Trên cương vị trưởng đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình quản lí và sử dụng đất đai của các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty trên địa bàn Tp.HCM, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhận định, việc sử dụng đất không chỉ của doanh nghiệp Trung ương mà cả doanh nghiệp Tp.HCM đang rất lãng phí.
"Không thể để như hiện nay, phải đưa việc sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước vào khuôn phép", Chủ nhiệm Hà Văn Hiền nói.
Trong 4 ngày thực hiện giám sát tại khu vực được coi là nhiều “vấn đề” nhất hiện nay trong nền kinh tế, ông có "giật mình" về những thông tin mà mình nhận được?
Trong khối tài sản của các tập đoàn, tổng công ty thì đất đai là tài sản rất lớn nên chúng tôi đã tập trung xem xét thấu đáo trong đợt giám sát này. Việc quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn và tổng công ty cũng là vấn đề xã hội rất quan tâm. Mới nghe qua số liệu sơ sơ thôi đã thấy có nhiều vấn đề phức tạp và thấy rõ ràng là trong sử dụng đất của các tập đoàn và tổng công ty xuất hiện nhiều vấn đề...
Chẳng hạn khi giám sát về tình hình sử dụng đất công của các tập đoàn và tổng công ty tại Tp.HCM, tôi nhận được thông tin chỉ có 39% diện tích đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho các tập đoàn, tổng công ty sử dụng ở đây là đúng mục đích, 61% diện tích đất ở khu vực này, tương đương với 3,8 triệu m2 là sử dụng sai mục đích.
Nếu số liệu mà Sở Tài nguyên môi trường và Sở Tài chính Tp.HCM là đúng thì tôi nghĩ việc sử dụng đất không chỉ của doanh nghiệp Trung ương mà cả doanh nghiệp Tp.HCM đang rất lãng phí, nếu không nói là lãng phí rất lớn.
Có lẽ, vì thế mối quan tâm của xã hội đối với tình hình này là có cơ sở. Dễ dàng nhận thấy ở đây, không chỉ đơn vị được giao sử dụng đất, mà còn chính những cơ quan được Nhà nước giao trọng trách cũng đang có “vấn đề”. Không thể để như hiện nay, phải đưa việc sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước vào khuôn phép.
Thưa ông, cứ cho rằng số liệu của Tp.HCM là đúng thì có nghĩa là đang có tới gần 4 triệu m2 đang bị sử dụng sai mục đích?
Rõ ràng là nguồn gốc nhà đất công trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh rất phức tạp với nhiều đầu mối quản lý. Những câu hỏi cần làm rõ hơn trong việc để xảy ra tình trạng lãng phí này là phải chăng do cơ chế chính sách, quy định chưa hoàn chỉnh? Vậy trách nhiệm của từng cơ quan liên quan phải làm gì? Giải pháp cụ thể ra sao để tối ưu hoá nguồn lực về đất tạo động lực phát triển cho xã hội?...
Những phát sinh trong quá trình khai thác và quản lý khối tài sản hàng triệu m2 nhà đất này cần được sớm giải quyết. Qua đợt công tác này, Ủy ban Kinh tế sẽ có kiến nghị để điều chỉnh và sửa đổi Luật đất đai, các quy định về quản lý công sản để tạo ra hành lang pháp lý chuẩn nhằm xử lý nghiêm mọi hành vi lãng phí nhà đất công.
Vậy đâu là các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc xác định giá đất và giá thuê đất theo thị trường là như thế nào vẫn chưa rõ. Để xảy ra tình trạng này trong thời gian dài, một phần do lịch sử để lại, một phần giá đất thuê còn nặng tính bao cấp, nhất là đối với quỹ nhà, đất có nguồn gốc công sản. Giá thuê quá thấp so với giá thị trường đã kích thích các đơn vị được giao đất cho thuê lại đất để hưởng chênh lệch giá.
Một nguyên nhân khác là do quản lý yếu kém, thiếu khoa học, chồng chéo, nhiều cơ quan quản lý nhưng khi có vấn đề thì không giải quyết triệt để dẫn đến việc xử lý vi phạm còn hạn chế, kéo dài thời gian xử lý hoặc xử lý không thống nhất.
Vướng mắc trong quy hoạch của địa phương cũng là nguyên nhân làm các đơn vị có đất dù đã chuẩn bị phương án đầu tư đầy đủ vẫn không thể triển khai xây dựng được vì phải chờ phê duyệt quy hoạch. Trong khi đó, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của địa phương vừa chậm, vừa thiếu đồng bộ, thiếu phương án quy hoạch tổng thể...
Là trưởng đoàn giám sát, ông sẽ đưa ra kiến nghị gì để có thể đưa đất công vào khuôn phép?
Về nguyên tắc, nhà đất công khi sử dụng sai mục đích, lãng phí phải thu hồi. Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, đơn vị quản lý trực tiếp địa bàn. Hướng xử lý vi phạm cần có sự phối hợp của ủy ban nhân dân địa phương với các bộ ngành dựa trên cơ sở Luật đất đai và các quyết định của Chính phủ.
Mục đích của đoàn giám sát không nằm ngoài việc tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ phía ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ngành, các tổng công ty Nhà nước để thấy được những thuận lợi, khó khắn, vướng mắc, từ đó báo cáo với Quốc hội để có những điều chỉnh kịp thời.
Giám sát của Quốc hội không phải là thanh tra, kiểm tra, mà là giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật như thế nào. Trên cơ sở giám sát, nếu thấy có những vấn đề đặt ra, chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể. Qua đó cũng sẽ thấy được những chính sách chưa phù hợp, cần đề xuất bổ sung, sửa đổi cho hoàn chỉnh.
Kết quả giám sát phải công khai nhưng chỉ công khai khi có kết quả cụ thể, cuối cùng. Trong quá trình làm, mỗi vấn đề đều phải phân tích, đánh giá, xem xét thật xác đáng, chứ không phải chỉ căn cứ vào một mặt nào đó, như hiệu quả hay chưa hiệu quả. Phải đánh giá toàn diện, rồi mới công bố kết quả cuối cùng.
Dự kiến, cuối tháng 8 hoặc tháng 9/2009, Đoàn giám sát sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát. Trong quá trình giám sát, Đoàn sẽ đánh giá việc ban hành và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chúng tôi sẽ xác định nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc để nảy sinh hạn chế, yếu kém.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate