October 23, 2021 | 09:37 GMT+7

Evergrande trả được tiền lãi trái phiếu đến hạn, tạm thời thoát “bờ vực” vỡ nợ

An Huy -

Diễn biến này giúp “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc có thêm ít nhất 1 tuần nữa để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

China Evergrande Group tạm thời thoát khỏi “bờ vực” vỡ nợ khi thanh toán được một khoản lãi trái phiếu trước hạn chót là ngày thứ Bảy (23/10). Diễn biến này giúp “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc có thêm ít nhất 1 tuần nữa để chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ.

Theo nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg, Evergrande đã trả được 83,5 triệu USD tiền lãi của một lô trái phiếu USD. Khoản lãi này thực ra đáo hạn vào tháng trước nhưng Evergrande khi đó không trả được, và ngày 23/10 là thời điểm kết thúc thời kỳ ân hạn kéo dài 1 tháng. Việc Evergrande trả khoản lãi này khiến giới quan sát ngạc nhiên vì họ vốn tin rằng Evergrande sẽ ưu tiên việc thanh toán nợ cho các chủ nợ trong nước, các nhà cung cấp và khách mua nhà.

Thông tin trên giúp giá các trái phiếu “rác” (trái phiếu hạng không được khuyến nghị đầu tư – junk bond) của Trung Quốc tăng mạnh trong phiên ngày 22/10 và hoàn tất tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 2012. Tuy nhiên, các chủ nợ của Evergrande vẫn đang chuẩn bị cho khả năng công ty này trải qua một cuộc cơ cấu nợ có thể là lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc.

Cho dù đã tăng mạnh phiên này, trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 3/2022 của Evergrande cũng chỉ đạt mức giá 0,26 USD tính trên mỗi USD mệnh giá. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư sẽ chịu thiệt hại lớn trong một cuộc tái cơ cấu nợ ở Evergrande.

Việc Evergrande thanh toán được 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu là cú “twist” mới nhất trong câu chuyện dài và gây hồi hộp về “quả bom nợ” Evergrande. Cuộc khủng hoảng nợ của công ty này đã gây sóng gió lớn trên thị trường trái phiếu USD do Trung Quốc phát hành ở nước ngoài với quy mô 860 tỷ USD, đồng thời phủ bóng đen lên ngành bất động sản Trung Quốc – lĩnh vực ước tính đóng góp khoảng 25% GDP của nước này.

Những ngày gần đây, giới chức Trung Quốc liên tục lên tiếng trấn an nhà đầu tư rằng rủi ro từ khủng hoảng nợ Evergrande sẽ được kiểm soát, cho dù phát tín hiệu không muốn giải cứu công ty khổng lồ.

“Việc thanh toán khoản lãi trên có vẻ như là một nỗ lực ‘câu giờ’”, Giám đốc Wu Qiong của BOC International Holdings nhận xét. “Tuy nhiên, đây vẫn là tin tích cực và giúp Evergrande có thêm thời gian cần thiết để bán tài sản, củng cố sức lực để chuẩn bị cho một cuộc tái cơ cấu có trật tự”.

Với hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ, Evergrande – công ty do tỷ phú Hứa Gian Ấn sáng lập và điều hành – đã trở thành một trọng những “nạn nhân” lớn nhất khi Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch giảm nợ trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung”. Thế khó của Bắc Kinh lúc này là làm thế nào cân bằng được hai mục tiêu vừa giảm nợ trong ngành bất động sản, vừa không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi còn mong manh của nền kinh tế.

Sau đợt thanh toán nợ này, Evergrande sẽ tiếp tục tới hạn phải thanh toán tiền lãi của một lô trái phiếu khác vào ngày 29/10. Đó cũng là khoản lãi đáo hạn vào tháng trước và ngày 29/10 là thời điểm kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày. Ngoài ra, trong thời gian còn lại của năm nay và năm tới, Evergrande còn một loạt đợt thanh toán nợ trái phiếu trong và ngoài nước khác, ước tính tổng giá trị lên tới khoảng 7,4 tỷ USD. Mới đây, Evergrande muốn bán cổ phần trong một công ty con để thu về 2,6 tỷ USD, nhưng thương vụ đã đổ vỡ.

“Evergrande đang giống như một cây nến cháy cả hai đầu. Họ vừa phải giải quyết tình trạng suy giảm doanh thu, vừa phải tìm kiếm nguồn tiền mặt để thanh toán các khoản nợ đến hạn. Một cuộc tái cơ cấu sẽ là cần thiết”, ông Justin Tang, trưởng bộ phận nghiên cứu về châu Á thuộc United First Partners nhận xét.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate