June 24, 2008 | 11:48 GMT+7

FDI đăng ký vào Việt Nam xác lập kỷ lục mới

Thùy Trang

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008 đã đạt 31,608 tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008 đã đạt 31,608 tỷ USD.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này vượt 48,3% so với cả năm 2007 là 21,3 tỷ USD.

Bên cạnh việc vốn đăng ký tiếp tục tăng cao thì điều đáng khích lệ là trong 6 tháng qua vốn thực hiện của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đạt khoảng 5 tỷ USD, tăng 37,6% so với vốn thực hiện cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6/2008, cả nước có 163 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 16,222 tỷ USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2008 lên 487 dự án với tổng vốn đăng ký riêng cho những dự án mới là 30,946 tỷ USD, bằng 71,8% về số dự án và tăng gấp 4 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, trong 6 tháng qua đã có 158 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 661,2 triệu USD, bằng 72,5% về số lượt dự án tăng vốn và bằng 55,1% tổng vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích, vốn đăng ký cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2008 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2007 là do có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quy mô vốn đầu tư bình quân đạt 64,7 triệu USD/dự án, là mức cao nhất từ trước tới nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (17,15 tỷ USD) chiếm 55,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ (13,6 tỷ USD) chiếm 44% tổng vốn đầu tư. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư (0,5%).

So với 5 tháng đầu 2008, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ dòng vốn FDI cam kết đã chuyển từ lĩnh vực dịch vụ sang lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là do sự xuất hiện của hai dự án: nhà máy gang thép Formosa có vốn đầu tư gần 8 tỷ USD và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư 6,2 tỷ USD.

Dự án thép “siêu vốn” của tập đoàn Formosa đã đưa Đài Loan trở thành đối tác đầu tư đứng đầu trong số 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (64 dự án, vốn đầu tư hơn 8,1 tỷ USD), chiếm 26,4% tổng vốn đăng ký. Tiếp theo là Nhật Bản (47 dự án, vốn đầu tư 7,1 tỷ USD), chiếm 23%.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2008 này đã có 7 địa phương thu hút được vốn cam kết trên 1 tỷ USD, trong đó tỉnh Hà Tĩnh đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong số 41 địa phương toàn quốc nhờ thu hút được dự án sản xuất gang thép Hưng nghiệp Formosa.

Tiếp theo lần lượt là Thanh Hóa; Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp.HCM, Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Ninh. Hà Nội đứng thứ 8 với 87 dự án, có tổng vốn đầu tư 661,5 triệu USD.

* Riêng 19 dự án FDI “đầu bảng” trong 6 tháng đầu năm đã có tổng vốn trên 28 tỷ USD, trong đó 6 dự án lớn quy mô vốn trên 1 tỷ USD là: Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư 7,879 tỷ USD tại Vũng Áng, Hà Tĩnh để xây dựng cảng và nhà máy luyện kim; Công ty Lọc dầu Nghi Sơn đầu tư 6,2 tỷ USD để xây dựng nhà máy lọc dầu tại Thanh Hóa; Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm do Tập đoàn Asian Coast Development (Canada) Ltd. đầu tư 100% vốn (4,23 tỷ USD) để xây dựng khu du lịch tổng hợp tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Tập đoàn Starbay Holding Ltd. (B.V.Island) đầu tư 1,648 tỷ USD xây dựng Tổ hợp nghỉ dưỡng; Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư 11,299 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực... tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Công ty TNHH TA Assiociates Vietnam đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng khách sạn 5 sao, cao ốc cho thuê; sản xuất vi mạch và gia công phần mềm; đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại-đầu tư tại Thủ Thiêm, Tp.HCM.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate