Mới đây, một quan chức Fed cho biết Fed có thể sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2024 khi các dữ liệu về lạm phát tốt hơn. Nếu điều này xảy ra, có nghĩa là những tác động của thị trường lãi suất Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra muộn hơn so với dự tính.
Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đã đưa ra 2 kịch bản đánh giá tác động của lãi suất thị trường Mỹ tới Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tới việc Việt Nam cần dự phòng tới các rủi ro liên quan tới tỷ giá và lãi suất… Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lý Thanh Lương, Chuyên gia phân tích VIS Rating, xoay quanh vấn đề này.
"Khi Fed chính thức hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường (thường được so sánh thông qua lãi suất OMO và lãi suất Fed) sẽ dần thu hẹp, trực tiếp giảm áp lực lên tỷ giá. Khi đó, với một bức tranh về tình hình lạm phát ổn định hơn trong nửa cuối năm 2024, NHNN sẽ có thêm dư địa để tiếp tục duy trì chính sách chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế".
Thưa ông, sau cuộc họp ngày 12/6, ông dự báo như thế nào về xu hướng lãi suất của Mỹ? Nếu lãi suất của Hoa Kỳ tiếp tục neo cao, điều này sẽ gây áp lực như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam và tỷ giá VND/USD trong thời gian tới?
Gần đây, nhiều tổ chức toàn cầu và ngay Fed đều đã đưa ra những đánh giá về xu hướng lãi suất của thị trường Mỹ. Do đó, ở góc nhìn của một đơn vị xếp hạng tín nhiệm như VIS Rating, chúng tôi muốn tập trung phân tích về tác động của các kịch bản lãi suất thị trường Mỹ lên Việt Nam.
Ở kịch bản FED cắt giảm lãi suất sớm trong nửa cuối năm 2024, tác động sẽ mang tính tích cực. Đầu tiên là yếu tố về mặt tâm lý, hiện tượng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn 2022 – 2023 sẽ có thể hạ nhiệt ngay khi Fed bắt đầu đưa ra thời gian cụ thể cho lần cắt giảm lãi suất đầu tiên.
Khi Fed chính thức hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường (thường được so sánh thông qua lãi suất OMO và lãi suất Fed) sẽ dần thu hẹp, trực tiếp giảm áp lực lên tỷ giá. Khi đó, với một bức tranh về tình hình lạm phát ổn định hơn trong nửa cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa để tiếp tục duy trì chính sách chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, khi tỷ giá dần ổn định, một số ngành có dư nợ ngoại tệ hoặc doanh thu chi phí bằng ngoại tệ lớn sẽ giảm bớt các yếu tố rủi ro từ chênh lệch tỷ giá như ngành vận tải hàng không, vận tải biển, sản xuất điện và xuất nhập khẩu.
Với kịch bản còn lại nếu FED chưa tính tới việc hạ lãi suất trong năm 2024, đồng USD có khả năng cao sẽ tiếp tục mạnh lên so với VND do chênh lệch lãi suất đáng kể giữa hai thị trường vẫn kéo dài sang năm 2025, gây áp lớn lực lên tỷ giá cũng như chính sách điều hành của Ngân hàng nhà nước. Tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã tăng hơn 4% kể từ đầu năm 2024 so với mục tiêu kiểm soát ổn định tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.
Ngân hàng Nhà nước khi đó có thể có những biện pháp can thiệp mạnh hơn với các công cụ hiện có như tăng lãi suất điều hành, tiếp tục bán dự trữ ngoại hối để cân đối cung cầu, hút lượng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng thương mại hoặc đẩy mạnh các biện pháp hành chính để hạn chế hiện tượng đầu cơ găm giữ ngoại tệ.
Đặc biệt có thể thấy trong giai đoạn tháng 4, tháng 5, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3.5 tỷ USD trên tổng dự trữ ngoại hối khoảng 91 tỷ USD vào đầu năm 2024 và nâng lãi suất trên thị trường OMO, cho thấy rằng Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để ổn định mục tiêu quan trọng nhất hiện giờ là tỷ giá.
Như vậy, trong kịch bản thứ hai này, rủi ro về tỷ giá và lãi suất sẽ ở mức cao và có ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động doanh nghiệp, đặc biệt là một số ngành nghề có nhu cầu ngoại tệ cao. Trong đó, các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ và doanh thu chi phí bằng ngoại tệ lớn sẽ là nhóm doanh nghiệp có triển vọng kém ổn định hơn trước những biến động về tỷ giá tới các khoản thanh toán đến hạn và lợi nhuận trong kỳ.
Một số doanh nghiệp trong nhóm này đã có những biện pháp để phòng ngừa rủi ro như sử dụng các công cụ phái sinh hoặc tham gia các hợp đồng tương lai mua ngoại tệ từ ngân hàng để phục vụ cho nhu cầu ngoại tệ của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể phải chịu sức ép từ chi phí vay vốn cao hơn khi mặt bằng lãi suất được đẩy lên, do đó tác động kép tới sức khỏe tài chính.
Với dự báo như vậy, VIS Rating nhận định như thế nào về diễn biến lãi suất trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian vừa qua, mặt bằng lãi suất đã có những biến động đáng chú ý. Lãi suất liên ngân hàng sau khi giảm nhẹ từ mức đỉnh cuối tháng 5 đã tăng trở lại gần ngưỡng cao trước đó ở mức 5%. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi đã tăng lên ở một số kỳ hạn của các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng từ 0.5 – 1% mặc dù chưa tăng ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước. Những diễn biến của lãi suất vừa qua cho thấy rằng áp lực thanh khoản vẫn đang cao trong hệ thống ngân hàng. Áp lực hoạt động hút ròng thanh khoản VND từ Ngân hàng Nhà nước để ổn định tỷ giá, cùng với tăng trưởng huy động yếu trong các tháng đầu năm do mặt bằng lãi suất ở mức rất thấp là những nguyên nhân chính cho diễn biến lãi suất trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, như chúng tôi đề cập ở các kịch bản trên, lãi suất sẽ có sự phụ thuộc rất lớn vào định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước để cân bằng các mục tiêu thúc đẩy kinh tế, ổn định tỷ giá và ổn định lạm phát. Hiện tại, chúng tôi cho rằng rủi ro tỷ giá USD tiếp tục tăng vẫn là một áp lực đối với chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ lãi suất có thể sử dụng trên thị trường hiện tại và không phải lãi suất nào cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức tới chi phí vay vốn và huy động của doanh nghiệp.
Chẳng hạn như năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm 4 lần lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn, là những lãi suất điều hành mang tính định hướng dài hạn cho mặt bằng lãi suất của thị trường và có tác động trải dần trong nửa cuối năm 2023 đối với mặt bằng lãi suất cho vay và huy động. Còn giai đoạn vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh tăng lãi suất nhưng là lãi suất trên thị trường mở (OMO) có kỳ hạn ngắn theo tuần hoặc tháng, mang tính điều tiết thanh khoản và ngắn hạn hơn và có tác động nhanh hơn đối với hệ thống ngân hàng nhưng ảnh hưởng sẽ nhỏ hơn tới mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng và cho vay các doanh nghiệp.
Hiện nay định hướng của Ngân hàng Nhà nước và chính phủ vẫn là duy trì chính sách tiền tệ ổn định và linh hoạt để kích thích hồi phục kinh tế trong nước. Với việc tăng trưởng tín dụng chỉ đạt mức 2.58% so với đầu năm cho giai đoạn 5 tháng 2024 và chưa thực sự hồi phục như kỳ vọng, chúng tôi cho rằng lãi suất trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục được cân bằng giữa mục tiêu kích thích kinh tế và ổn định tỷ giá. Những điều chỉnh về lãi suất do đó sẽ từ từ hơn và không gây đột biến tới chi phí vốn của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh như vậy, VIS Rating có khuyến nghị chính sách nào để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái, lãi suất và lạm phát?
Từ với góc nhìn đánh giá rủi ro với môi trường tín nhiệm trong nước, chúng tôi cho rằng tỷ giá tiếp tục tăng hay không là một yếu tố khó đoán định trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 do phụ thuộc nhiều vào các tác nhân bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi cho rằng rủi ro lạm phát tăng vượt mục tiêu của nhà nước là không lớn, có thể được kiểm soát và sẽ ổn định hơn trong nửa cuối năm do chủ yếu đến từ các yếu tố mang tính nội địa như giá các mặt hàng do Nhà nước điều hành, giá thực phẩm thịt lợn hoặc giá nhà ở và vật liệu xây dựng. Tác động do mặt bằng lãi suất tăng trở lại từ mức đáy, nếu có, sẽ chậm và ít gây sốc hơn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chúng tôi nhận thấy với nhiều bất ổn vĩ mô trong năm 2024, các chính sách vĩ mô đặc biệt là từ phía Ngân hàng Nhà nước đã có thay đổi theo hướng cân bằng hơn giữa tăng trưởng và ổn định thay vì tập trung cho tăng trưởng như năm 2023. Cụ thể là các chính sách điều hành đang đi theo hướng cân bằng hơn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định tỷ giá, lạm phát.
Chúng tôi quan sát thấy các hoạt động kinh tế đã có nhiều tín hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2024, vì thế cán cân có thể sẽ nghiêng về phía ổn định hơn trong thời gian tới.