November 05, 2023 | 09:13 GMT+7

Du lịch Thừa Thiên Huế "bội thu"

Nguyễn Thuấn -

Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế ước đạt gần 2,6 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đến tỉnh này ước đạt 824,5 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ...

Với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang thu hút lượng lớn khách quốc tế
Với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao hấp dẫn ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đang thu hút lượng lớn khách quốc tế

Theo Báo cáo số 511/BC-UBND ngày 01/11/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tinh hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, dù trong bối cảnh khó khăn hiện nay, một số ngành kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt. Cụ thể, như hoạt động du lịch trong tháng 10, lượng khách của Thừa Thiên Huế ước đạt hơn 208 nghìn lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 77,2 nghìn lượt, gấp 2,6 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 444,3 tỷ đồng, tăng 0,2%.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch của tỉnh này ước đạt gần 2,6 triệu lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 824,5 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch của Thừa Thiên Huế 10 tháng qua ước đạt hơn 5.662 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Chỉ tiêu kế hoạch trong năm nay tỉnh này sẽ đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách. 

Tiếp đến là hoạt động thương mại, giá cả của Thừa Thiên Huế, với tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 10 ước đạt 4.671 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.415,7 tỷ đồng, chiếm 73%, tăng 13,7%. Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh này ước đạt 45.897 tỷ đồng, tăng 15,1% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 33.871,4 tỷ đồng, chiếm 74%, tăng 13,1%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Thừa Thiên Huế cũng ước tăng 0,1% so với tháng 9/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 1,94% so với bình quân cùng kỳ.

Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao
Thành phố Huế từ góc nhìn trên cao

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này trong tháng 10 ước đạt 96,9 triệu USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 874,2 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi dệt các loại ước đạt 169,1 triệu USD, tăng 1,8%; hàng may mặc ước đạt 446,4 triệu USD, giảm 14,3%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 88,4 triệu USD, giảm 20,1%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 của Thừa Thiên Huế đạt 59,3 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Lũy kế kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 570,2 triệu USD, giảm 17,5%. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 6,8 triệu USD, tăng gấp 3,3 lần, nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 357,2 triệu USD, giảm 25,9%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 116,6 triệu USD, tăng gấp 2,6 lần.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Thừa Thiên Huế cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan, khi khỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 10 ước tăng 4,2% so với cùng kỳ; tính chung 10 tháng ước tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, của tỉnh này trong 10 tháng năm 2023, đều duy trì mức ổn định, như diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh ước đạt 53.435 ha, tăng 645 ha so với năm 2022. Năng suất bình quân ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng hơn 12 tạ/ha so với năm 2022. Sản lượng ước đạt 334.075 tấn, tăng 64.732 tấn so với năm 2022.

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng của Thừa Thiên Huế ước đạt 8.228 tỷ đồng, bằng 83% dự toán, bằng 63,3% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 22,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa của tỉnh này ước đạt 7.690 tỷ đồng, bằng 82,2% dự toán, bằng 62,6% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 24%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 522 tỷ đồng, bằng 94% dự toán, bằng 76,8% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 2% so với cùng kỳ. Thu viện trợ, huy động đóng góp 16 tỷ đồng, vượt 45% dự toán, bằng 40% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 53% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 10.161,4 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.487,6 tỷ đồng, bằng 62,8% dự toán.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 mà Thừa Thiên Huế được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến 23/10/2023 là 3.962,864 tỷ đồng/5.758,257 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch, xếp thứ 10/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao cả nước.

Phiên họp thường kỳ tháng 10/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra chiều ngày 1/11 vừa qua 
Phiên họp thường kỳ tháng 10/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra chiều ngày 1/11 vừa qua 

Về phát triển doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế, tính đến 20/10/2023, có 581 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.763,1 tỷ đồng, giảm 16,8% về lượng và tăng 52,7% về vốn so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tại tỉnh này là 290 doanh nghiệp, giảm 141 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 491 doanh nghiệp, tăng 19 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 101 doanh nghiệp, tăng 03 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp, tăng 182 doanh nghiệp. 

Đối với thu hút đầu tư trong 10 tháng 2023, Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 19 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 5.070 tỷ đồng, gồm 6 dự án FDI vốn đăng ký 41 triệu USD tương đương 964 tỷ đồng.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra chiều ngày 1/11 vừa qua, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần khắc phục, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông, tuyến đê điều, hệ thống thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển,…do mưa bão gây ra. Trên lĩnh vực công nghiệp phải rà soát, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Đối với  tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách, ông Phương đề nghị cần tập trung rà soát, đánh giá mức độ quan trọng các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10% (tính đến thời điểm hiện nay) để chấm dứt dự án. Đồng thời, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024. 

Liên quan đến các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, rốt ráo thu tiền sử dụng đất, vấn đề này sẽ quy trách nhiệm cho từng ngành.

 

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate