Giá khí đốt tại thị trường châu Âu tăng vọt trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, sau khi Đức xác nhận tạm dừng quy trình phê chuẩn Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc) – một dự án đường ống dẫn khí đốt gây tranh cãi để vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Trong một tuyên bố, cơ quan quản lý thị trường năng lượng Đức cho biết không thể phê chuẩn công ty vận hành đường ống Nord Stream 2 như một đơn vị vận hành độc lập, với lý do công ty này có trụ sở đặt ở Thuỵ Sỹ thay vì ở Đức.
“Qua quá trình kiểm tra kỹ lưỡng các tài liệu, nhà chức trách kết luận rằng chỉ có thể phê chuẩn một nhà vận hành đường ống Nord Stream 2 nếu nhà vận hành đó được tổ chức dưới dạng hợp pháp theo luật của Đức”, tuyên bố có đoạn.
Giá khí đốt giao sau tại thị trường châu Âu ngay lập tức tăng 10%, gia tăng sức ép lên các hộ gia đình và doanh nghiệp vốn đang phải gánh những hoá đơn năng lượng cao hơn nhiều so với trước đây. Các nhà giao dịch năng lượng đã cảnh báo về nguy cơ phải cắt điện luân phiên ở châu Âu nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường.
Quyết định của Đức được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga về vấn đề Ukraine và cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan.
Khí đốt nhập khẩu từ Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của châu Âu. Nord Stream 2, đường ống không đi qua Ukraine mà kết nối trực tiếp giữa Nga với Đức, được xây dựng xong vào tháng 9 năm nay, bất chấp sự phản đối suốt nhiều năm từ các quốc gia gồm Mỹ. Các nước này cho rằng Nord Stream 2 sẽ gia tăng ảnh hưởng của Moscow tại châu Âu.
Phát biểu hôm 15/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng EU đang đối mặt với môt sự lựa chọn, giữa một bên là đứng về phía Ukraine và một bên là phê chuẩn Nord Stream 2.
“Chúng tôi hy vọng rằng những người bạn ở châu Âu sẽ nhận ra rằng họ sắp phải lựa chọn giữa một bên là phụ thuộc mãi mãi vào hydrocarbon từ Nga chảy qua đường ống mới khổng lồ này, và một bên là đứng về phái Ukraine và thúc đẩy hoà bình và ổn định”, ông Johnson nói trong một bài phát biểu ở London.
Nga đã phủ nhận việc giảm cung cấp khí đốt cho châu Âu trong năm nay với mục đích tạo ra một đòn bẩy chính trị cho mình, nhưng Phó thủ tướng Nga Alexander Novak vào tháng trước nói rằng “việc sớm hoàn tất quy trình phê chuẩn” đường ống Nord Stream 2 sẽ giúp “giải quyết tình trạng hiện nay”.
Giá khí đốt đã tăng vọt trong năm nay ở châu Âu, khu vực mà loại nhiên liệu này đóng một vai trò quan trọng trong phát điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà. Các chuyên gia đầu ngày đã cảnh báo về nguy cơ thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa đông năm nay, từ trước khi có tin từ Đức ngày 16/11. Trong vòng 1 năm, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp 5,5 lần.
“Chúng tôi hiện không có đủ khí đốt, thực sự là như vậy. Chúng tôi không tích trữ được khí đốt cho thời gian mùa đông”, CEO Jeremy Weir của công ty giao dịch năng lượng Trafigura cho biết. “Bởi vậy, có một mối lo thực sự là nếu mùa đông năm nay lạnh hơn bình thường, châu Âu có thể phải cắt điện luân phiên”.
Cơ quan quản lý năng lượng Đức cho biết Nord Stream 2, đường ống thuộc sở hữu của tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom, có kế hoạch mở một chi nhánh ở Đức để sở hữu và vận hành đoạn đường ống đi qua Đức. Một khi các tài sản chính và nhân sự được chuyển giao cho chi nhánh này, và chi nhánh thoả mãn được tất cả các yêu cầu pháp lý liên quan, quy trình phê chuẩn có thể được nối lại.
Ukraine hoan nghênh quyết định của Đức về tạm dừng quy trình phê chuẩn Nord Stream 2. Tuy nhiên, nước này kêu gọi phương Tây cảnh giác với điều mà Kiev gọi là “trò lừa của Gazprom” khi công ty Nga tuyên bố thành lập chi nhánh ở Đức.
“Đây là một sự chế nhạo các quy định của châu Âu, không phù hợp với quy định của châu Âu về phê chuẩn các đường ống dẫn khí đốt”, CEO Yuriy Vitrenko của công ty khí đốt quốc doanh Ukraine Naftogaz phát biểu. “Đặc biệt, chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ áp các biện pháp trừng phạt theo luật Mỹ lên nhà vận hành Nord Stream 2, đơn vị mà Gazprom tuyên bố sẽ thành lập. Những biện pháp trừng phạt mới này nên duy trì cho tới khi ít nhất Nga thôi dùng khí đốt như một vũ khí và phải tuân thủ các quy định của châu Âu”.