Không đồng ý mở rộng Hà Nội. Lắc đầu với điện hạt nhân. Nói không với khai thác bauxite ở Tây Nguyên... Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ông “không hề ân hận” với những quyết định của mình.
Bởi, theo ông, nếu chỉ quyết chủ trương mà không kiểm soát được hiệu quả của các dự án, công trình quan trọng thì đại biểu sẽ làm tuột quyền làm chủ của nhân dân khỏi tay của Quốc hội.
Trao đổi với VnEconomy ngay sau khi Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết, thêm một lần nữa, ông không thể nhấn nút thông qua “dự án lãng mạn” này.
Chỉ quyết chủ trương thì không ổn
Thưa ông, việc trình Quốc hội những dự án, công trình quan trọng quốc gia hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm của cá nhân ông thế nào?
Đại biểu Quốc hội phải ủng hộ chủ trương phát triển đất nước, và trong quá trình phát triển đó, những dự án lớn có tầm nhìn xa là rất cần thiết. Nhưng vấn đề rất quan trọng là phải đánh giá hiệu quả kinh tế của các dự án như thế nào.
Nếu chỉ quyết chủ trương mà sau này không kiểm soát được quá trình thực hiện cũng như hiệu quả thì đại biểu sẽ làm tuột quyền làm chủ của nhân dân khỏi tay Quốc hội. Quốc hội đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân nên chi tiêu bao nhiêu tiền, hiệu quả như thế nào phải nắm rất cụ thể mới quyết được.
Như vậy lý do quan trọng nhất khiến ông không nhấn nút thông qua hầu hết các dự án, công trình quan trọng được quyết định tại các kỳ họp của Quốc hội khóa 12 chính là không yên tâm về hiệu quả kinh tế?
Hiệu quả kinh tế là vấn đề rất quan trọng. Nếu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có lãi lớn thì nên làm, kể cả đi vay vốn cũng làm. Cũng như trong gia đình, nếu mua ôtô chở khách hay ôtô tải để kinh doanh thì nên làm, còn nếu mua ôtô để đi chơi cho bằng hàng xóm thì nên xem túi tiền của mình như thế nào, đủ ăn chưa đã.
Để biết hiệu quả của đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chỉ cần làm một phép thử là biết ngay. Đó là kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài làm đường và kinh doanh xem có ai dám làm không. Thậm chí, có cho miễn thuế 10 năm đầu cũng chưa chắc đã nhà đầu tư nào dám vào, vì không thể thu lãi được.
Vay khoản tiền gần 56 tỷ USD (tương đương hơn 1 triệu tỷ VND - PV) để làm một dự án không có hiệu quả kinh tế trong khi nợ nước ngoài hiện nay của nước ta đã gần giới hạn mất an toàn, ngân sách năm nào cũng bội chi lớn, thì tôi nghĩ là rất mạo hiểm.
Về thực lực kinh tế, nước mình còn đứng ở vị trí rất thấp, trong khi đó trên thế giới chỉ có 11 nước làm đường sắt cao tốc thôi. Thực lực đứng gần cuối bảng mà phương tiện sinh hoạt muốn vào hàng đầu thế giới thì rất là phiêu lưu.
Nhưng thưa ông, liệu có hơi sớm khi nói về hiệu quả kinh tế của dự án. Vì, một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải đã nói dự án xin Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư lần này mới chỉ là báo cáo đầu tư nên không cần phải có những nội dung chi tiết. Cũng giống như "bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể hơn"?
Trong gần hai khóa Quốc hội tôi tham gia thì có dự án khi trình Quốc hội đã có chỉ tiêu kỹ thuật và chi phí rất cụ thể. Ví dụ dự án Thủy điện Sơn La ngay ban đầu đã nói rõ cao trình là bao nhiêu, đó là vấn đề kỹ thuật nhưng Quốc hội cũng phải xem xét.
Còn với so sánh của đồng chí lãnh đạo ngành giao thông thì tôi xin nói thế này: chẳng bố mẹ nào chưa thấy mặt con dâu tương lai đã chi tiền cho con cưới vợ cả.
Đã nhấn nút là không ân hận
Thưa ông, cá nhân ông không nhấn nút tán thành, nhưng các dự án đó vẫn được thông qua có khiến ông cảm thấy buồn không ạ?
Buồn thì chắc là cũng có buồn, vì mình là thiểu số, ý kiến của mình phản ánh khá đầy đủ lập luận của nhiều giới, của các nhà khoa học và cả nguyện vọng của cử tri nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Cũng có thể là tôi suy nghĩ không đúng, nhưng quan trọng là trước khi bấm nút quyết định vấn đề gì thì tôi đã nghiên cứu rất kỹ về vấn đề đó.
Bởi thế, cá nhân tôi khi đã bấm nút thì không bao giờ ân hận. Còn nếu chưa hiểu kỹ mà đã đồng ý thông qua, mai này để lại hậu quả không tốt thì dù có nghỉ hưu rồi cũng vẫn hết sức băn khoăn, cảm thấy mình chưa tròn trách nhiệm với nhân dân.
Quá trình thảo luận tại tổ về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng có nhiều ý kiến e ngại về tình trạng “đầu voi đuôi chuột” của một số công trình trọng điểm quốc gia. Phải chăng sự cẩn trọng của ông cũng bắt đầu từ những điều đã rút ra qua thực tế giám sát?
Tôi đã từng tham gia giám sát một số dự án, trong đó có Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, là công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Khi Quốc hội quyết chủ trương, cũng rất nhiều đại biểu băn khoăn. Nhưng cơ quan trình dự án cũng thuyết phục Quốc hội là cứ yên tâm.
Sau này đi giám sát thì thấy có rất nhiều vấn đề không ổn.
Ví như túi bùn xuất hiện là hoàn toàn bất ngờ, trước đó tờ trình hoàn toàn không có nói đến và việc xử lý nó đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Đến lúc làm cầu cảng thì đá lại quá rắn, không làm nổi nên phải thuê 10 giàn khoan từ Singapore về, rất tốn kém và mất thời gian. Vừa rồi cái cầu cảng này còn bị lệch, như thế là việc chuẩn bị của cơ quan trình dự án chưa thật sự kỹ càng.
Tại kỳ họp này Chính phủ sẽ trình Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 66/2006/QH11 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Theo ông thì việc sửa đổi nên tập trung vào vấn đề gì để những bất cập như ông đã chỉ ra được hạn chế đến mức thấp nhất?
Theo tôi, khi sửa nghị quyết này thì phải quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan trình dự án. Nghĩa là không chỉ là báo cáo đầu tư chỉ để xin chủ trương mà phải đầy đủ luận chứng về kinh tế kỹ thuật. Tránh tình trạng đại biểu phải quyết cái điều mình không hiểu rõ và không yên tâm về quyết định của mình. Quyết như thế, chắc chắn dân chê trách đại biểu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate