Liên minh Châu Âu (EU) vừa áp đặt các khoản tiền phạt hàng trăm triệu USD đối với Apple và Meta, đồng thời yêu cầu hai gã khổng lồ công nghệ này tuân thủ các quy định công nghệ của khối, trong một động thái có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Trump khi các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra.
Ngày 23/4/2025, Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã công bố khoản phạt 500 triệu euro (tương đương khoảng 570 triệu USD) đối với Apple vì vi phạm Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Markets Act - DMA) của khối; Meta bị phạt 200 triệu euro.
Ngoài các khoản tiền phạt, EC còn ban hành các lệnh chấm dứt vi phạm, có thể gây tác động lớn hơn so với tiền phạt. Một lệnh nhắm vào App Store của Apple, trong khi lệnh còn lại tập trung vào việc Meta sử dụng quảng cáo cá nhân hóa – nguồn doanh thu quan trọng của cả hai công ty.
APPLE VÀ META LÀ NHỮNG “TỘI ĐỒ” ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO LUẬT THỊ TRƯỜNG KỸ THUẬT SỐ EU
Theo Wall Street Journal, các hành động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và EU liên quan đến chính sách thương mại và hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích các quy định công nghệ của EU, gọi đó là “rào cản thương mại phi thuế quan”. Đầu năm nay, ông Trump đe dọa đáp trả các quy định của EU bằng thuế quan.
Các khoản phạt đối với Apple và Meta là những trường hợp đầu tiên bị xử lý theo DMA, đạo luật được thông qua vào năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho các công ty nhỏ cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ. Vi phạm DMA có thể bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu hàng năm của một công ty. Tuy nhiên, các khoản phạt được công bố ngày 23/4 chỉ chiếm khoảng 0,1% doanh thu, thấp hơn nhiều so với mức tối đa.
Apple tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định, cho rằng đây là một ví dụ khác về việc EC nhắm mục tiêu không công bằng vào công ty. “Các quyết định này gây hại cho quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, ảnh hưởng xấu đến sản phẩm và buộc chúng tôi phải cung cấp công nghệ miễn phí”, Apple nói.
Meta cũng cho biết sẽ kháng cáo. Joel Kaplan, Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, cho rằng: “Việc EC ép buộc chúng tôi thay đổi mô hình kinh doanh thực chất là áp đặt một khoản thuế hàng tỷ USD lên Meta, đồng thời yêu cầu chúng tôi cung cấp dịch vụ kém chất lượng hơn”.
THỜI ĐIỂM NHẠY CẢM VÀ TRANH CÃI CHÍNH TRỊ
Theo những người nắm rõ vấn đề, EC ban đầu dự kiến công bố các khoản phạt vào tuần trước nhưng đã hoãn lại. Một thông báo vào thời điểm đó có thể xung đột với nỗ lực của châu Âu trong việc thúc đẩy đàm phán thương mại với Mỹ, bao gồm cuộc gặp giữa Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Tổng thống Trump.
Sau cuộc gặp với Meloni, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ “gặp rất ít vấn đề” trong việc đạt được một thỏa thuận thương mại với EU. Tháng trước, The Wall Street Journal đưa tin các giám đốc điều hành Meta đã thúc đẩy các quan chức thương mại Mỹ phản đối lệnh dự kiến của EU.
Tháng 2/2025, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành một bản ghi nhớ, tuyên bố bảo vệ các công ty Mỹ khỏi cái gọi là “tống tiền nước ngoài” và các khoản phạt không công bằng. “Những gì họ đang làm với chúng tôi ở các quốc gia khác trong lĩnh vực kỹ thuật số là khủng khiếp”, ông Trump nói tại thời điểm đó.
Các quan chức châu Âu khẳng định họ sẽ không nhượng bộ về các quy định công nghệ trước áp lực từ Mỹ. Tuy nhiên, một số nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu gần đây đặt câu hỏi: Liệu các vụ việc này có trở thành vấn đề chính trị và liên quan đến các cuộc thảo luận thương mại với Mỹ hay không?.
Đáng chú ý, EC thường tổ chức họp báo với các ủy viên hàng đầu khi công bố các quyết định thực thi quan trọng, nhưng lần này không có buổi họp báo nào được lên lịch. Theo trang web của EC, cả hai ủy viên phụ trách DMA đều đang ở nước ngoài theo các chuyến công tác đã được lên kế hoạch trước.

Một phát ngôn viên của EC phủ nhận mọi mối liên hệ giữa các quyết định công nghệ và đàm phán thương mại. “Những quyết định này không liên quan gì đến đàm phán thương mại”, bà nói; đồng thời, bà nhấn mạnh rằng việc thực thi công nghệ và thương mại được xử lý riêng biệt và các quyết định được thông qua khi sẵn sàng.
LÝ DO CHI TIẾT META VÀ APPLE BỊ EU ÁP ÁN PHẠT
Đối với Meta, hành động của EU tập trung vào nỗ lực của công ty trong việc yêu cầu người dùng đồng ý với quảng cáo cá nhân hóa trên Instagram và Facebook – nguồn doanh thu chính của Meta. EC ra lệnh Meta ngừng yêu cầu người dùng phải chọn giữa việc chấp nhận quảng cáo hoặc trả phí đăng ký. EC cũng cho biết đang đánh giá liệu tùy chọn “quảng cáo ít cá nhân hóa” mà Meta giới thiệu vào mùa thu năm ngoái có tuân thủ lệnh này hay không, làm dấy lên khả năng Meta sẽ phải thay đổi thêm.
Trong trường hợp của Apple, vấn đề liên quan đến các quy tắc của App Store. EC cho rằng Apple không tuân thủ nghĩa vụ cho phép các nhà phát triển ứng dụng thông báo miễn phí cho khách hàng về các cách mua sản phẩm kỹ thuật số thay thế.
Cả hai công ty sẽ có 60 ngày để tuân thủ các quy định trước khi đối mặt với các hình phạt bổ sung, có thể lên tới 5% doanh thu hàng ngày, theo EC.
Cùng ngày, EC còn công bố ba quyết định khác liên quan đến Apple và Meta.
Đối với Apple, EC đã tiến hành một cuộc điều tra riêng bằng cách đưa ra các kết luận sơ bộ, cáo buộc nhà sản xuất iPhone không tuân thủ yêu cầu của khối về việc cho phép tải ứng dụng thay thế ngoài App Store. Ngoài ra, EC đã đóng một cuộc điều tra khác về việc Apple tuân thủ các quy tắc lựa chọn người dùng của khối mà không áp dụng hình phạt.
Đối với Meta, EC thông báo rằng Facebook Marketplace của công ty sẽ không còn phải tuân thủ các nghĩa vụ của DMA vì dịch vụ này không có đủ người dùng doanh nghiệp trong năm 2024 để đáp ứng ngưỡng của luật.
Các khoản phạt và lệnh của EU đánh dấu một bước leo thang trong nỗ lực của khối nhằm kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ Mỹ, nhưng chúng cũng làm gia tăng nguy cơ xung đột thương mại với Mỹ. Trong khi Apple và Meta đều cam kết kháng cáo, các quyết định này có thể buộc họ phải thay đổi các mô hình kinh doanh cốt lõi, ảnh hưởng đến doanh thu và cách họ vận hành tại thị trường châu Âu.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU tiếp tục, kết quả của các tranh chấp này sẽ là tâm điểm chú ý, khi cả hai bên tìm cách cân bằng giữa lợi ích kinh tế và các mục tiêu chính sách.