March 25, 2024 | 16:09 GMT+7

EU thông qua Đạo luật AI "đi vào lịch sử", thị trường công nghệ "buồn vui lẫn lộn"

Bảo Ngọc -

Lần đầu tiên trên thế giới, EU thông qua luật quản lý trí tuệ nhân tạo. Trong khi một số chuyên gia cho rằng ban hành Đạo luật thôi là chưa đủ, thì những người khác lại khẳng định quyết định có thể gây tổn hại cho doanh nghiệp với “nhiều ràng buộc bổ sung”...

Đội ngũ nhà hoạch định chính sách Châu Âu đã gấp rút triển khai bộ quy tắc cụ thể cho các công ty công nghệ kể từ khi ra mắt ChatGPT, theo Euronews Next.

Vào tuần trước, Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro nhằm đảm bảo công ty phát hành sản phẩm AI tuân thủ luật pháp trước khi cung cấp rộng rãi tới công chúng.

Một ngày sau khi luật ban hành, Ủy ban Châu Âu đã yêu cầu Bing, Facebook, Google Search, Instagram, Snapchat, TikTok, YouTube và X trình bày chi tiết phương án hạn chế rủi ro về AI sáng tạo của doanh nghiệp.

Trong khi EU chủ yếu lo ngại về ảo giác AI (hiện tượng mô hình mắc lỗi định kiến và bịa đặt), deepfakes hay thông tin thao túng từ AI có thể đánh lừa cử tri trong chiến dịch bầu cử, thì cộng đồng công nghệ lại thể hiện một vài quan điểm riêng đối với luật pháp. Số ít nhà nghiên cứu khẳng định bộ luật chưa hoàn toàn giải quyết vấn đề tồn đọng.

ĐỘC QUYỀN CÔNG NGHỆ

Ông Max von Thun, Giám đốc tại Châu Âu thuộc Văn phòng Thị trường Tự do, chia sẻ với Euronews Next rằng tồn tại “những lỗ hổng đáng kể trong Đạo luật” và “quy định có quyền hạn tương đối yếu khi áp dụng cho mô hình nền tảng gây thiệt hại lớn nhất”.

Mô hình nền tảng được hiểu là mô hình học máy đào tạo về dữ liệu, có thể thực hiện nhiều tác vụ, chẳng hạn như sáng tác thơ, tạo hình ảnh, v.v. ChatGPT là một mô hình nền tảng.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của Giám đốc Thun là vấn đề độc quyền công nghệ.

Ông nhận định: “Đạo luật không có khả năng giải quyết mối đe dọa số một được đặt ra hiện nay: vai trò của AI trong việc tăng cường và củng cố quyền lực độc quyền mà một số công ty công nghệ thống trị đã bao phủ toàn bộ nền kinh tế của chúng ta”.

Tương tự, ông cho biết Ủy ban Châu Âu nên cảnh giác với hành vi lạm dụng độc quyền trong hệ sinh thái AI.

“EU nên hiểu rằng quy mô rủi ro do AI gây ra có mối liên hệ chặt chẽ với quy mô và sức mạnh của các công ty hàng đầu đang phát triển và triển khai công nghệ này”, vị Giám đốc bày tỏ.

Mối đe dọa độc quyền về AI đã thu hút sự chú ý dư luận vào tháng trước sau khi xuất hiện thông tin công ty khởi nghiệp Mistral AI của Pháp đang hợp tác với Microsoft.

Đối với một số người dân EU, đây là một cú sốc vì Pháp đã công khai thúc đẩy nhiều nhượng bộ trong Đạo luật AI đối với công ty nguồn mở như Mistral.

Arthur Mensch, đồng sáng lập kiêm CEO Mistral AI

Arthur Mensch, đồng sáng lập kiêm CEO Mistral AI

'CỘT MỐC LỊCH SỬ'

Mặt khác, một số startup không ngần ngại hoan nghênh bộ quy định mới.

Ông Alex Combessie, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành công ty AI nguồn mở Giskard đến từ Pháp, cho biết: “Việc Nghị viện EU thông qua Đạo luật AI vừa là khoảnh khắc lịch sử vừa là sự giải toả”.

Ông bày tỏ với Euronews Next: “Mặc dù Đạo luật áp đặt nhiều ràng buộc và quy tắc bổ sung đối với nhà phát triển hệ thống AI và mô hình nền tảng có rủi ro cao, được coi là 'rủi ro hệ thống', nhưng chúng tôi tin tưởng rằng biện pháp kiểm soát và cân bằng có thể triển khai một cách hiệu quả”.

Ông hào hứng chia sẻ: “Cột mốc lịch sử mở đường cho tương lai nơi AI được khai thác một cách có trách nhiệm, thúc đẩy niềm tin và đảm bảo an toàn cho tất cả người dân”.

Bộ luật hoạt động bằng cách phân biệt các loại rủi ro do mô hình nền tảng gây ra, dựa trên sức mạnh tính toán đào tạo của hệ thống. Các sản phẩm AI vượt quá ngưỡng sức mạnh tính toán sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

QUYỀN LỢI CỦA DOANH NGHIỆP

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với phương pháp phân loại rủi ro.

Bà Katharina Zügel, Giám đốc Chính sách tại Diễn đàn Thông tin và Dân chủ, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, tất cả hệ thống AI được sử dụng trong không gian thông tin phải phân loại là có rủi ro cao, yêu cầu tuân thủ bộ quy tắc chặt chẽ hơn, điều này không quy định rõ ràng trong Đạo luật AI của EU vừa thông qua”. 

Bà nói với Euronews Next: “Tôi đánh giá toàn bộ hệ thống AI sử dụng trong không gian thông tin là có rủi ro cao khi tính đến tác động của chúng đối với quyền cơ bản con người”.

Về phía doanh nghiệp, các công ty cũng cần đảm bảo tiếng nói của mình thì mới sẵn sàng hợp tác với EU.

“Điều quan trọng là EU phải khai thác được tính năng động của khu vực tư nhân, đây sẽ là động lực thúc đẩy tương lai AI, tạo ra lợi thế quan trọng giúp Châu Âu trở thành thị trường cạnh tranh và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư”, bà Julie Linn Teigland, Đối tác quản lý của Ernst & Young khu vực Châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ và Châu Phi (EMEIA), nhận định.

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng doanh nghiệp ở EU và các bên liên quan phải chủ động và chuẩn bị tinh thần đón nhận khi luật có hiệu lực, nghĩa là “thực hiện các bước đảm bảo kiểm soát về hệ thống AI mà công ty đang phát triển hoặc triển khai, và xác định vị trí của hãng trong chuỗi giá trị AI để hiểu rõ trách nhiệm pháp lý”.

‘BUỒN VUI LẪN LỘN’

Đối với startup cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đạo luật có hiệu lực đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.

Bà Marianne Tordeux Bitker, Giám đốc Quan hệ Công chúng tại France Digitale, cho biết: “Quyết định này mang tới ‘buồn vui lẫn lộn’. Mặc dù Đạo luật AI giải quyết được thách thức lớn về tính minh bạch và đạo đức, nhưng vẫn tạo ra sức ép đáng kể cho tất cả công ty hiện đang sử dụng hoặc phát triển trí tuệ nhân tạo”.

Bà nói thêm: “Chúng tôi lo ngại rằng văn bản luật sẽ chỉ tạo ra rào cản pháp lý bổ sung có lợi cho cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đồng thời giảm cơ hội chiếm ưu thế của các nhà sản xuất AI Châu Âu”.

EU thông qua Đạo luật AI "đi vào lịch sử", thị trường công nghệ "buồn vui lẫn lộn" - Ảnh 1

'TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ'

Mặc dù Đạo luật AI đã được hoàn tất, quá trình triển khai toàn diện vẫn là thách thức lớn.

“Bây giờ trọng tâm chuyển sang vấn đề triển khai và thực thi hiệu quả, nhà chức trách cần chú tâm đến các điều khoản luật bổ sung”, ông Risto Uuk, trưởng nhóm nghiên cứu EU tại Viện Tương lai Cuộc sống phi lợi nhuận, chia sẻ với Euronews Next.

Luật bổ sung hiện tại bao gồm Chỉ thị trách nhiệm pháp lý về AI nhằm hỗ trợ các yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại do sản phẩm và dịch vụ AI gây ra cũng như sáng kiến Văn phòng AI của EU nhằm mục đích hợp lý hóa việc thực thi quy tắc.

“Điều quan trọng để đảm bảo rằng bộ luật có giá trị là Văn phòng AI sở hữu đủ nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ đặt ra và bộ quy tắc áp dụng cho AI mang mục đích chung, được soạn thảo kỹ lưỡng bao gồm cả quy định dân sự và xã hội”, ông khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate