September 06, 2012 | 15:51 GMT+7

Đua kích cầu ôtô tại Vietnam Motor Show 2012

An Nhi

Toàn bộ 7 kỳ triển lãm Vietnam Motor Show trước đây chưa bao giờ có quy mô lớn như năm nay

VMS 2012 đang được kỳ vọng ít nhiều sẽ kích thích thị trường và ngành công nghiệp ôtô trong nước - Ảnh: Đức Thọ.
VMS 2012 đang được kỳ vọng ít nhiều sẽ kích thích thị trường và ngành công nghiệp ôtô trong nước - Ảnh: Đức Thọ.
Nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng sẽ được công bố tại triển lãm Vietnam Motor Show lần thứ 8 (VMS 2012).

Theo thông báo từ ban tổ chức, VMS 2012 dự kiến diễn ra trong 5 ngày cuối tháng 9 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) với sự tham gia của 13 hãng xe, gồm: Ford, Honda, Toyota, Mercedes-Benz, Audi, BMW, Renault, Mitsubishi, Suzuki, Land Rover, Porsche, Vinaxuki và Luxgen. Tiếc là sau nhiều năm góp mặt, một hãng xe lớn là GM đã quyết định rút lui.

Bên cạnh đó là sự góp mặt của hàng chục nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng, phụ kiện và dịch vụ ôtô khác.

Đồng loạt ưu đãi


Đại diện các hãng xe tham dự triển lãm tiết lộ sẽ đồng loạt tung ra các chương trình ưu đãi, được tiết lộ là "đặc biệt" dành cho khách hàng.

Đó có thể là giảm giá bán ở mức cao, là các gói hỗ trợ, quà tặng và dịch vụ giá trị lớn. Đây được xem là dịp hợp lý để các hãng xe gia tăng các giải pháp kích cầu thị trường.

Mặc dù đến thời điểm này, hầu hết các hãng xe vẫn đang giữ bí mật nhằm tạo sự bất ngờ song theo ước tính, sẽ có không dưới 20 mẫu xe mới được giới thiệu ngay trong khuôn khổ VMS 2012.

Trong đó, đáng chú ý là các thế hệ mới nhất của Audi Q5, Audi R8 Spyder, BMW X6, Mercedes GLK, Toyota Camry, Ford Focus, Honda Civic hay Mitsubishi Mirage...

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thị trường ôtô ảm đạm, một số chính sách đang áp dụng hay thậm chí vẫn còn trên bàn giấy song cũng đã ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý tiêu dùng, VMS 2012 đang được kỳ vọng ít nhiều sẽ kích thích thị trường và ngành công nghiệp ôtô trong nước.

Bước ngoặt mới?

Toàn bộ 7 kỳ triển lãm Vietnam Motor Show trước đây chưa bao giờ có quy mô lớn như năm nay. VMS 2012 cũng đánh dấu việc lần đầu tiên có sự tham dự của cả các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) lẫn các nhà nhập khẩu chính hãng.

Trước đây, khối doanh nghiệp nhập khẩu đã nhiều lần đệ đơn xin gia nhập VMS vốn dĩ do VAMA tổ chức song đều bị từ chối. Theo quan điểm của các nhà nhập khẩu và đa số người tiêu dùng, khách tham quan các kỳ triển lãm trước, nếu cả hai khối doanh nghiệp này chịu ngồi “chung chiếu” thì sẽ đồng thời đem lại nhiều lợi ích khác nhau.

Đối với người tiêu dùng, đó thực sự là dịp để có thể cùng lúc tham quan, tìm hiểu và tham khảo, so sánh đầy đủ nhất các loại xe, các loại dịch vụ và sản phẩm ôtô trong cùng một sự kiện, cùng một không gian mà không phải ngược xuôi qua nhiều kỳ triển lãm khác nhau.

Còn với các đơn vị tham gia, đó là câu chuyện về hiệu quả truyền thông, marketing; là cơ hội giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới đến lượng người tiêu dùng đông đảo nhất; là sân chơi chung mà cả hai khối doanh nghiệp cùng thể hiện được quan điểm, tiếng nói của mình với thị trường và đặc biệt là với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách.

Mặt khác, không phải ngẫu nhiên mà ban tổ chức lại lựa chọn chủ đề về chính sách thuế và phí ôtô làm nội dung chính cho cuộc hội thảo diễn ra trong khuôn khổ VMS 2012.

Thực tế cho thấy, chính sách thuế và phí đã và đang có những tác động rất lớn đến sức mua trên thị trường thời gian qua, đến các quyết định đầu tư, sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp ôtô.

Trước đây, khi VAMA và các nhà nhập khẩu còn bị xem là đứng ở hai bờ giới tuyến thì những tiếng nói, góp ý về chính sách đưa ra khá bị động, rời rạc và thiếu nhất quán. Do đó, VMS 2012 được kỳ vọng sẽ giúp tiếng nói của các doanh nghiệp này có “sức nặng” hơn rất nhiều, đặc biệt là khi được phát đi từ một cuộc hội thảo chung.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate