VnEconomy tổng hợp những phát biểu đáng chú ý trong phiên thảo luận ngày 8/6 tại Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Đánh thức "nàng tiên" đang ngủ
Đại biểu Lương Phan Cừ - Đắc Nông
"Cơ cấu kinh tế đang chuyển đổi theo hướng tăng dịch vụ, trong đó chú trọng đến dịch vụ du lịch, phát huy thế mạnh của bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam với hơn 3.000 km với khí hậu ấm áp quanh năm, nhất là khu vực miền Trung với nhiều bãi biển xinh đẹp, ấm áp. Điều thiên phú này nhiều nước phải mơ ước.
Thưa các đồng chí, có nhiều nước người ta chỉ mong có một chỗ để người ta mang cát về người ta làm bãi tắm thôi cũng không có. Trong lúc đó của chúng ta như những cô gái, những "nàng tiên" đang ngủ mà chúng ta chưa đánh thức dậy như đại biểu Võ Thị Thủy - Bình Định đã phân tích kỹ.
Có giao thông thuận tiện, đường sắt cao tốc chạy qua 20 tỉnh dọc theo đường biển miền Trung, các "nàng tiên" sẽ được đánh thức, kho báu được khai thác. Tiềm năng du lịch sẽ góp phần phát triển một vùng đất khó khăn còn nghèo khó và thúc đẩy phát triển ở các vùng trọng điểm kinh tế, xã hội ở hai đầu đất nước".
Một công trình gây gánh nặng cho đời con cháu
Đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái
"Nguồn vốn đầu tư cho dự án này lại là quá lớn, đến 55 tỷ USD, một khoản kinh phí khổng lồ chiếm đến 2/3 GDP của Việt Nam mà hiện nay tỷ lệ nợ đọng Chính phủ đã lên tới 42% GDP để mang về một công trình quá đắt và gây gánh nặng cho đời con cháu mai sau sẽ phải trả, trong khi nợ quốc gia đang dần đến tiệm cận sát đến ngưỡng an toàn.
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM có thời gian đầu tư dài, thu hồi vốn lại kéo dài đến 45 năm thì hiệu quả kinh tế là quá thấp, tiền vé lại cao gần bằng tiền vé máy bay thì không thể phục vụ đa số người dân được. Nếu so sánh với Nhật Bản khi làm đường cao tốc thì số tiền quốc gia của nước này bỏ ra khoảng 2-3% GDP, song họ làm toàn bộ chủ đầu tư về thiết kế về thi công xây dựng".
Có IQ cao thì có đường sắt cao tốc
Đại biểu Trần Tiến Cảnh - Hà Nam
"Thế giới có Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Thụy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Bỉ đã có đường sắt cao tốc, Brazil, Nga, Indonesia đang triển khai. Tôi thấy những nơi có chỉ số IQ cao thì họ có đường sắt cao tốc, Việt Nam ta cũng có chỉ số IQ cao. Gần ta Trung Quốc họ làm nhiều đường sắt cao tốc. Việt Nam hội đủ các yếu tố về sự cần thiết, về địa hình, nhu cầu đi lại hai miền rất lớn và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Khi Quốc hội quyết định chủ trương dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng không ít ý kiến băn khoăn về việc huy động vốn. Về việc phát triển điện hạt nhân chỉ được thực hiện ở không nhiều quốc gia nhưng chúng ta vẫn quyết định trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, xuất phát từ sự cần thiết và cơ sở khoa học về sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đường sắt cao tốc có nhiều ưu điểm về kinh tế kỹ thuật, tốc độ nhanh, ô nhiễm môi trường nhẹ, độ thoải mái cao. Điều quan trọng nhất là đi tàu rất an toàn, tôi đã được đi một số tuyến đường tàu cao tốc ở nước ngoài. Một học sinh có thể yên tâm đi tàu đến trường, một bà mẹ có thể đi tàu đến cửa hàng. Đường sắt cao tốc đích thực là phương tiện đi lại tốt nhất trong tương lai".
Có khả năng lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng
"Theo tính toán của Chính phủ đầu tư cho giao thông vận tải mới khoảng 7%, trong khi thông lệ quốc tế là 15%. Vì vậy, dự án nằm trong khoảng an toàn cho phép của Chính phủ mà không ảnh hưởng tới các đầu tư khác về nền kinh tế.
Đường sắt cao tốc sẽ góp phần giảm tải đường bộ, giảm tải ùn tắc, giảm tỷ lệ giao thông khoảng 20% và thúc đẩy giao lưu các vùng, miền. Dự án có khả năng lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn. Với sự phân tích và tính toán như trên của Chính phủ, tôi hoàn toàn đồng ý về mặt chủ trương, vì tất cả các rủi ro đặt ra là để nghiên cứu kỹ hơn, để tìm biện pháp tối ưu mà khắc phục".
Ý tưởng đẹp nhưng cần khảo sát kỹ hơn
Đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang
"Bao giờ bệnh viện ung bướu, các bệnh viện của tỉnh, khu, bệnh viện nhi không còn cảnh chen chúc hai bệnh nhận nằm cùng một giường? Bao giờ đến mùa khô không còn mất điện?
Câu hỏi "bao giờ" đặt ra cho các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, nông dân, nông thôn... theo tôi cần tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại, gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững.
Dự án đường sắt cao tốc là ý tưởng đẹp cần có thời gian khảo sát, phân tích kỹ hơn, cần có thời gian mời chào các nhà đầu tư tham gia, hạn chế mức chi phí, hạn chế mức thấp nhất sử dụng ngân sách để đầu tư. Tôi đề nghị giao cho Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định đầu tư".
Quốc hội nên chỉ cho ý kiến về chủ trương ở một số vấn đề cơ bản
Đại biểu Hoàng Văn Toàn - Vĩnh Phúc
"Ở kỳ họp này chúng ta đồng ý chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc với những nội dung cụ thể đã xác định được, ví dụ tên của dự án, điểm đầu, cuối, hướng, tuyến, phương án cơ bản để lựa chọn công nghệ, giải pháp vốn làm cơ sở pháp lý để Chính phủ, chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Sau khi các báo cáo nghiên cứu khả thi giải quyết cơ bản những vấn đề mà cử tri, đại biểu Quốc hội, nhân dân, các nhà khoa học quan tâm thì Chính phủ báo cáo chính thức, Quốc hội cho ý kiến khởi công xây dựng. Hôm nay chúng ta cho ý kiến 56 tỷ, nhưng 5 - 7 năm nữa báo cáo chính thức có thể con số quyết của Quốc hội không phải là 56 tỷ.
Tôi đề nghị hôm nay chúng ta chỉ cho ý kiến về chủ trương ở một số vấn đề cơ bản. Còn lại khi báo cáo nghiên cứu được lập một cách tương đối tỉ mỉ, chính xác thì Quốc hội cho ý kiến chính thức và khởi công xây dựng".
Vì phát triển chậm nên phải đi tắt đón đầu
Đại biểu Đào Xuân Nay - Bình Thuận
"Đầu tư cho ngành đường sắt không chỉ đem lại lợi ích riêng cho ngành đường sắt, mà là lợi ích cho toàn xã hội và cho cả đất nước. Triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần quan trọng về cơ sơ hạ tầng và kích cầu thúc đẩy sản xuất ngành công nghiệp trong nước, tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng dự án.
Tôi đồng tình việc đầu tư cho ngành đường sắt hiện nay, nhưng do ta đang khó khăn về vốn nên cần phải có chiến lược đầu tư lâu dài, song đã là đầu tư cần phải giải quyết mang tính đột phá đi thẳng vào hiện đại, quy mô lớn. Vì chúng ta phát triển chậm nên phải đi tắt đón đầu, có thể trước mắt chưa thấy hiệu quả nhưng lâu dài sẽ là thiết thực và hiệu quả như tính quyết đoán và hiện thực của đường dây 500 Kv là một minh chứng.
Nếu vì khả năng hoặc chỉ làm theo lộ trình nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, sau đó tiếp tục mở rộng và nâng cấp từ 120 lên 200 rồi đến 300 km/giờ sẽ kéo dài và hiệu quả thấp".
Nhiều ý kiến trái ngược nhau là tất yếu
Đại biểu Trần Văn - Cà Mau
"Đối với tôi dự án đường sắt cao tốc Hà Nôi - Tp.HCM đang được nghiên cứu là một cơ hội để rà soát lại tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông của nước ta cho giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng trong những năm tới.
Việc có nhiều ý kiến trái ngược nhau là tất yếu, ai cũng mong muốn để các nguồn lực của đất nước được sử dụng có hiệu quả nhất, tạo thành hiệu ứng lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Việc Quốc hội chấp thuận chủ trương để Chính phủ tiếp tục nghiên cứu khả thi dự án đường sắt cao tốc Hà Nôi - Tp.HCM là nên làm. Có tính đến ý kiến đóng góp quý báu ngày hôm nay từ tất cả các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia trong và ngoài nước. Phương án tối ưu về kinh tế, tài chính, xã hội môi trường và quốc phòng, an ninh quốc gia chắc chắn sẽ được xác định một cách khoa học trong giai đoạn này".
Hội đồng thẩm định hóa ra toàn quan chức
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Lạng Sơn
"Đọc tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tôi mới vỡ lẽ ra là toàn bộ các thành viên của hội đồng thẩm định nhà nước mà chúng tôi rất tin tưởng, hóa ra không có bất kỳ một chuyên gia nào về đường sắt, đấy toàn là quan chức thôi, 1 đồng chí Bộ trưởng và 8 đồng chí Thứ trưởng. Nếu như thế thì có khác gì Chính phủ thu nhỏ, quyết định của hội đồng thẩm định nhà nước ấy với Chính phủ khác gì nhau?
Trong hội đồng thẩm định ấy thì Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là thành viên, hai cơ quan trình dự án là chủ tịch và thành viên của hội đồng. Như thế tôi không hiểu có giống trường hợp nghiên cứu sinh lại trong thành viên hội đồng chấm luận án hay không, làm sao đảm bảo khách quan được.
Trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước có hai đại diện là hai ủy ban của Quốc hội, trong đó có đồng chí chủ trì thẩm tra dự án này của Quốc hội. Bây giờ ông chủ trì dự án thẩm tra đã bỏ phiếu thống nhất trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước thì làm sao Quốc hội còn khách quan được nữa".
Đánh đế quốc lớn mà chúng ta còn vượt qua được
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - Hà Nội
"Tôi cho đây là một dự án đầu tư cho tương lai, đầu tư cho phát triển. Tại sao 50 - 60 tỷ Đô la đầu tư lại mất đi khi con cháu chúng ta, thế hệ mai sau được hưởng lợi và kinh tế phát triển từ đó, đây là việc không mất, tại sao chúng ta nghĩ bỏ đi mất. Tôi cho rằng đây là đầu tư cho sự phát triển, đã là đầu tư cho sự phát triển thì con cháu chúng ta nói lời cám ơn những người ngồi đây hôm nay đã nghĩ cho tương lai con cháu chúng ta.
Mặc dù khó khăn, thiếu vốn nhưng khó khăn nhất là một dân tộc yếu đánh đế quốc lớn mà chúng ta còn vượt qua được bằng xương máu, bằng trí tuệ. Việc này chúng tôi nghĩ tại sao phải chùn bước trước 56 tỷ Đô la và lộ trình không phải là ngắn mà dài, thu lợi ở đó không phải là ít mà sẽ là nhiều trong tương lai. Tất nhiêu so sánh như vậy là khập khiễng, nhưng tôi hiểu chúng ta phải nghĩ đến một dự án đầu tư cho phát triển, cho tương lai".
Không đầu tư cũng là có lỗi với con cháu
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh - Đà Nẵng
"Về dự án đường sắt cao tốc mà được quan tâm đặc biệt của dư luận, tôi cho điều đó cũng là bình thường. Vì đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, như các vị đã biết. Tôi cho rằng người ủng hộ tán thành để xây dựng đường sắt cao tốc cũng như người chưa ủng hộ tán thành, thậm chí không ủng hộ tán thành cũng vì sự phát triển đi lên của đất nước mà thôi. Do đó mà chúng ta hết sức bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau, không khéo chúng ta thảo luận, ông nào phát biểu tán thành thì coi như chỉ số IQ cao, ông không tán thành coi như chỉ số IQ thấp, đâm ra không hay...
Đường sắt cao tốc sẽ thu hồi vốn chậm, nhưng nếu có thì nó sẽ có sức lan tỏa, kích hoạt sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mang lại lợi ích cho nhiều ngành khác nữa không phải chỉ riêng cho ngành đường sắt. Nói 56 tỷ Đô la nhưng ta đâu có bỏ ra cùng một lúc, ta làm từng đoạn và chia ra làm nhiều năm, nhanh hay chậm còn tùy tình hình kinh tế của đất nước.
Đầu tư lãng phí, để lại nợ nần là có lỗi với con cháu, nhưng để một đất nước chậm tiến lạc hậu để hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc - Nam rất xập xệ, xuống cấp trong ba bốn chục năm, giao thông đi lại với tốc độ rùa bò, từ Hà Nội đi Thanh Hóa có 150 cây số mà hơn 4 tiếng đồng hồ, mỗi năm 7.000-8.000 người chết và bị thương, đó cũng là có lỗi với thế hệ con cháu mai sau".
Chỉ băn khoăn quản lý vốn như thế nào
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân - Khánh Hoà
"Trong vấn đề vay vốn chúng tôi chỉ băn khoăn việc quản lý vốn như thế nào. Tại vì lâu nay chúng ta nói là thất thoát trong xây dựng cơ bản có khi lên đến 30-40% thì với 56 tỷ USD này thì chúng tôi cũng chưa biết là nó sẽ thất thoát bao nhiêu.
Cái này cũng báo cáo thật với các đại biểu là người dân và bản thân đại biểu Quốc hội chúng ta cũng rất trăn trở với cách xây dựng như thế này... Do đó chúng tôi đề nghị việc huy động vốn, vay vốn và giải quyết việc thi công phải đảm bảo và chống thất thoát mà khâu quản lý thực sự là chắc chắn".
Xem như của hồi môn để thế hệ con cháu sẽ làm
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Quảng Nam
"Là một người lạc quan, xin báo cáo với Quốc hội, tôi từ những năm ngoài 20 tuổi tôi đã được Đảng và nhân dân cho ăn học, đã có hàng chục năm ở nước ngoài, tiếp cận với những nước, công nghệ, hạ tầng giao thông thuộc loại bậc nhất trên thế giới. Nhưng phải thú thực tuy đánh giá cao dự án này, nhưng tôi thấy có lẽ chúng ta chưa nên làm.
Ý kiến cá nhân của tôi hãy để đến năm 2020 khi đất nước chúng ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, con cháu chúng ta lúc đó thông minh hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta chắc chắn chúng sẽ tính. Dự án này về mặt khoa học, về mặt thực tiễn như thế nào thì chúng ta hãy xem như chúng ta đã suy nghĩ trước các con cháu và xem nó như của để dành, xem nó như của hồi môn để thế hệ con cháu sẽ làm....
Tôi suy nghĩ mãi vì sao đất nước chúng ta trong nhiều chục năm nay đang có rất nhiều vấn đề, nhưng chưa khi nào Chính phủ trình ra Quốc hội những dự án vấn đề kinh tế dường như suy nghĩ hôm nay, ngày hôm sau đã đưa ra quyết định ở Quốc hội. Những vấn đề giáo dục là quốc sách hàng đầu từ những năm 80 khi ban hành Hiến pháp, đến năm 1992 khi sửa Hiến pháp chúng ta khẳng định cùng với giáo dục, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, tất cả những nội dung đó hay những dự án đó không sinh lời ngay? Tôi không phủ nhận về kinh tế nhưng rõ ràng đây là điều trăn trở tôi chưa có lời giải đáp".
Ai là người làm dự án, ai là người tư vấn, ai là người bán công nghệ?
Đại biểu Lê Thị Dung - An Giang
"Về vấn đề chủ trương thì tôi nghĩ rằng tất cả các đại biểu, đa số không ai không đồng tình chủ trương việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, vì đây cũng là chiến lược phát triển đã được Chính phủ phê duyệt trong việc phát triển giao thông vận tải tới năm 2020 và tầm nhìn năm 2030, chỉ có điều băn khoăn ở đây đó là tính khách quan sự khả thi của nó và việc thực thi trong thế hệ tương lai như thế nào.
...Chúng tôi đặt câu hỏi ai là người làm dự án, ai là người tư vấn, ai là người bán công nghệ và có lợi ích như thế nào, và đã được đánh giá tác động phản biện của các ngành chuyên gia độc lập chưa? Câu hỏi này luôn luôn gắn với tôi khi tôi theo dõi thì các đại biểu cũng đã nói thì cũng là giải đáp được một phần nào, nhưng phải nói thực sự là chúng tôi cũng chưa yên tâm với sự khách quan này".
Có rủi ro, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đại biểu Ngô Thị Minh - Quảng Ninh
"Xin đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về phương án đối phó của Chính phủ về hiệu quả kinh tế của dự án, nếu như khả năng xảy ra rủi ro sau 25 năm, bởi vì đây cũng là nhiều vấn đề sẽ không tránh khỏi biến động khó lường, ví dụ tăng vốn đầu tư, tăng khối lượng cũng như đơn giá xây dựng cơ bản. Giả sử tình huống rủi ro mà bài toán hiệu quả kinh tế của Chính phủ không thể đối phó được thì trách nhiệm thuộc về ai, các thành viên của hội đồng thẩm định có phải chịu trách nhiệm gì không?
Ví dụ việc chậm tiến độ của tòa nhà Quốc hội, việc xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, việc bố trí tái định cư cho người dân ở các công trình thủy điện Sơn La trong thời gian vừa qua mà nhiều cử tri cũng như nhiều đại biểu Quốc hội chúng tôi chưa rõ nguyên nhân do đâu và cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó".
Con cháu sẽ tự hào về những gì ông cha quyết định
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Thừa Thiên - Huế
"Thưa các vị đại biểu Quốc hội, năm kia khi chúng ta quyết định phóng vệ tinh Vinasat 1 nhiều người phản đối, kể cả một số đại biểu Quốc hội và nhiều nước bạn phản đối cho rằng đó là một việc làm không kinh tế mà nên thuê của bạn, vì thế giới tại thời điểm đó chỉ có 29 nước có vệ tinh phóng lên vũ trụ mà thôi, nhưng chúng ta đã quyết tâm làm và đã thắng lợi. Vinasat 1 có hiệu quả nhanh hơn dự đoán ban đầu 2 năm và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang chuẩn bị tích cực cho Vinasat 2, chúng ta đang từng bước trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và viễn thông.
Năm ngoái, Quốc hội thông qua dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, sau đó Chính phủ thành lập ban chỉ đạo quốc gia và đang chuẩn bị rất tích cực cho việc khởi công nhà máy. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trong lĩnh vực này, tôi thực sự tự hào. Lần này Quốc hội thảo luận về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM, với nhiều dự án thành phần hoàn chỉnh.
Thời gian đã hết, tôi xin nói một câu cuối là tôi nhớ đến bài hát năm xưa, "tự hào biết bao những cô gái, tự hào những chàng trai tuổi thanh niên, sức như Phù Đổng, cháu con Bác Hồ đi mở đường, thống nhất quê hương". Với quyết định hôm nay của chúng ta, tôi tin chắc rằng sẽ có những bài hát tình cảm hơn, thắm thiết hơn, sâu sắc hơn để con cháu chúng ta hát, nhớ và tự hào những gì thế hệ ông cha của các cháu đã quyết định".
Quyết định rất khó khăn
Đại biểu Trần Du Lịch - Tp.HCM
"Thưa Quốc hội, có lẽ với đại biểu Quốc hội, đây là quyết định rất khó khăn. Cho tới nay chúng tôi nhận rất nhiều thông tin, tham gia hội thảo, đọc trên mạng, thậm chí hàng chục tin nhắn, mail gởi cho cá nhân, tôi xin nói thật nhiều ý kiến còn băn khoăn rất nhiều, thậm chí có người bảo tôi đừng ủng hộ, việc này là xài sang...
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội khi Chính phủ trình một dự án lớn, lâu nay chúng ta thường nói là chúng ta làm nhiệm kỳ không nghĩ đến dài hạn. Bây giờ đưa một vấn đề dài hạn liên quan đến tương lai đất nước, của thế hệ sau, chúng ta có từ chối trách nhiệm hay là phải nghiên cứu nghe đến chiều để có quyết định vấn đề này. Tôi suy nghĩ theo hướng tích cực dù có sai lầm, bản thân cá nhân tôi phải có chính kiến rõ ràng tại kỳ họp này, không để cho kỳ họp nào khác hay để cho Quốc hội nào khác".
Loại hình đường sắt này không mang tính đại chúng
Đại biểu Hà Tuấn Hải - Phú Thọ
"Về hiệu quả tài chính kinh tế sau của dự án, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, tôi nhận thấy tính năng sử dụng của loại đường cao tốc còn hạn chế, chỉ phục vụ cho việc chuyên chở hành khách với hành lý xách tay gọn nhẹ, trong khi nhu cầu của người dân đi xa không chỉ là người mà còn cả hàng hóa. Hơn nữa giá vé của loại hình này còn cao so với thu nhập của đại đa số người dân.
Do vậy loại hình đường sắt này không mang tính đại chúng mà chỉ dành cho những người có thu nhập khá của xã hội, còn số đông người dân nghèo và học sinh, sinh viên ít có khả năng để sử dụng loại phương tiện này".
Nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu
Đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá
"Đề nghị Quốc hội tán thành thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư tại kỳ họp này, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo làm báo cáo khả thi của dự án. Tuy nhiên, tôi đề nghị trước hết cần có thời gian chuẩn bị tiến hành giải phóng mặt bằng, thu xếp nguồn vốn, nên chỉ tập trung xây dựng thí điểm một đoạn ngắn khoảng 150 cây số như lời khuyên của tư vấn Nhật Bản.
Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành đoạn tiếp theo, chúng ta nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, làm nhanh từng đoạn và đưa vào khai thác ngay để phát huy hiệu quả, như vậy chúng ta sẽ vừa có đường sắt cao tốc lại vừa đảm bảo an ninh tài chính, vừa không để các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng lớn do đầu tư quá sức vào đường sắt cao tốc".
Khi người ta trúng thầu rồi thì đó là quyền của người ta
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh
"Chúng ta có một hy vọng là chúng ta sẽ tiêu thụ được xi măng, sắt thép và một số sản phẩm của Việt Nam, tuy nhiên điều này cũng không chắc chắn, nếu như chúng ta vẫn làm theo cách hiện nay. Vì tôi biết cầu Cần Thơ và một số công trình vốn ODA khác chúng ta cũng không tiêu thụ được bao nhiêu, cầu Cần Thơ là xi măng của Thái Lan và sắt thép là của một số nước, vì khi người ta trúng thầu rồi thì đó là quyền của người ta.
Chúng ta cũng không thể chào thầu tự do và cạnh tranh trong những công trình ODA, vì nước viện trợ ODA luôn luôn đặt điều kiện là chỉ có những công ty của nước đó mới được tham gia gói thầu này thôi.
Đó là lý do tại sao một đất nước nợ lên tới 200% GDP mà vẫn sẵn sàng cho nước khác vay, vì số vay này lãi thấp nhưng những điều thu được nhiều hơn số lãi gấp nhiều lần, giải quyết công ăn việc làm cho các công ty, giải quyết lương cho các chuyên gia, lợi nhuận trong vấn đề xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì... tất cả nguồn lợi này họ thu lại và con số đó lớn hơn rất nhiều so với lãi suất mà chúng ta phải trả".
Thông tin đầy đủ để chống xuyên tạc, kích động
Đại biểu Phan Văn Tường - Thái Nguyên
"Cần thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, toàn diện, đặc biệt là đánh giá một cách khách quan cả mặt tích cực và tiêu cực, cả thuận lợi và khó khăn của dự án. Vì những dự án được thông qua Quốc hội ngoài khẳng định vị trí, tầm quan trọng đối với sự phát triển, cần đến sự đồng thuận của đa số đại biểu Quốc hội và đông đảo nhân dân. Từ đó xây dựng được quyết tâm, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở nguyên tắc hoạt động của Quốc hội với niềm tin càng cao, tính chủ động, tích cực, khó khăn càng lớn giúp đỡ nhau các vùng miền để thực hiện thành công thắng lợi mục tiêu của dự án.
Thông tin đầy đủ kịp thời cũng là cơ sở để nhân dân chống lại việc lợi dụng để xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ngay từ cơ sở. Nhất là những dự án lớn làm cho một bộ phận không nhỏ người dân phải hy sinh quyền lợi hoặc tập quán vì mục đích chung".
Dự án có dấu hiệu rất kém hiệu quả
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang
"Dự án chưa phác thảo đầy đủ chính xác những rủi ro tài chính của dự án phát sinh có thể xảy ra, tổng khái toán, xuất đầu tư cao có thể vượt rất xa so với khái toán và bứt cao ở mức nào thì chúng ta không thể trả lời được. Từ đó chúng ta thấy rằng dự án chưa có tính thuyết phục cao để có cơ sở, cho Quốc hội quyết định thời điểm đầu tư.
Tuy nhiên, qua khái toán vận hành và vận hành của dự án cho thấy dự án có dấu hiệu rất kém hiệu quả, suất đầu tư cao tăng hơn 10,4% suất đầu tư của đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải, thu hồi vốn dài trên 45 năm và có thể kéo dài hơn. Tỷ lệ nội hoàn dưới mức tối thiểu của lãi suất ngân hàng là 12%.
Bên cạnh đó tôi chưa thống nhất giải pháp của dự án để thúc đẩy tính khả thi của dự án là áp dụng yếu tố tăng giá nguyên liệu vận tải của đường bộ và đường hàng không. Tôi cho rằng giải pháp này sẽ phá vỡ sự liên kết, sự đồng bộ toàn ngành giao thông của đất nước ta và nhất là tạo áp lực không tốt cho người sử dụng dịch vụ vận tải khác".
Nếu chỉ nghe báo cáo thì giơ cả hai tay đồng tình
Đại biểu Phạm Quốc Anh - Đồng Nai
"Tôi đánh giá cao tờ trình của Chính phủ, đặc biệt là báo cáo bổ sung của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tôi cho những bản báo cáo đó đầy sức thuyết phục, nếu chỉ nghe những bản báo cáo đó thôi thì tôi giơ cả hai tay đồng tình.
Vừa đáng tiếc, vừa vui mừng vì tôi nhận được nhiều thông tin của những đồng chí có tên tuổi, am hiểu trong lĩnh vực này, ví dụ của GS.TS Đào Đình Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; TS. Vương Đình Minh, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; GS.TS Bạch Trọng Hà, người có 5 năm giảng dạy tại trường đường sắt Moskva và là người năm 1988 được Liên Xô phong học hàm giáo sư của Liên Xô.
Tất cả các anh đều rất tâm huyết và đều đi kết luận chung là dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa chính xác, thiếu hiện thực, không khả thi, gây lãng phí lớn và hiện nay chưa phải lúc chủ trương làm đường sắt cao tốc. Tôi thực sự phân vân".
Dư nợ quốc gia sẽ lên bao nhiêu?
Đại biểu Vũ Hoàng Hà - Bình Định
"Trong cùng một giai đoạn mà Chính phủ trình Quốc hội quyết quá nhiều những công trình trọng điểm mà lượng vốn rất lớn, nhưng việc này nhiều đồng chí đã nói rồi.
Tôi tính sơ sơ 5 dự án mà mất trên 200 tỷ Đô la, chưa nói đến việc như sáng nay ý kiến của đồng chí Trần Du Lịch nói rằng Chính phủ đã quyết từ nay đến năm 2035 là 280 tỷ Đô la nữa. Như vậy tôi không biết từ nay đến sau năm 2020 dư nợ quốc gia của Chính phủ lên bao nhiêu?
Hiện nay đã trên 42% rồi và nợ nước ngoài đã trên 38% rồi cho nên việc này phải tính toán kỹ. Tôi nghĩ rằng dự án này không phải chỉ 56 tỷ Đô la mà sẽ lên tới hàng trăm tỷ Đô la chứ không phải 56 tỷ Đô la khi chúng ta triển khai".
Đại biểu Quốc hội không thể không tâm tư
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Hà Nội
"Ngay tại kỳ họp này khi Quốc hội bàn về xây dựng đường sắt cao tốc với đầy ước vọng cao sang cho vài chục năm sau, bà con dân tộc và các cháu học sinh ở Kon Tum hàng ngày vẫn phải treo mình trên những đoạn dây mong manh hay ngụp lặn dưới sông mỗi khi không may rơi xuống. Hay các cháu học sinh ở Lạng Sơn phải đi bè, đi mảng đến trường báo chí đưa tin cách đây không lâu.
Tôi chắc rằng nhiều đại biểu Quốc hội không thể không tâm tư, thậm chí rơi nước mắt mỗi khi thấy các cháu đến trường bằng các cách như vậy. Có cơ quan truyền thông hiện đang vận động quyên góp cây cầu cho Kon Tum, không hiểu đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có biết không và sẽ thông tin việc này như thế nào".
Tại sao lại lỡ cơ hội đi vay?
Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng - Tp.HCM
"Có ý kiến tại hội trường này cho rằng nước ta còn nghèo, không nên vay để phát triển đường sắt cao tốc. Tôi lại suy nghĩ khác, theo tôi đã là một nước nghèo chúng ta phải vay để phát triển chứ không có con đường nào khác.
Trong khi đó các tổ chức tài chính quốc tế đã đánh giá là dư nợ quốc gia của ta vẫn trong vòng an toàn. Hàng năm chúng ta vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ, các tổ chức cho vay vẫn tin khả năng trả nợ của Việt Nam vì vậy họ vẫn đang và tiếp tục cho chúng ta vay. Nghĩa là chúng ta - Việt Nam - là con nợ tốt.
Theo tôi chúng ta phải coi đây là một cơ hội, chúng ta phải tận dụng cơ hội này để vay các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển đường sắt cao tốc. Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội này?".
Tư duy của người đi lại bằng tiền Nhà nước
Đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai
"Chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều ý kiến của các vị phát biểu gây cảm giác rằng đây là dự án, là tư duy của những người vẫn đi lại bằng tiền của Nhà nước. Chúng ta thấy rất tiện lợi, chỉ có 5 tiếng là vào đến Tp.HCM làm việc.
Chúng ta cũng thấy có một sự công bằng ghê gớm là ai cũng phải chết, giầu cũng chết, nghèo cũng chết, mỗi ngày chỉ có đúng 24 tiếng đồng hồ, không có thêm một phút, người nhiều tiền thì tiếc thời gian, người ít tiền thì họ không quan trọng thời gian. Cho nên tại sao chúng ta thấy lựa chọn của người dân ngày nay họ sẵn sàng đi cả những phương tiện không an toàn nhưng rẻ tiền.
Vậy xin hỏi 20 năm nữa cho dù chúng ta có ngồi tính GDP là bao nhiêu, 3.000 Đô la/đầu người, nhưng phân bố GDP đó ở đâu, người nghèo còn nhiều không, người sẵn sàng bỏ một món tiền bằng 3/4 giá vé máy bay? Họ có lựa chọn hay không để chúng ta tính toán?".
Dự án dường như chỉ trình bày theo một hướng
Đại biểu Lê Việt Trường - An Giang
"Tôi cảm nhận toàn bộ các thông tin có trong dự án này cũng giống như nhiều đại biểu trước là chưa bảo đảm tính khách quan, dường như chỉ trình bày theo một hướng để bảo đảm thực hiện phương án 4.
Ở đây thể hiện chúng ta chỉ có một nhóm tư vấn của Nhật và 3 thành viên tham gia là Công ty Tư vấn giao thông, Hiệp hội Dịch vụ kỹ thuật đường sắt, Công ty TNHH Nippon Koie. Đại biểu Quốc hội hoàn toàn không có thông tin gì về 3 nhà tư vấn này, không biết về lĩnh vực đường sắt cao tốc này họ có phải là những nhà tư vấn hàng đầu trên thế giới không? Họ đã từng tư vấn những dự án nào cho Nhật Bản, cho nước ngoài và có dự án nào đã lên đến tầm cỡ 56 tỷ Đô la như của chúng ta chưa?
Tất cả những thông tin này đại biểu Quốc hội không có, cho nên khi chúng ta xem xét thì rất khó khăn bởi vì có thêm cả những thông tin khác, nó làm tăng thêm tính không khách quan, đó là tư vấn thiết kế của Nhật Bản hướng sẽ bán cho chúng ta công nghệ cũng là Nhật Bản, cho vay cũng là Nhật Bản".
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate