Ngày 23/1/2024, tại Hội nghị tham vấn Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 25 triệu lượt du khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng du khách bình quân 6%/năm.
Năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục đặt mục tiêu thu hút ít nhất 17 triệu lượt du khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2025 con số đó đã được Quảng Ninh nâng lên từ 18 - 20 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 - 5 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp trực tiếp của du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 11 - 12%.
Tại Hội nghị tham vấn Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế tổ chức vào ngày 23/01, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh sẽ đón khoảng 25 triệu lượt du khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng du khách bình quân 6%/năm và du lịch Quảng Ninh sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, khẳng định vai trò trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế.
Bản đề án cũng chỉ rõ, về cơ bản Quảng Ninh đã đáp ứng một phần các điều kiện của trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế gồm vị trí địa lý, địa kinh tế cùng sự ổn định chính trị, ổn định đối ngoại, thuận lợi cho việc kết nối khu vực và quốc tế. An ninh, an toàn xã hội luôn được đảm bảo cho khách du lịch và người dân địa phương.
Điều kiện giao thông kết nối đến Quảng Ninh đang trên đà nâng cấp, phát triển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối giao thông đến nhiều trung tâm du lịch quốc tế, đặc biệt là kết nối hàng không; đóng góp của du lịch vào GRDP chiếm tối thiểu 10%.
Tiêu chí phát triển du lịch xanh cùng đồng hành với bảo vệ môi trường tự nhiên, gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội cũng luôn được Quảng Ninh đặc biệt chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó những lợi thế nêu trên, du lịch Quảng Ninh hiện vẫn còn một số điểm yếu về sản phẩm du lịch, vai trò kết nối khu vực và quốc tế, chất lượng tăng trưởng du lịch và hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các điều kiện về cơ chế chính sách, phạm vi, điểm đến, hạ tầng lưu trú của Quảng Ninh vẫn chưa thực sự hoàn thiện, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của du khách. Đặc biệt là hạn chế trong tiêu chuẩn trở thành nơi gặp gỡ, gửi khách của các thương hiệu du lịch lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia về du lịch hoặc có liên quan đến du lịch để phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với thế giới.
Trên cơ sở đó, các tham luận của đại biểu và chuyên gia tại Hội nghị đều cơ bản thống nhất kết luận phương hướng, để Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới, UBND tình cần quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ môi trường, rác thải, nước thải, an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực di sản cũng cần được quan tâm để duy trì giá trị tài nguyên du lịch, gắn khai thác dược liệu biển phục vụ phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, Đề án cần làm rõ hơn nữa các điểm nghẽn để tìm ra các giải pháp tháo gỡ; cần nâng cao sự liên kết nội vùng, ngoại vùng để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch bổ trợ cho nhau, như du lịch vùng tam giác Hạ Long (Quảng Ninh) - Hoàng Long (Ninh Bình) – Thăng Long (Hà Nội).
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng cần quan tâm đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong ngành du lịch, nhất là đào tạo ngoại ngữ; định vị du lịch Quảng Ninh với thế giới bằng di sản Vịnh Hạ Long và danh thắng Yên Tử.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đề nghị Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp cùng với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch để hoàn thiện Đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh quyết liệt thực hiện để đạt được mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.