March 07, 2023 | 08:49 GMT+7

Du lịch quốc tế phục hồi là động lực thúc đẩy thị trường khách sạn khởi sắc

Thanh Xuân -

Theo các chuyên gia, việc phục hồi du lịch, nhất là mảng du lịch quốc tế được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thị trường khách sạn khởi sắc…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau một thời gian dài đóng cửa bầu trời vì dịch bệnh, từ 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế. Chính sự kịp thời và nhạy bén từ sớm, là lý do giúp du lịch Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực.

LƯỢT KHÁCH QUỐC TẾ TĂNG

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 Việt Nam ghi nhận tổng cộng 101,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 2,228% theo năm. Khách quốc tế chủ yếu chiếm 3% lượng khách du lịch Việt Nam, tăng lên từ 0,4% năm 2021, (khách Hàn Quốc chiếm 26% lượng khách quốc tế, tiếp theo là Mỹ với 9%, Ấn Độ 3%). Riêng Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, vượt xa mục tiêu 10 triệu do thành phố đặt ra. Cụ thể, khách nội địa tới Hà Nội là 17,2 triệu lượt tăng 330% theo năm, và khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt tăng 650% theo năm. 

Ngoài ra, với thị trường lớn như Trung Quốc, việc mở lại đường bay cũng mang đến nhiều kỳ vọng. Dù thời hạn khai thác lại các chuyến bay hiện đang được các hãng hàng không tạm lùi tới cuối tháng 4, hoặc tháng 5/2023 để chờ quyết định tiếp theo của Trung Quốc về việc cho phép khách du lịch đến Việt Nam, nhưng dự kiến, ngành khách sạn tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường trọng điểm này.

Các chuyên gia nhận định, sự nhộn nhịp của du lịch sẽ giúp ngành khách sạn tăng trưởng tốt trong năm 2023. Bên cạnh lực đẩy từ đà tăng của du lịch, sự bứt tốc ở ngành khách sạn còn đến từ một lực đẩy khác, đó là nhu cầu lớn từ lượng khách công vụ, hay nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, thị trường Việt Nam đã dần trở nên ổn định hơn sau đại dịch, bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế và thu hút nhiều hoạt động đầu tư, trong đó có FDI. Nhà đầu tư nước ngoài đã hướng tới việc lưu trú tại những thành phố lớn như Hà Nội rồi di chuyển dần đến khu vực lân cận là Bắc Ninh, Hải Phòng… 

Cùng với sự hồi phục đó, theo ghi nhận của Savills, quý 4/2022, các khách sạn tại Hà Nội từ 3 sao trở lên đã có sự cải thiện rõ rệt về công suất. Cụ thể giai đoạn này, công suất thuê khách sạn đạt 49%, tăng 7 điểm % theo quý, 22 điểm % theo năm. Riêng phân khúc khách sạn 5 sao, công suất đạt đến 60%. Giá phòng cũng đạt trung bình 2,5 triệu đồng, tăng 15% theo quý, 41% theo năm. Xét trên cả năm 2022, công suất thuê tăng 16 điểm % lên 39%, và giá phòng trung bình đạt 2,2 triệu đồng, tăng 23% so với năm trước đó.

DỰ KIẾN 10.300 PHÒNG SẼ RA MẮT THỊ TRƯỜNG

Về nguồn cung khách sạn trong thời gian tới, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết năm 2023, sẽ có 8 dự án  mới với quy mô 1.300 phòng được khởi động, và từ năm 2024 trở đi, 60 dự án mới tương đương khoảng 10.300 phòng dự kiến ra mắt thị trường Hà Nội.

Sau đại dịch, các chủ đầu tư bắt đầu chú trọng hơn về thiết kế, trải nghiệm khách hàng lẫn chất lượng dịch vụ, thay vì chỉ đơn thuần tập trung phát triển quy mô dự án như trước. Đây là tín hiệu đáng mừng vì thị trường Việt Nam có thể có nhiều sản phẩm đa dạng hơn.

“Để đón lượng khách gia tăng trong mùa cao điểm du lịch, các chủ đầu tư còn chủ động chuẩn bị cho ra mắt nhiều lựa chọn về địa điểm lưu trú. Tuy nhiên nhu cầu du lịch của khách trong, ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Các thị trường ven biển Đà Nẵng mới chỉ đạt khoảng 50% mức công suất của năm 2019. Vì vậy, việc đưa ra chiến lược vận hành hợp lý giúp nâng dần công suất và xây dựng, cải tạo dự án theo từng giai đoạn, là chiến thuật mà chủ đầu tư nên áp dụng để tận dụng hiệu quả cơ hội này”, chuyên gia nhận xét.

Ở khía cạnh nhà đầu tư, hiện có rất nhiều sự lựa chọn với sản phẩm đa dạng nên vị này lưu ý: “Mỗi loại hình bất động sản sẽ có đặc tính riêng. Nhà đầu tư cần hiểu rõ về bản chất của sản phẩm để đánh giá được giá trị của dự án, cũng như những lợi ích tiềm năng có thể đạt được khi đầu tư”.

Đồng quan điểm, chuyên gia của Colliers đánh giá, nhà đầu tư vẫn nên duy trì sự thận trọng, nhất là phân khúc khách sạn trong thành phố, bởi đây là những tài sản được kỳ vọng sẽ cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn.

Về vấn đề này, đại diện CBRE lại nhận xét, mặc dầu còn khó khăn nhưng khi đánh giá chung về triển vọng phát triển của ngành khách sạn ở Việt Nam hiện nay rất khả quan, do cơ sở hạ tầng tiếp tục cải thiện, chính sách thị thực ưu đãi cùng định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Nhà nước. Hơn nữa, Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công, hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này giúp Việt Nam xây dựng thành công hình ảnh là một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới nên sẽ thu hút du khách quốc tế đến sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tương tự, đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, bức tranh thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, trong đó có sản phẩm khách sạn dự báo còn có nhiều khởi sắc. Bởi hiện nay, các địa phương đang thực hiện tốt kế hoạch thích ứng an toàn trong tình hình mới, từ đó giúp cho hoạt động du lịch ấm dần lên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate