Ngày 29/12, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Đánh giá về công tác nhập hàng hóa, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia trong năm 2021, bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, đến 20/12/2021 hoàn thành nhập kho 100% kế hoạch mua lương thực gồm 80.000 tấn thóc, 190.000 tấn gạo, hơn 75.000 tấn gạo xuất cấp cho 9 tỉnh chống dịch Covid-19.
Đồng thời, nhập kho 106.000 phao tròn, 100 bộ máy bơm nước chữa cháy, 70 máy phát điện và đang triển khai nhập tiếp các mặt hàng vật tư, thiết bị phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
"Năm 2021 là năm có số lượng hàng hóa dự trữ quốc gia và giá trị xuất cấp lớn so với những năm gần đây, tập trung xuất hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, thiên tai, hạn hán, xuất viện trợ".
Bà Bùi Thúy Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Trong năm 2021, tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan trên diện rộng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay, với mức độ lây lan rất nhanh tại khu vực các tỉnh Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, tinh thần của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Trước tình hình đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực kịp thời xuất cấp hàng hoá cho các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến 20/12, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia theo thẩm quyền đã có các quyết định kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hơn 3.424,4 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 253.303 tấn gạo, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, trị giá khoảng 3.026,699 tỷ đồng; xuất 1.454,5 tấn muối ăn, trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Năm 2020, cơ quan này xuất cấp số lượng gạo dự trữ quốc gia là 131.803 tấn gạo; năm 2019 xuất 110.032 tấn gạo; năm 2018 xuất 116.093 tấn; năm 2017 xuất 126.628 tấn gạo.
Bên cạnh đó, xuất 2.086 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 76 bộ máy phát điện, 30 bộ xuồng cao tốc các loại, 175.699 chiếc phao cứu sinh các loại; 1.539 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 90 bộ máy bơm nước chữa cháy, 15 bộ thiết bị khoan cắt để phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ, với tổng trị giá khoảng 142,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xuất hàng hóa với tổng giá trị khoảng 253,643 tỷ đồng.
Đánh giá cao ngành dự trữ nhà nước đóng góp nhiều vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của công tác tài chính - ngân sách nhà nước, nhất là trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn lưu ý, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng dự trữ quốc gia của một số mặt hàng do các bộ, ngành quản lý chưa có hoặc đã được ban hành từ lâu, hiện không còn phù hợp, chậm sửa đổi.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng chưa xây dựng được định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý...
Thứ trưởng đề nghị: Tổng cục Dự trữ Nhà nước nói riêng và toàn ngành hoàn thành tốt kế hoạch nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia, quản lý tốt chất lượng hàng dự trữ quốc gia, đặc biệt công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trong mua, bán hàng dự trữ quốc gia.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới kho dự trữ quốc gia với tư duy hết sức mới trong một giai đoạn mới đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch theo hướng tập trung tránh dàn trải, để làm cơ sở nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho dự trữ quốc gia.
Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp khoảng 132.000 tấn gạo, giá trị gần 1.400 tỷ đồng, xuất cấp vật tư, thiết bị cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng.