Phát biểu tại Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam–Nhật Bản năm 2022” chiều ngày 23/6, bà Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, ngoại giao và hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại nhiều thành tựu lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG, TỈNH THÀNH CÔNG
Trong tiến trình phát triển, Vĩnh Phúc luôn xem các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu, trụ cột trong chiến lược hội nhập quốc tế của tỉnh.
Thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương của Nhật Bản từ năm 1995, đến nay, Vĩnh Phúc tiếp tục có quan hệ hợp tác hữu nghị chính thức với tỉnh Akita từ năm 2015 và tỉnh Tochigi Nhật Bản từ tháng 12/2021.
Khi Tập đoàn Toyota và Tập đoàn Honda Nhật Bản đầu tư vào Vĩnh Phúc đã góp phần thiết lập nền móng vững chắc và phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản.
Từ hợp tác về kinh tế cho đến nay, phạm vi hợp tác đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng phát triển tốt đẹp. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng và hiệu quả từ các dự án của Nhật Bản.
Đến hết tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 435 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 7,3 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản có 58 dự án với tổng vốn là 1,62 tỷ USD.
“Nhật Bản luôn đứng đầu về tỷ lệ và số vốn thực hiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như những đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là các nhà đầu tư đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Do vậy, tỉnh sẽ luôn luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất về các chính sách hỗ trợ, thu hút cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng được thành công khi đầu tư tại Vĩnh Phúc”, bà Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định.
Còn theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, tại Việt Nam, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản và đảm nhận vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong đó, Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc được coi là khu công nghiệp dành riêng cho đầu tư Nhật Bản và có môi trường đầu tư hoàn thiện, giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ đầu tư sang Việt Nam.
Ghi nhận sự chủ động của Vĩnh Phúc trong việc thiết lập một cơ quan riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản; ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh gọn, đặc biệt là các dự án mới, ông Yamada Takio cho rằng, đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
“Đặc biệt là trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vào tháng 5 vừa qua, hai bên đã công bố nhiều danh mục dự án và sự quan tâm của các doanh nghiệp thông qua số lượng và quy mô các văn kiện”, Đại sứ Nhật Bản khẳng định.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Vĩnh Phúc, đại diện Honda Việt Nam, một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đã có hơn 26 năm hoạt động ở Việt Nam, Tổng Giám đốc Daiki Mihara cho biết, doanh nghiệp này đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất quy mô hơn 70ha (với 2 nhà máy sản xuất lắp ráp xe máy, 1 nhà sản xuất lắp ráp ô tô và 1 Trung tâm Đào tạo lái xe an toàn hiện đại bậc nhất Việt Nam).
Trải qua chặng đường 26 năm nay, Honda Việt Nam đã luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía chính quyền Vĩnh Phúc.
“Trong thời gian đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của tỉnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác”, ông Mihara Daiki khẳng định và cho biết đó là lý do doanh nghiệp luôn nỗ lực hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như Việt Nam.
Còn theo ông Keisuke Tokunaga, Tập đoàn Toyota, đại dịch Covid 19 bùng nổ trong 2 năm vừa qua đã khiến công ty gặp những khó khăn nhất định trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như lĩnh vực vận chuyển - quản lý chuỗi cung ứng.
Trước tình hình khó khăn như vậy, Toyota đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của tỉnh nhờ đó đã giải quyết và tháo gỡ được những khó khăn cũng như hạn chế tác động tiêu cực tới doanh nghiệp như triển khai nhanh chóng công tác tiêm phòng vaccine; công tác khoanh vùng, cách ly, truy vết; cấp giấy phép vận tải luồng xanh; giảm thời gian làm thủ tục Hải quan; hỗ trợ doanh nghiệp làm việc với các tỉnh liên quan trong việc duy trì sản xuất của các nhà cung cấp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho doanh nghiệp…
LÀ CĂN CỨ ĐỊA SẢN XUẤT CỦA NHIỀU DOANH NGHIỆP LỚN
Đánh giá về tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư kí, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Vĩnh Phúc đã tạo ra một hiện tượng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
“Có thể thấy động lực phát triển kinh tế Vĩnh Phúc đến từ nội lực con người và điều này rất phù hợp với các nhà đầu tư từ Nhật Bản”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, với sự chủ động và thân thiện của chính quyền, các doanh nghiệp lớn đã coi đây là căn cứ địa để sản xuất và mở rộng hoạt động đầu tư. Đây là một lợi thế của Vĩnh Phúc so với các địa phương khác.
Trong kết quả điều tra mới nhất của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Vĩnh Phúc hiện nằm trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Trong đó, các vấn đề sau đăng ký, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp… cũng có nhiều cải thiện. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc đang rất thuận lợi.
Còn theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm vừa qua, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc đã đi đầu, xử lý kịp thời, vừa phòng chống dịch, vừa bảo hoạt động trình kinh doanh.
“Sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân thì Vĩnh Phúc cũng ngay lập tức có chủ trương xây nhà ở cho công dân nhằm ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ hết mình trong quá trình chuẩn bị thủ tục, giấy tờ và đồng thời làm rất tốt khâu chăm sóc các nhà đầu tư sau khi triển khai. Đó chính là những yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư quan tâm bên cạnh chính sách, hạ tầng", ông Hoàng cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Vĩnh Phúc cũng đang gặp phải những khó khăn như giá thành nguyên liệu, chi phí vận chuyển, phí nhân công tăng, thiếu nguồn nhân lực… Trước những khó khăn này, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, khẳng định Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
“Đặc biệt, chúng tôi sẽ “lấp đầy” nhu cầu của doanh nghiệp ngày một tốt hơn, để Vĩnh Phúc luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài”, Chủ tịch Vĩnh Phúc khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã cùng với ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc và JETRO.