Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua đã chứng kiến dòng người đông đúc tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Đây là “cú hích” để các doanh nghiệp lữ hành khởi động bán tour cho khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Vừa chào tour, thiết kế tour mới vừa cập nhất thông tin về thủ tục nhập cảnh cũng như chính sách phòng chống dịch của các nước, với các doanh nghiệp việc mở tour xuất ngoại lúc này chủ yếu để khởi động và đo lường nhu cầu khách.
KHỞI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG OUTBOUND
Hiện nay, khi độ phủ vaccine ở Việt Nam nằm trong top thế giới, cộng với những tín hiệu tích cực từ dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu kỳ vọng về bức tranh khởi sắc dần trong năm 2022. Nhiều kiến nghị cũng được gửi lên Thủ tướng, Chính phủ về việc sớm mở cửa toàn diện để phục hồi 2 thị trường lớn là inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài). Theo dự kiến, việc mở cửa sẽ bắt đầu từ 1/5. Tuy nhiên, thực tế, đa số các doanh nghiệp mong muốn được triển khai sớm hơn.
Sau gần 2 năm, các công ty du lịch Việt Nam bắt đầu mở bán tour đi Mỹ, Maldives, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Australia... Vietravel là một trong những đơn vị tiên phong, tung nhiều sản phẩm, trong đó có tour đi Mỹ (10 ngày 9 đêm) giá từ 100 triệu đồng, Maldives (5 ngày 4 đêm) giá từ 69 triệu đồng, tour xem World Cup giá gần 200 triệu đồng... Ngoài ra, ngay khi các quốc gia châu Á mở cửa đón khách du lịch, công ty cũng bán tour đi Phnom Penh - Siem Reap (Campuchia) và sắp tới là Thái Lan, Philippines, Dubai...
Tương tự, đại diện Lữ hành Saigontourist cho biết doanh nghiệp này đã triển khai gói tour Maldives 5 ngày 3 đêm với giá gần 70 triệu đồng/khách, các tour đi Mỹ, chùm tour Thái Lan… cũng đã sẵn sàng. Trong khi đó, Vietravel dự kiến triển khai tour 5 ngày 4 đêm xem World Cup 2022 tại Qatar vào cuối năm, mức giá dự kiến 200 triệu đồng/người hoặc gói combo giá "mềm" hơn (chỉ gồm vé máy bay, phòng khách sạn 4 sao) giá khoảng 70 triệu đồng/người. Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh cho biết, Vietravel kỳ vọng sẽ phục vụ khoảng 15.000 lượt khách trong 3 tháng đầu năm.
BenThanh Tourist thì có kế hoạch tổ chức các tour đường bay charter Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường xa như Nam Mỹ. Đại diện Flamingo Redtours cho hay đang xem xét nhu cầu khách hàng để có lộ trình xây dựng sản phẩm phù hợp. Xu hướng tour outbound năm 2022, đầu tiên sẽ là những chuyến công tác đến điểm gần như Thái Lan, Singapore,... tiếp đó là Hàn Quốc, Nhật Bản rồi mới tới các điểm xa như châu Âu, châu Mỹ, vị này dự đoán.
Đa số doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM tin tưởng du khách đã bắt đầu đi du lịch nhiều hơn. Thực tế cho thấy, cùng với tour Tết, khá đông du khách đã hỏi về tour hành hương sau Tết và tour lễ 30/4 sắp tới. Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết các tour nước ngoài luôn là sản phẩm được khách Việt ưa chuộng. Dù ảnh hưởng của Covid-19, nhiều khách có điều kiện luôn quan tâm, giữ liên hệ chờ thông tin, đặc biệt ở thị trường TP.HCM.
CƠ HỘI ĐỂ PHỤC HỒI NHANH CHÓNG
Theo đại diện các công ty lữ hành, việc mở cửa trở lại du lịch outbound đưa người Việt Nam đi nước ngoài muốn hiệu quả cao, cần có đủ hai yếu tố là đường bay thông lệ trở lại thường xuyên, các quốc gia có chính sách đón khách quốc tế thuận tiện, không cách ly, bao gồm khách Việt. Hiện nay những nước như Mỹ, Maldives, Campuchia, Thái Lan... đã đáp ứng các điều kiện, chỉ cần đủ khách là khởi hành.
Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc công ty du lịch Thiên đường Á châu (PATTOURS) cho biết năm 2022, việc tổ chức tour cho khách Việt đi du lịch nước ngoài (outbound) là hoàn toàn khả thi. “Các dịch vụ tại nước ngoài không tăng giá, thậm chí nhiều nơi giảm giá để thu hút du khách. Tuy nhiên một số tour có mức giá cao là do vé máy bay, hoặc do dịch vụ tại Qatar đắt đỏ trong dịp World Cup 2022. Trong thời gian tới khi các đường bay ổn định, hãng hàng không bán vé đoàn thì chi phí tour cũng sẽ giảm theo,” bà Vũ Giang Biên nói.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng dự đoán, khách có nhu cầu du lịch thực sự chưa đặt tour lúc này, trừ những người kết hợp thăm thân hoặc có việc gấp. Lý do chính là các chuyến bay thông lệ quốc tế chưa nhiều nên giá vé còn cao. Ngoài ra, nhiều du khách e ngại việc nhập cảnh Việt Nam, phải cách ly khi quay trở về, hay quy định khi mắc Covid-19 trong quá trình du lịch...
Đại diện Flamingo Redtours cho biết trước mắt, doanh nghiệp này hướng tới hoạt động cung cấp dịch vụ cho các khách công vụ, khám chữa bệnh, thăm thân thay vì du lịch. "Đó mới là những khách sẵn sàng đi nước ngoài ngay tại thời điểm này,” đại diện Flamingo Redtours chia sẻ quan điểm. “Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch sớm là điều cần thiết. Đây chính là thông điệp gửi các đối tác, du khách quốc tế rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở lại. Nếu chúng ta muốn ngành du lịch phục hồi toàn diện từ tháng 5, tháng 6, thì đây chính là thời điểm thích hợp để mở cửa, chuẩn bị".
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, phân tích: nếu như thời điểm này doanh nghiệp trụ lại được là nhờ khách nội địa, thì sắp tới việc đón khách quốc tế và đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài sẽ giúp cả doanh nghiệp và ngành du lịch khôi phục nhanh chóng hơn. "Điều doanh nghiệp rất cần lúc này là một thông báo chính thức mở cửa, để mạnh dạn gửi thông tin cho đối tác, vạch lộ trình cụ thể và có cơ sở để họ bắt tay vào mở bán sản phẩm du lịch, tour trọn gói cho du khách," ông Duy nói.
Trước Tết Nguyên đán, 6 hãng hàng không và 5 doanh nghiệp du lịch lớn cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã đồng loạt gửi thư kiến nghị về thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam. Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 và cố gắng từ cuối tháng 3/2022.