Toạ lạc trên dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ, St Morit không chỉ là địa điểm thú vị được nhiều người giàu có, thích mạo hiểm ưa chuộng. Mới đây, quốc gia này đã lập kỷ lục thế giới với thành tích ấn tượng, không phải trên tuyết hay băng, mà là trên đường ray. Đoàn tàu mang tên Capricorn gồm 100 toa, dài 1.910m, nặng 2.990 tấn nhận chứng nhận Kỷ lục Thế giới Guinness cho đoàn tàu chở khách dài nhất thế giới.
Tiến sĩ Renato Fasciati Giám đốc điều hành Công ty đường sắt Rhaetian RhB nhấn mạnh nỗ lực lập kỷ lục này được thiết lập nhờ sự hỗ trợ của công ty đóng tàu Stadler. Với ông Renato, điều này thể hiện "sự hoàn hảo của Thụy Sĩ. Chúng tôi đã mất 30% doanh thu vì đại dịch Covid-19. Việc xác lập kỷ lục này là cơ hội để quảng bá tuyến đường sắt này", tiến sĩ Renato Fasciati nói với Euro News.
Vị giám đốc này cho biết thêm việc lắp đặt và điều khiển đoàn tàu dài nhất thế giới vận hành an toàn tuyệt đối không hề đơn giản. "Tín hiệu liên lạc cần được đảm bảo cho tất cả các toa tàu", Fasciati cho biết. Trên suốt quãng đường di chuyển, tốc độ sẽ được kiểm soát bằng phanh tái sinh (regenerative braking).
Tuy nhiên, do số lượng toa tàu quá nhiều, người ta lo ngại tình trạng quá tải cho cả đoàn tàu và lưới điện của địa phương. Để đề phòng trường hợp này, tốc độ tối đa của đoàn tàu được giới hạn ở 35km/h. Một chiếc điện thoại hoạt động dã chiến phạm vi kết nối gần 2km bằng chiều dài con tàu đã được lắp đặt. Bên cạnh đó sẽ có 7 lái tàu và 21 kỹ thuật viên làm việc liên tục nhằm đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ.
Tàu chạy dọc trên tuyến Albula, từ ga Preda đến Thusis, dài khoảng 25km, chênh lệch độ cao lên tới gần 800m mất khoảng 60 phút. Tuyến đường du lịch nằm cao trên dãy núi Alps của Thuỵ Sĩ nổi tiếng với những khúc cua ngoằn ngoèo và những đoạn dốc đứng đáng kinh ngạc. Trên hành trình lập kỷ lục thế giới, con tàu đã xuyên qua 22 đường hầm, trong đó có một số đường hầm xoắn ốc xuyên núi, qua 48 cây cầu, gồm cả cầu cạn Landwasser. Đây là một trong những tuyến đường sắt có phong cảnh ngoạn mục nhất thế giới, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới vào năm 2008.
Vào ngày tàu chính thức chạy, RhB đã tổ chức một lễ kỷ niệm ở Bergün và có sự tham gia của 3.000 người sở hữu những tấm vé may mắn. . Đông đảo người dân đã xếp hàng dài trong thung lũng để ngắm nhìn đoàn tàu dài nhất chạy qua dãy Alps. Họ theo dõi tàu chạy qua đoạn video chiếu trực tiếp. 3 trạm vệ tinh, 19 máy quay trên máy bay không người lái và trực thăng, trên tàu và dọc đường ray đã được sử dụng, mang lại thước phim độc đáo về sự kiện chỉ xảy 1 lần duy nhất.
Đối với một quốc gia nhỏ với nhiều đồi núi, Thuỵ Sĩ dường như không phù hợp để vận hành đường sắt. Tuy nhiên, quốc gia này lại trở thành một trong những nơi có hệ thống đường sắt phát triển mạnh mẽ nhất. Người dân Thuỵ Sĩ cũng sử dụng phương tiện đường sắt nhiều nhất thế giới, di chuyển trung bình 2.450 km/năm bằng tàu.
Trong khi đó, du khách châu Âu và bất cứ ai thích du lịch hoài cổ, sắp được sống lại quá khứ trên con tàu cao cấp trăm năm tuổi của Pháp. Orient Express, chuyến tàu làm thay đổi hoàn toàn ngành du lịch đường sắt từ 140 năm trước, sẽ trở lại với những nâng cấp đáng giá, phù hợp với các xu hướng hiện đại. Theo kế hoạch, đoàn tàu sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2024, đúng vào dịp Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Paris.
Suốt chiều dài lịch sử, thương hiệu tàu lửa du lịch này nổi tiếng khắp châu Âu, được đón nhận rộng rãi. Đoàn tàu từng chuyên chở nhiều lãnh đạo, giới tinh hoa và nghệ sĩ nổi tiếng; xuất hiện trong vô số tác phẩm âm nhạc, văn học. Orient Express cũng giữ kỷ lục là đoàn tàu đi xa nhất khi chinh phục cung đường từ Paris đến Tokyo, và thành tích này vẫn được giữ vững tới hiện nay.
Ở lần trở lại này, 17 toa trong đoàn tàu là nguyên bản từ năm 1920, được gìn giữ cẩn thận đến ngày nay. Giới chuyên môn đánh giá rất cao cấu tạo và kiến trúc của tàu, cũng như quá trình bảo quản cực kỳ tốt. Gỗ cao cấp của Morrison & Nelson, kính chất lượng tốt của Lalique, là hai trong số những biểu tượng của lối kiến trúc Art Deco vẫn còn vẹn nguyên sau một thế kỷ.
Bên cạnh đó, đoàn tàu còn có 12 khoang giường ngủ, 1 khoang nhà hàng, 3 khoang phòng khách lớn. Tất cả đều được trang bị các tiện nghi, công nghệ mới nhất, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc xưa cũ và sự phát triển tân tiến đương thời. Nổi bật trong số này có một dãy phòng tổng thống, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của ngành khách sạn.
Tương tự, Đức là quốc gia có “văn hóa tàu hỏa” lâu đời. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia này bắt đầu xây dựng một mạng lưới đường sắt khổng lồ với tổng chiều dài lên đến gần 40.000km và vươn tới nhiều làng mạc, thị trấn. Đến cuối thập niên 1990, ngành đường sắt của Đức dần đánh mất vị thế khi các công dân của xứ sở xe hơi thích tự lái ô tô hơn ngồi tàu hỏa. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, nét văn hóa này dường như đang trở lại với người Đức.
Tờ Der Spiegel dẫn số liệu từ Hiệp hội Các công ty vận tải Đức cho biết công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã bán được khoảng 21 triệu vé tàu chỉ trong tháng 6. Hầu hết những người mua vé dự định sử dụng phương tiện giao thông này để đi thăm người thân hoặc đi dã ngoại với gia đình vào cuối tuần. Trong thời gian qua, một số tuyến đường đi qua các danh lam thắng cảnh không mấy nổi tiếng cũng trở thành những chuyến tàu được săn đón. Nhiều thành phố hy vọng “cơn sốt tàu hỏa” này sẽ mang lại sự hồi sinh cho ngành du lịch.