Ủng hộ rất mạnh mẽ, không ủng hộ cũng rất quyết liệt, phiên thảo luận của Quốc hội sáng nay về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam chứa đựng nhiều cung bậc của lý lẽ và của cả cảm xúc.
Theo phân tích của một số vị đại biểu, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp. HCM là ý tưởng đẹp, là ước mơ, nhưng muốn biến ước mơ thành hiện thực thì còn phụ thuộc vào thực lực.
Không ít ý kiến khác lại cho rằng, việc này hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam, dù có phải đi vay nhiều chục tỷ USD.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Lương Phan Cừ nhấn mạnh, đường sắt cao tốc là dự án đặc biệt lớn, không chỉ được dư luận trong nước mà kể cả Việt kiều hết sức quan tâm. Sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án này có trách nhiệm, phân tích nhiều vấn đề, nhiều lý giải khá thuyết phục. “Tôi cho rằng việc đầu tư dự án là cần thiết, chưa nói là chậm”.
“Qua tiếp xúc với cử tri ở tỉnh Hà Nam, cử tri đều bày tỏ sự phấn khởi và đồng tình cao với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc”, đại biểu Trần Tiến Cảnh tiếp lời. Theo ông Cảnh thì “những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao”. (IQ, viết tắt của "Intelligence Quotient", tức chỉ số thông minh - PV).
“Tôi xin nói thật với Quốc hội là chỉ số IQ của tôi hơi thấp, cho nên chắc chắn tôi không tán thành dự án này”, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kết lại phần phát biểu của mình, sau khi đưa ra hàng loạt lý lẽ để chứng minh sự không cần thiết của nó. “Có một số đại biểu ví von là dự án đường sắt này sẽ “đánh thức nàng tiên ngủ trong rừng”. Tôi thấy ví von rất lãng mạn, nhưng tôi rất hồi hộp xem câu đầu tiên mà nàng tiên lúc mở mắt ra nói gì? Chắc là sẽ hỏi: anh ơi, tiền đâu?”, ông Thuyết hài hước.
Theo ông, âm hưởng chủ đạo của tất cả văn bản liên quan đến dự án là bác bỏ mọi giải pháp phát triển giao thông, mọi giải pháp phát triển đường sắt để áp đặt vị trí độc tôn của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Thủ tục thẩm tra thẩm định dự án, theo ông không đảm bảo khách quan, vì lập dự án là liên doanh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản, thẩm định dự án liên doanh tư vấn lại là Nhật Bản - Việt Nam. “Sự ưu ái của vua Hùng Vương đối với Sơn Tinh trong truyện cổ tích còn tế nhị hơn nhiều”, ông nói.
Ông Thuyết đề nghị Quốc hội tiếp tục theo dõi sau khi thông qua chủ trương thì ai sẽ trúng thầu, sẽ biết ở đây có chuyện khách quan hay không.
Điều nữa khiến ông thiếu tin tưởng là vì toàn bộ các thành viên của hội đồng thẩm định nhà nước mà không có bất kỳ một chuyên gia nào về đường sắt mà toàn là quan chức, gồm một đồng chí bộ trưởng, và tám đồng chí thứ trưởng.
Còn để xem hiệu quả của dự án thế nào, ông đề nghị “hãy mời các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư theo kiểu BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) xem có ai chấp nhận không. Thậm chí Quốc hội sẵn sàng đề nghị Chính phủ miễn thuế 10 năm đầu cho dự án này chắc chắn không có nhà đầu tư nào vào đầu tư BOT ở đó cả”.
“Ủng hộ hay không ủng hộ thì cũng chỉ vì sự phát triển đi lên của đất nước mà thôi, do đó hết sức bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau, không khéo thì ông tán thành thì coi như chỉ số IQ cao, ông không tán thành coi như chỉ số IQ thấp, đâm ra không hay”, đại biểu Nguyễn Bá Thanh phát biểu.
Theo “phát hiện” của ông Thanh thì trong dự án không thấy đề cập hàng nghìn cầu vượt và hầm chui, lại thêm hàng rào hai bên thì cũng đã ngót nghét gần 10 tỷ USD, đề nghị phải đưa hết vào trong dự án.
“Tôi tán thành cho làm trước hai đoạn Hà Nội - Vinh và Tp.HCM - Nha Trang, nhưng nên rút ngắn thời gian hoàn thành dự án. Đường sắt cao tốc chỉ phát huy tác dụng khi nào thông tuyến, khi nào đi ngang Đà Nẵng thì lúc đó mới có hiệu quả”, vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Đánh giá rất cao tư duy trong dự án về đường cao tốc Bắc - Nam, “nhưng tôi thấy có lẽ chúng ta chưa nên làm mà hãy để đến năm 2020”, đại biểu Nguyễn Văn Thuận kiên trì quan điểm mà ông đã phát biểu ở tổ.
Lý do ông “chưa ủng hộ chủ trương ngay tại kỳ họp này và kể cả trong nhiệm kỳ này và một vài nhiệm kỳ tới” cũng giống như nhiều ý kiến của các đại biểu khác đó là chúng ta phải xem tiềm lực kinh tế và năng lực quản lý điều hành của chúng ta như thế nào.
“Không ai cấm chúng ta ước mơ, trong những năm 80 của thế kỷ trước chúng ta đã đưa người lên vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là tiềm lực kinh tế của Việt Nam và khả năng chiếm lĩnh khoa học công nghệ của chúng ta lúc bấy giờ và ngay bây giờ chúng ta đã ở tầm vũ trụ”, ông Thuận nói.
Theo phân tích của ông, chúng ta muốn làm thì phải đi vay, chắc là vay Nhật Bản, World Bank hay ADB, nhưng ADB và World Bank đã từng cảnh báo "chớ leo cao ngã đau". “Đã có ai trong chúng ta ngồi đây dự báo được trong 10 - 20 năm tới kinh tế Nhật Bản sẽ phát triển theo hướng nào, đi lên hay đi xuống hay dậm chân tại chỗ?”, ông đặt câu hỏi.
Trước những ý kiến trái ngược đan xen, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng đây là quyết định rất khó khăn. Nhưng, “cá nhân tôi phải có chính kiến rõ ràng tại kỳ họp này, không để cho kỳ họp nào khác hay để cho Quốc hội nào khác”.
Và, ông Lịch đề nghị đồng ý chủ trương cho thiết kế lập đề án, Chính phủ phải giải trình thêm, báo cáo Quốc hội trong quá trình thực thi và nên chọn hình thức hợp tác công - tư (PPP), xác định phần nhà nước hỗ trợ, còn lại khai thác theo hướng đa dạng hóa các doanh nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate