Theo thông tin ở Sở Du lịch thành phố Huế, năm 2024, thành phố này đón được gần 3,9 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2023; trong đó có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với năm 2023, có gần 2,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 25% so với năm 2023.
Tỷ trọng khách du lịch quốc tế chiếm gần 36% trong tổng lượt khách du lịch đến Huế. Thị trường khách du lịch chủ yếu đến từ ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc. Tổng thu từ du lịch của địa phương này ước đạt 7.900 tỷ đồng, tăng 19,6% so với năm 2023; các chỉ tiêu về du lịch đạt kế hoạch năm 2024 đề ra.
Đáng chú ý, Huế còn đón nhận loạt giải thưởng, danh hiệu từ một số tổ chức, tạp chí, kênh thông tin du lịch quốc tế góp phần truyền thông, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch Huế trong khu vực và toàn cầu, thu hút các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống và tiềm năng. Huế được vinh danh là 1 trong 25 (xếp vị trí thứ 8) điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới trong Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations; giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024...
Việc đăng cai năm du lịch quốc gia và Festival Huế được xem là cú hích hút khách cho ngành du lịch tỉnh này, tạo tiền đề phát triển sau khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, các sự kiện tập trung vào 4 nhóm chính gồm Lễ hội mùa Xuân "Xuân Cố đô"; Lễ hội mùa Hạ "Kinh thành tỏa sáng"; Lễ hội mùa Thu "Huế vào Thu" và Lễ hội mùa Đông "Mùa đông xứ Huế". Trong 170 sự kiện được tổ chức, có 8 hoạt động cấp quốc gia và 62 hoạt động cấp tỉnh, thành phố và 102 hoạt động hưởng ứng.
Theo bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Huế, cho biết năm 2025, ngành du lịch Huế phấn đấu thu hút khoảng 4,8 - 5 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 38-40% tổng lượt khách. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng, thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách. Đồng thời, kêu gọi đầu tư từ 3 - 5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao.
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành du lịch thành phố Huế sẽ tập trung các giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục thu hút khách du lịch quốc tế đến Huế. Phát triển sản phẩm mới có tính đặc trưng; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch…
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2025, Huế đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với sologan “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới” gắn cùng Festival Huế 2025, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho thành phố trong thu hút du khách và sự quan tâm của các nhà đầu tư về lĩnh vực du lịch.
Cũng theo ông Siêu, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Huế để tổ chức tốt các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia. Trong đó, có các sự kiện mang tính chất cốt lõi của ngành du lịch như: triển khai xúc tiến, giới thiệu chương trình du lịch Việt Nam gắn với du lịch Huế ở thị trường các nước Châu Âu (Pháp, Đức, Ý...); tổ chức diễn đàn về phát triển công nghiệp văn hóa tại Huế;...
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và là điểm kết nối trong hành trình "Con đường Di sản miền Trung", Huế là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Thành phố được công nhận các danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Xanh quốc gia, Thành phố Du lịch sạch ASEAN.
Cố đô Huế cũng là địa phương duy nhất cả nước có 8 di sản thế giới được UNESCO ghi danh cùng 89 di tích quốc gia và 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt; hàng trăm lễ hội dân gian và cung đình cùng nền văn hóa ẩm thực phong phú và độc đáo. Huế cũng sở hữu Vườn quốc gia Bạch Mã, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, bãi biển đẹp cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.