Nhận định đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam nhìn lại chất lượng dịch vụ và quan tâm hơn đến nhu cầu của khách nội, ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định du lịch Việt Nam đã vượt khó nhờ khách trong nước.
Cũng theo vị thứ trưởng này, lâu nay dịch vụ đồng bộ cho khách du lịch nội địa chưa tốt lắm và cần phải cải thiện ngay.
Thưa ông, tình hình kinh tế cũng như diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 trong thời gian vừa qua đã làm cho lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sụt giảm, điều này ảnh hưởng như thế nào với doanh thu của ngành?
Trong tháng 6/2009 lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 279.150 lượt, giảm 4,7% so với tháng trước. Như vậy tính chung 6 tháng đầu năm 2009, lượng khách quốc tế đạt 1.893.605 lượt, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2008.
Một số quốc gia có số lượng khách du lịch tới Việt Nam đông nhất là Trung Quốc với 228.000 lượt, Mỹ có 225.000 lượt và Hàn Quốc có 203.000 lượt. Đó là khó khăn chung, khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới sụt giảm khoảng 12 đến 15% và ở Việt Nam giảm 18%. Tuy nhiên chúng tôi đã tổng kết và khẳng định tổng doanh thu của ngành du lịch không ảnh hưởng nhiều vì khách nội địa lại tăng lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2009 lượng khách du lịch nội địa tăng 15% so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của dịch cúm, khách du lịch trong nước hạn chế đi du lịch nước ngoài và quay sang lựa chọn du lịch trong nước cho an toàn. Đặc biệt, sau khi chương trình "ấn tượng Việt Nam" khởi động hiện đã có hơn 400 tour du lịch và 100% công ty du lịch trên cả nước tham gia. Nhiều doanh nghiệp du lịch cao cấp cũng tham gia chương trình với 95 hãng lữ hành quốc tế và 130 khách sạn từ 3 đến 5 sao cũng đã đăng ký giảm giá tour, giá dịch vụ và giá phòng... Chính điều này đã thu hút được lượng lớn khách du lịch nội địa.
Như vậy có thể ngành du lịch đã biết dựa vào khách trong nước để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các tour nội địa hiện nay?
Từ lâu này chúng ta vẫn tập trung phân tích đánh giá khách quốc tế đến Việt Nam mà bỏ qua khách nội địa. Tôi cho rằng đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua là cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam nhìn lại chất lượng dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2009 chúng tôi đã nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ cho khách du lịch trong nước và nhận ra rằng khách nội địa có nhu cầu rất lớn.
Những tháng vừa qua, đặc biệt từ tháng 3/2009 lại đây hầu như các tour du lịch đều hết chỗ và hầu hết là khách du lịch nội địa đăng ký. Trên thế giới nhiều nước có lượng khách du lịch nội địa lớn hơn quốc tế. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn từ khai thác nội địa nên tôi cho rằng khách du lịch nội địa là mảng kinh doanh chúng ta cần quan tâm hiện nay.
Trong 6 tháng vừa qua, khi triển khai chương trình "Ấn tượng Việt Nam" thì tổng thu nhập của ngành du lịch Việt Nam không thua kém tổng thu nhập của các năm trước trong khi lượng khách quốc tế giảm xuống. Ngành du lịch đã đánh giá và nhìn thấy sự cân bằng giữa khách nội địa và khách quốc tế. Thực tế tổng thu nhập từ khách nội địa đóng góp rất nhiều cho ngành du lịch trong nước nhưng lâu nay chúng ta tính không đầy đủ kênh du lịch nội địa, dịch vụ đồng bộ cho khách du lịch nội địa chưa tốt lắm và cần phải cải thiện ngay.
Thời gian qua do lượng khách sụt giảm nên đã xuất hiện trường hợp một số doanh nghiệp du lịch có những động tác phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng tôi khẳng định là có chuyện phá giá trong hoạt động của một số doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý Nhà nước đang xem xét xử lí. Ta phải hiểu rằng khi doanh nghiệp du lịch cung cấp dịch vụ giá rẻ thì đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ kém và sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Tuy nhiên, theo cơ chế chúng ta đang vận hành thì chúng ta chưa có quy định chặt chẽ trong lĩnh vực chống bán phá giá, chống cạnh tranh không lành mạnh nên để xử lý rất khó khăn. Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang phối hợp cùng với các cơ quan chưc năng như Bộ Thương mại tìm hướng xử lý những vấn đề phát sinh về bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh của ngành du lịch. Trong thực tế có một số doanh nghiệp chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hoạt động kinh doanh mang yếu tố chộp giật ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của ngành du lịch.
Ngay khi các doanh nghiệp du lịch đưa ra các giải pháp khác nhau về bảo hiểm cho khách du lịch đối với dịch cúm A/H1N1 cũng có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp đã đưa ra sáng kiến bảo hiểm này và đó chính là cách làm thương hiệu tốt và đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên.
Bảo vệ cho khách du lịch, mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận riêng, điều này cũng dễ hiểu bởi khi đã gia nhập vào nền kinh tế thị trường thì lợi ích của doanh nghiệp phải tính toán đến. Về phía Nhà nước chỉ đảm bảo các khâu kiểm dịch và tạo cơ sở để hạn chế sự lây lan của dịch. Nhà nước không thể đứng ra bảo hiểm mà mỗi doanh nghiệp phải tự làm việc đó.
Sau "Ấn tượng Việt Nam", ngành du lịch sẽ có thêm chương trình đặc biệt gì để thu hút khách, thưa ông?
Chương trình này khởi động vào tháng 1/2009 và đến nay chúng tôi đã sơ kết giai đoạn 1. Chúng tôi đang có những đánh giá, điều chỉnh các giải pháp cho phù hợp với giai đoạn tiếp theo. Đến giờ tôi chưa thể nói được nhiều về những điều chỉnh này nhưng sẽ phải nhìn vào sự chuyển động của nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng để có những giải pháp thích hợp.
Ngay sau chương trình đó là cái gì chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán cụ thể hơn. Nhưng nhìn chung là sẽ đưa du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn dựa trên các gói dịch vụ, sản phẩm được xây dựng trên môi trường văn hóa độc đáo của chúng ta. Trong thời gian vừa qua sự điều chỉnh của các doanh nghiệp du lịch trong các gói sản phẩm của mình đang là tiền đề cho những chuyển biến tốt trong năm 2010.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate