Giá dầu thô có thêm một phiên giằng co mạnh và đóng cửa trong trạng thái sụt giảm.
Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 6 của Fed, thông tin mà giới đầu tư mong chờ nhất trong tuần này, đã giúp xoa dịu mối lo của thị trường về sự thắt chặt chính sách. Biên bản cho thấy các quan chức của Fed cảm thấy nền kinh tế “nhìn chung chưa đạt tới” bước tiến quan trọng tiếp theo về phục hồi, nhưng nhất trí rằng Fed cần chuẩn bị sẵn sàng để hành động nếu lạm phát hoặc các rủi ro khác trở thành hiện thực.
“Tôi xem biên bản này là một tập hợp của những ghi chú có tính chất mềm mỏng, vì các quan chức Fed chưa cho thấy họ là một nhóm có quan điểm đồng nhất và chắc chắn rằng tình hình đã đảm bảo đủ điều kiện để thay đổi chính sách”, Giám đốc đầu tư Brad McMillan thuộc Commonwealth Financial Network nhận định.
Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá và lợi suất giảm sau khi biên bản được công bố, trong khi các chỉ số chứng khoán đi lên.
Sau cuộc họp và tuyên bố của Fed vào tháng trước, nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng Fed sẽ đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Phố Wall từ trước đó đã lo lắng về sự leo thang về lạm phát, thể hiện qua việc nhiều nhà đầu tư loay hoay lựa chọn giữa cổ phiếu giá trị và cổ phiếu tăng trưởng.
Tuy nhiên, biên bản cuộc họp phản ánh các quan chức trong Fed có cái nhìn còn trái chiều về lập trường chính sách, vì Fed cùng lúc phải đối mặt với những rủi ro lạm phát mới và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn tương đối cao.
Trong phiên ngày 7/7, cả cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị cùng tăng, nhưng vai trò dẫn dắt sự đi lên của S&P 500 thuộc về hai nhóm công nghiệp và nguyên vật liệu thô.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,3%, đạt 34.681,79 điểm. S&P 500 tăng 0,34%, đạt 4.358,13 điểm. Nasdaq tăng 0,01%, đạt 14.665,06 điểm.
Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc tuyên bố đã phạt một số công ty Internet bao gồm Didi, Tencent và Alibaba vì không báo cáo về các thoả thuận mua bán và sáp nhập công ty trước đây. Giá cổ phiếu Didi niêm yết tại Mỹ giảm 4,6%, sau khi giảm gần 20% trong phiên ngày thứ Ba.
Giá dầu thô tiếp tục giằng co giữa tăng và giảm sau khi cuộc đàm phán về sản lượng của liên minh OPEC+ đổ vỡ vào đầu tuần do mâu thuẫn nội bộ.
Tình trạng lúc tăng, lúc giảm của giá dầu trong hai phiên vừa qua cho thấy giới đầu tư đang băng khoăn không biết thế bế tắc trong OPEC+ sẽ ảnh hưởng ra sao đến sản lượng dầu.
Lúc đầu, giới đầu tư lo ngại rằng bất đồng giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về vấn đề sản lượng sẽ khiến nguồn cung dầu thắt chặt hơn trong thời gian tới. Nhưng sau đó, thị trường lại cho rằng bất đồng này có thể dẫn tới nguồn cung dầu gia tăng, bởi có khả năng các nước trong OPEC+ sẽ không còn tuân thủ nghiêm ngặt thoả thuận hạn chế sản lượng dầu nữa, mà sẽ khai thác theo ý thích.
Khi đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm gần 1,5%, còn 73,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York mất gần 1,6%, còn 72,2 USD/thùng. Trước đó trong phiên, giá cả hai loại dầu cùng tăng khoảng 1 USD/thùng.