Giá lúa mì và ngô tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng trên toàn cầu, khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc mua lương thực. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Á đang gặp phải vấn đề ngược lại: đó là tình trạng dư thừa gạo - điều có thể giáng một đòn mạnh vào nguồn thu từ xuất khẩu của họ.
CUỘC CHIẾN GIÁ GẠO KHỐC LIỆT
Theo Nikkei Asia, Thái Lan đứng đầu danh sách các quốc gia đang đối mặt với tình trạng dư thừa bất ngờ với mùa màng bội thu do thời tiết thuận lợi. Việc này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia châu Á đang ở trong một cuộc chiến giá khốc liệt nhằm tìm kiếm khách mua cho lượng lúa gạo tồn kho khổng lồ của mình.
“Vụ mùa tốt ở một số quốc gia đã cho phép các nhà xuất khẩu chủ chốt, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, cạnh tranh bằng cách chào bán lương thực với giá thấp”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Charoen Laothamatas, nói với Nikkei Asia.
Đây sẽ là một năm thảm họa nữa vì chúng tôi không biết giá gạo sẽ giảm sâu đến mức nào. Điều này sẽ buộc chính phủ Thái Lan ban hành các kế hoạch can thiệp giá nhằm hỗ trợ nông dân.
MỘT THƯƠNG NHÂN GẠO THÁI LAN
Giá gạo - lương thực chính ở châu Á - không giống như giá của các mặt hàng lương thực thiết yếu khác. Ở mức 420 USD/tấn, gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm vài phần trăm so với mức hồi đầu năm và mức sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2. Cạnh tranh gay gắt về giá đồng nghĩa là bên mua có thể mua được hàng với giá thấp hơn.
Cả giá lúa mì và ngô đều tăng hơn 40% do xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine bị chặn và Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì để ưu tiên nhu cầu nội địa trong bối cảnh thời tiết nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất ở nước này. Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các ngăn chặn xuất khẩu này, cùng với việc mùa màng bội thu ở những nơi khác, đã khiến giá cả hạ nhiệt trong những tuần gần đây, nhưng giá lúa mì vẫn tăng 15% so với một năm trước.
Ngược lại với lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, Ấn Độ đang cố gắng bán nhiều gạo hơn ra quốc tế. Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này đã bán trung bình 22 triệu tấn gạo mỗi năm trong vài năm qua – chiếm 50% toàn cầu.
Cuộc cạnh tranh giá vốn đã vô cùng khốc liệt. Theo giới thương nhân, Ấn Độ có thể chào giá thấp tới 343 USD/tấn - thấp hơn nhiều so với mức 388 USD của Pakistan và 418 USD của Việt Nam. Thái Lan chào giá 420 USD do chi phí sản xuất cao hơn.
"Giá gạo Thái Lan cao hơn của Ấn Độ và các đối thủ khác khoảng 80 USD/tấn. Điều này khiến các nhà xuất khẩu Thái Lan khó cạnh tranh với đối thủ ở những nước khác”, ông Charoen cho biết.
Ông dự báo thời gian tới giá gạo thế giới sẽ tiếp tục chịu áp lực. Thái Lan sẽ thu hoạch vụ mùa chính vào tháng 10 tới và dự kiến thu hoạch khoảng 24 triệu tấn thóc.
“Đây sẽ là một năm thảm họa nữa vì chúng tôi không biết giá gạo sẽ giảm sâu đến mức nào”, một nhà buôn gạo ở Thái Lan chia sẻ. "Điều này sẽ buộc chính phủ Thái Lan ban hành các kế hoạch can thiệp giá nhằm hỗ trợ nông dân”.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh Thái Lan chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử năm tới, điều quan trọng với Chính phủ nước này là đảm bảo làm yên lòng hơn 4 triệu gia đình nông dân. Hệ quả của việc này là các nhà xuất khẩu Thái Lan khó có thể bán gạo với giá thấp hơn khi mà giá ở trong nước đang được hỗ trợ. Và việc này sẽ làm giảm thị phần toàn cầu của quốc gia này.
Lượng gạo tồn kho hiện đã ở mức cao lịch sử vài năm, chiếm hơn 30% nhu cầu cả năm. Việc giá lúa mì và ngô hạ nhiệt vài tuần gần đây đã làm phai nhạt dần những nhận định rằng gạo có thể trở thành mặt hàng lương thực chủ lực thay thế - điều có thể giúp làm giảm lượng gạo tồn kho.
NGUY CƠ DO GIÁN ĐOẠN NGUỒN CUNG PHÂN BÓN
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng tình với quan điểm cho rằng giá gạo sẽ duy trì ở mức thấp. Nguyên nhân là tình trạng thiếu phân bón được dự báo sẽ nóng lên trong thời gian tới.
Nga là quốc gia xuất khẩu nitơ lớn nhất thế giới, lớn thứ hai về kali và thứ ba về phốt pho – những thành phần chính của phân bón hiện đang trong tình trạng khan hiếm và giá tăng do các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Ông Akio Shibata, chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên ở Nhật Bản, cảnh báo rằng châu Á khó có thể tiếp tục lạc quan về nguồn cung mặt hàng chủ lực của mình.
“Nếu giá phân bón tiếp tục tăng và nguồn cung bị gián đoạn, giá gạo có thể tăng lên theo giá lúa mì và ngô”, ông Shibata nói với Nikkei Asia.
Điều này đặc biệt gây tổn thương cho những quốc gia như Thái Lan do sự phụ thuộc vào các loại thuốc trừ sâu và phân bón đắt đỏ. Thái Lan nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn phân bón mỗi năm – khác biệt so với các đối thủ trong khu vực như Việt Nam và Ấn Độ.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam đã mất nhiều năm để phát triển các giống gạo và kỹ thuật trồng lúa mới giúp giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, Ấn Độ và Pakistan trống lúa ở những khu vực rộng lớn nhằm tận dụng lợi thế về quy mô và chi phí lao động rẻ.
Do đó, năng suất lúa gạo của Thái Lan hiện vẫn ở mức thấp với 2.837 kg/hecta, thấp hơn nhiều so với 5.018 kg/hecta của Việt Nam. Sự gián đoạn trong nguồn cung phân bón có thể làm giảm năng suất lúa gạo của Thái Lan thêm nữa.
Vào tháng trước, Chính phủ Thái Lan đã thông qua kế hoạch cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển mỏ kali đầu tiên của nước này để sản xuất phân bón. Tuy nhiên, để mỏ này đi vào hoạt động sẽ mất nhiều năm nữa.
Ông David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết tình trạng thiếu phân bón có thể làm giảm sản lượng gạo tại châu Á và lặp lại giai đoạn tăng giá đột biến hồi năm 2007-2008 sau đợt hạn hán ở Ấn Độ - khi giá gạo bị đẩy lên tới 1.000 USD/tấn.
“Châu Á sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng phân bón được dự báo sẽ gây thiệt hại vụ mùa lúa gạo trong 12 tháng tới”, ông nói. “Nếu nhìn vào những tiến bộ đã đạt được trong việc giảm nạn đói trên toàn cầu, chúng ta sẽ thấy rằng việc này có thể thực sự gây cản trở cho an ninh lương thực của thế giới".