China Evergande, công ty phát triển bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên toà án ở Mỹ. Động thái này diễn ra vào thời điểm 2 năm sau khi Evergrande rơi vào cảnh vỡ nợ, đánh dấu một bước leo thang mới của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc.
Sau vụ vỡ nợ vào năm 2021 của Evergrande, một loạt doanh nghiệp địa ốc nhỏ hơn của Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh tương tự, báo hiệu cho một cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ hơn. Cho tới hiện tại, tình hình vẫn chưa có gì khởi sắc, dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mở cửa trở lại sau gần 3 năm phong toả chống Covid. Cuộc khủng hoảng bất động sản đang là một trở ngại lớn đối với sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, trong bối cảnh sự phục hồi ngày càng đuối vì nhu cầu cả trong và ngoài nước đều yếu đi.
Một doanh nghiệp địa ốc khổng lồ khác của Trung Quốc là Country Garden đang đứng trước khả năng vỡ nợ vì đã trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu. Tổng khối nợ mà công ty này đang gánh là 200 tỷ USD.
Đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 15 của Luật Phá sản Mỹ đã được Evergrande nộp lên toà án khu vực phía Nam New York. Đây được xem là một phần trong nỗ lực của công ty nhằm giải quyết số nợ khổng lồ. Ở thời điểm cuối năm ngoái, Evergrande - cùng với các công ty thành viên có tài sản ở Mỹ - có tổng số nghĩa vụ nợ là 335 tỷ USD.
Chương 15 của Luật Phá sản Mỹ bảo vệ các công ty ngoài Mỹ đang trải qua quá trình tái cơ cấu nợ khỏi việc chủ nợ tìm cách kiện hoặc giữ tài sản của doanh nghiệp đó ở Mỹ. Việc bảo hộ phá sản sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian và sự bảo vệ cần thiết để hoàn tất quá trình tái cơ cấu nợ.
Việc Evergrande hiện vẫn đang đàm phán với chủ nợ là một dấu hiệu cho thấy những vấn đề nghiêm trọng về cấu trúc và khả năng thị trường bất động sản Trung Quốc đang đối mặt một cú sập từ từ - tờ báo New York Times nhận định.
Ngành bất động sản Trung Quốc từ lâu là lĩnh vực mà hàng triệu người dân nước này trông vào để làm giàu. Lĩnh vực này bắt đầu gặp khó từ mấy năm trước, sau khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt chính sách kiểm soát để hạ nhiệt giá nhà. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra khẩu hiệu “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Năm 2020, Bắc Kinh tung ra các biện pháp nhằm xử lý tình trạng vay nợ quá mức trong ngành bất động sản, khiến các công ty địa ốc gặp khó khăn trong việc huy động vốn, dẫn tới một làn sóng vỡ nợ.
Thay đổi chính sách này như “giọt nước tràn ly”, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc Trung Quốc vốn đã có nhiều thập kỷ phát triển bùng nổ song song với sự nổi lên của nước này như một cường quốc kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh đã chấp nhận cuộc khủng hoảng này như một cách để lập lại trật tự trong ngành bất động sản - nơi các dự án được xây dựng quá tràn lan, giá nhà vượt khỏi tầm với của một bộ phận lớn người dân, và các doanh nghiệp dấn thân vào những hoạt động tài chính đầy rủi ro.
Trước đây, người mua nhà ở Trung Quốc thường vay thế chấp để mua căn hộ trước khi dự án hoàn tất. Phương thức này mang lại cho các công ty phát triển nhà một dòng tiền đều đặt để hoạt động và xây dựng thêm nhà mới. Khi thị trường xuống dốc, các dự án rơi vào đình trệ, và người mua nhà rơi vào cảnh vừa mắc nợ vừa chưa có nhà.
Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, Evergrande đã bán trước 720.000 căn hộ chưa xây xong - theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics.
Mối quan hệ giữa sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc hiện nay như một “vòng luẩn quẩn”: do kinh tế phục hồi yếu, thị trường bất động sản khó thoát khủng hoảng; và do thị trường địa ốc còn khủng hoảng, nền kinh tế càng chậm phục hồi.
“Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã và đang trải qua một cuộc điều chỉnh chưa từng có tiền lệ”, một báo cáo của Nomura mới đây nhận định.
Theo báo cáo tài chính bị trì hoãn được Evergrande công bố mới đây, công ty đã lỗ tổng cộng 81 tỷ USD trong 2 năm. Về phần mình, Country Garden dự kiến lỗ 7,6 tỷ USD trong nửa đầu năm nay và theo một ước tính, công ty này chưa hoàn tất 1 triệu căn hộ đang xây dang dở ở hàng trăm thành phố trên toàn quốc.