du lịch MICE đang diễn ra mạnh mẽ. Ông Edward Liu cho rằng nhân sự cao cấp trong lĩnh vực này ở các khu vực khác trên thế giới đang “di cư” đến Đông Nam Á, một thị trường hấp dẫn với hơn 684 triệu dân. “Trong 10 năm tới, khu vực này sẽ diễn ra rất nhiều hội thảo và triển lãm,” ông Edward nhấn mạnh.
Việt Nam cũng có nhiều tiềm tăng, thế mạnh về tài nguyên du lịch để trở thành điểm đến của du lịch MICE trên toàn thế giới. Nhu cầu du lịch MICE tại Việt Nam cũng ngày càng tăng, nhất là lượng khách tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Lũy kế từ đầu năm đến tháng 8/2024, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 11,4 triệu lượt, theo Tổng cục Thống kê. Trong đó, lượng khách MICE tăng mạnh trong quý 1, doanh thu và lượng khách tăng 35% so với cùng kỳ 2023. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, MICE là lĩnh vực phục hồi tốt nhất, chiếm 60 - 70% lượng khách hiện tại của Việt Nam.