Trước 300 doanh nghiệp tại cuộc họp khẩn trực tuyến bàn về biện pháp chống “giặc vô hình” Covid-19 diễn ra cuối tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định mục tiêu tối thượng của Vĩnh Phúc là “kiểm soát dịch bệnh nhưng không cản trở doanh nghiệp hoạt động, cản trở dòng chảy hàng hóa”.
“Song chúng tôi thực sự lo lắng khi nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp khó khăn do nguồn nguyên vật liệu từ các nhà cung ứng bị hạn chế”, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ.
SẢN XUẤT BỊ ẢNH HƯỞNG NGHIÊM TRỌNG
Mặc dù đánh giá cao biện pháp chống dịch Covid-19, song bà Đoàn Thị Hải Yến, Giám đốc Kế hoạch – Đối ngoại Công ty Honda Việt Nam, cho biết hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong những ngày này đang có nhiều xáo trộn. Đó là bởi nhiều doanh nghiệp cung ứng cho Honda đang thuộc diện “cách ly” do đóng tại địa bàn có diễn biến dịch phức tạp như Bắc Ninh hay Bắc Giang.
“Vì vậy, nếu tình trạng này kéo dài và không có phương án xử lý, doanh nghiệp chúng tôi không thể ổn định sản xuất khi rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng luôn cận kề”, bà Yến bày tỏ và đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cũng như Chính phủ sớm có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong khi đó, lo ngại việc vận chuyển hàng hóa sẽ bị ách tắc do việc kiểm soát dịch bệnh không thống nhất giữa các địa phương, một đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đặt tại Vĩnh Phúc bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý sớm có những hướng dẫn cụ thể để đẩy nhanh vận chuyển cũng như thông quan hàng hóa giữa các địa phương trong điều kiện thắt chặt biện pháp phòng chống dịch Covid-19. “Nếu hàng hóa không lưu thông, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị ách tắc, doanh nghiệp chắc chắn rất khó khăn. Nếu kéo dài, doanh nghiệp thậm chí không thể trụ nổi”, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản chia sẻ.
Những khó khăn mà các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đang gặp phải cũng tương tự như tại Bắc Ninh và Bắc Giang, hai địa phương đang có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước hiện nay.
Nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong hai tuần sẽ gây thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, làm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trên 4% và của quốc gia giảm 0,5%.
Báo cáo về hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại tháng 5/2021 được Bắc Ninh công bố gần đây cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 bắt đầu có sự suy giảm mạnh. Một số doanh nghiệp đặc biệt là các tập đoàn lớn phải tạm dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ do để phòng chống dịch bệnh có ca nghi mắc Covid-19.
Theo tính toán sơ bộ, nếu các khu công nghiệp của Bắc Ninh tạm dừng hoạt động trong hai tuần sẽ gây thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, làm giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm trên 4% và của quốc gia giảm 0,5%.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều địa phương bị phong tỏa, cách ly, giãn cách nên nhiều hoạt động bị tạm dừng.
“Chuỗi sản xuất có nguy cơ bị đứt gẫy do một số nhà cung ứng phải dừng hoạt động, nếu tiếp tục kéo dài có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD đối với sản xuất công nghiệp, xuất khẩu. Đồng thời, đã xảy ra tình trạng thiếu lao động, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa do các địa phương lân cận thực hiện các biện pháp kiểm soát người và phương tiện để phòng, chống dịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói.
XÂY DỰNG KHUNG HƯỚNG DẪN ỨNG PHÓ
Vì vậy, để sản xuất không bị đình trệ do nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Công Thương cần ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất...) với dịch bệnh phù hợp với diễn biến từng giai đoạn làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện và hướng dẫn doanh nghiệp; cũng như hướng dẫn Đề cương Kế hoạch và cam kết về phòng, chống Covid-19 theo các quyết định của Ban chỉ đạo quốc gia để thống nhất triển khai tại các địa phương, đơn vị.
"Muốn đảm bảo sản xuất bắt buộc phải ưu tiên vaccine cho những người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, trong đợt tới, khi các đợt vaccine dần được chuyển về Việt Nam, cần lưu ý đến vấn đề này vì muốn đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép phải ưu tiên tiêm vaccine".
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo tính toán của Bộ Công thương, Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất của cả nước. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh và Bắc Giang trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Vì vậy, chúng ta cần hành động nhanh chóng vào lúc này để doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tin tưởng và an tâm với công tác phòng, chống dịch để cùng tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh.
Ở góc độ địa phương, đối với vấn đề lưu thông hàng hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo “chống dịch nhưng không làm ảnh hưởng lưu thông hàng hóa”.
Theo đó, tỉnh đề nghị các lái xe, người đi cùng phải có kết quả âm tính trong ba ngày thì mới được phép ra/vào khu công nghiệp. Các xe vận chuyển cũng phải được phun khử khuẩn trước khi ra/vào địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các biện pháp an toàn cho cả Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác.
Cùng với đó, để tháo gỡ thiếu hụt nguồn lao động do nhiều lao động là các trường hợp F2, F3 buộc phải thực hiện cách ly, Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu bằng cách cung ứng nguồn lao động tại địa phương để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy khó khăn.
“Đặc biệt, Vĩnh Phúc sẽ chủ động làm việc với các tỉnh nhằm tháo gỡ sớm nhất có thể việc lưu thông hàng hóa, vướng mắc trong thông quan, hải quan với các tỉnh”, Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về lâu về dài biện pháp hiệu quả nhất và tốt nhất để “chặn đứng” nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng chính là vaccine. “Muốn đảm bảo sản xuất bắt buộc phải ưu tiên vaccine cho những người lao động trong khu công nghiệp. Do đó, trong đợt tới, khi các đợt vaccine dần được chuyển về Việt Nam, cần lưu ý đến vấn đề này vì muốn đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép phải ưu tiên tiêm vaccine”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.