November 19, 2023 | 08:20 GMT+7

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện

Ban Mai -

Cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn để hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn để kịp trình Chính phủ vào tháng 02/2024.

Theo ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong hơn 12 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị và hơn 7 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị - nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất.

Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật thời gian qua đã phát sinh những tồn tại cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Do đó, tại TP.HCM, ngày 16/11/2023, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo “Tham vấn ý kiến về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn”, nhằm lấy ý kiến của các địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện nội dung dự thảo luật này (dự thảo lần 2).

Tại hội thảo, ông Vũ Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Phó Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn, cho biết dự thảo luật lần 2 cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn đang gặp nhiều vướng mắc.

Cụ thể, có 3 nhóm vấn đề lớn.

Thứ nhất, quy hoạch đô thị và nông thôn được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và chương II Luật Xây dựng năm 2014 chưa đồng bộ, chưa thuận lợi cho việc áp dụng, chưa đảm bảo gắn kết đô thị và nông thôn.

Thứ hai, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật.

Thứ ba, pháp luật liên quan đến quy hoạch có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp.

Trên cơ sở 3 nhóm vấn đề chính, dự thảo lần 2 đã đưa ra 12 vấn đề nhỏ, bao gồm: đối tượng lập quy hoạch; phạm vi, quy mô lập quy hoạch; trách nhiệm lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch; thẩm định phê duyệt quy hoạch; tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch đô thị, nông thôn được phê duyệt; rà soát quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch; kinh phí lập quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch; pháp luật liên quan đến quy hoạch có những nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp.

Theo ông Tú, việc chồng chéo, chưa phù hợp giữa các luật dẫn đến thực thi trong thực tiễn khó khăn.

Ví dụ, ngay trong Luật Quy hoạch năm 2017, những điều khoản chưa quy định cụ thể nội hàm dẫn tới lúng túng khi triển khai đồng thời quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chung tại các thành phố trực thuộc trung ương.

Hoặc việc giới hạn 7 khu chức năng và được định hướng tại quy hoạch tỉnh dẫn đến khó khăn trong thực hiện.

Tính thống nhất đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai, ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất, thu hồi và giao đất trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tham vấn ý kiến về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn” - Ảnh: PA.
Các đại biểu tham dự hội thảo “Tham vấn ý kiến về nội dung dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn” - Ảnh: PA.

Cho rằng dự thảo luật lần 2 cần quy định rõ hơn việc huỷ bỏ một quy hoạch đã được duyệt khi không còn phù hợp. Vì  theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thực tiễn tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã có trường hợp khi chính quyền tỉnh thu hồi một dự án của doanh nghiệp, sau đó huỷ bỏ quy hoạch đó thì bị doanh nghiệp kiện lại. Sau đó ra toà thì chính quyền địa phương thua kiện. Hiện nay, ở Vũng Tàu, Xuyên Mộc có nhiều quy hoạch không còn phù hợp nhưng các cơ quan chuyên môn rất lúng túng, không dám đề xuất huỷ.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã nhận định, trong dự thảo luật nên có một khoảng mở cho các địa phương có tính đặc thù có thể giải quyết được các vấn đề đặc thù phát sinh như hành động ứng phó với thiên tai… dự thảo Luật không nên cột quá chặt.

Ông Nhã cũng cho rằng cần có quy hoạch cụ thể hơn đối với đất quốc phòng và làm rõ một số vấn đề về quy hoạch vùng.

Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, Phan Thiết là đô thị loại 2, hiện Thủ tướng đang yêu cầu Phan Thiết phát triển trở thành đô thị loại 1. Vậy từ loại 2 lên loại 1 có thuộc khái niệm là đô thị mới hay không? Cần làm rõ khái niệm đô thị mới trong dự thảo lần 2 để khi áp dụng vào thực tiễn các địa phương dễ dàng thực hiện.

Về phía Đà Nẵng, địa phương này đang quan tâm đến tái thiết đô thị, nhưng vấn đề “tái thiết đô thị” vẫn chưa được đề cập trong dự thảo luật và thực tế đang gặp phải nhiều vướng mắc với các quy định khác.

Do đó, ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho rằng trong vấn đề giải thích từ ngữ xin đưa vào dự thảo luật khái niệm “tái thiết đô thị”.

Ngoài ra, câu chuyện huỷ bỏ quy hoạch về đất đai tại Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Do đó, ông Phong đề nghị trình tự thủ tục để bỏ một đồ án quy hoạch phải được quy định rõ, cụ thể để đồng bộ, thống nhất trên cả nước.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đã đề nghị, các địa phương tiếp tục cho ý kiến bằng văn bản về nội dung dự thảo, đồng thời rà soát, đánh giá tồn tại, vướng mắc.

Bên cạnh đó, khi tham gia đóng góp ý kiến cần lưu ý tính đồng bộ của pháp luật, chủ động quan tâm góp ý sao cho phù hợp với các luật liên quan cũng như các quy hoạch khác; chú ý đến quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, quy hoạch của các thành phố trực thuộc Trung ương với quy hoạch tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate