Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán cập nhật mới đây, Mirae Asset nhấn mạnh, những bất ổn gần đây do các sự kiện địa chính trị trên thế giới càng giúp những ưu điểm của Việt Nam nổi bật hơn nữa.
Nhìn về cuối năm 2022, giá cả hàng hóa hạ nhiệt góp phần giảm áp lực lạm phát và nới rộng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất trong cuối năm 2022; thương mại quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do hạn hán kỷ lục đang xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và các hàng hóa khác trong tương lai.
Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu; kết quả kinh doanh khả quan của ngành Năng lượng có thể chưa được phản ánh đầy đủ; mặt bằng lãi suất dự kiến tăng nhẹ cuối năm 2022 (với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát) sẽ tác động đến các ngành/ công ty sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Đáng chú ý, đầu tháng 9/2022, Moody’s vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định.
P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022.
Về mặt định giá, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ và MSCI các thị trường phát triển, Trung Quốc và Hong Kong giảm điểm trong tháng 8, các thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á tăng điểm nhẹ, VN-Index ghi nhận mức tăng điểm khá cao (+6,1% MoM).
Mặc dù vậy, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 13,7 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 10 năm là 15,1 lần.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ rất uyển chuyển và kịp thời, giúp Việt Nam chủ động kiểm soát tốt lạm phát. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc phục hồi kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022 với mức đồng thuận của thị trường theo thống kê Bloomberg hiện tại là gần 30% – cao nhất so với mức tăng của hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Dự báo EPS tiếp tục tăng gần 17% trong năm 2023.
Qua đó, gián tiếp hạ mức định giá P/E của VN-Index xuống thấp hơn nữa tính theo mức đóng của VN-Index cuối tháng 8/2022.
Vì vậy, các nhịp điều chỉnh (nếu có, do ảnh hưởng từ việc thế giới tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9), sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt để đầu tư trong trung và dài hạn.
"Hiện nay, P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022.
Điều này thể hiện rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục phục hồi, định giá thị trường chứng khoán vẫn đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài, minh chứng qua việc khối ngoại kéo dài đà mua ròng xuyên suốt 5 tháng qua", Mirae Asset nhấn mạnh.
Trong tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tập trung vào ngành ngân hàng (1.515 tỷ đồng), chứng khoán (616 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (578 tỷ đồng), và dầu khí (535 tỷ đồng).
Tại khu vực châu Á, nhìn chung, khối ngoại nhìn chung đã quay lại mua ròng tháng thứ 2 liên tiếp. Trong đó, thị trường Ấn Độ (6,8 tỷ USD), Hàn Quốc (3 tỷ USD), Thái Lan (1,6 tỷ USD), Indonesia (508 triệu USD), Malaysia (460 triệu USD), và Việt Nam (77 triệu USD) là những thị trường thu hút được dòng vốn ngoại trong tháng 8.
Tại Việt Nam, khối ngoại đã mua ròng liên tiếp trong 5 tháng qua với giá trị lũy kế đạt 365 triệu USD, sau khi bán ròng liên tiếp 8 tháng trước đó.
Thống kê dòng vốn ETF coh thấy, tháng 8 ghi nhận mức mua ròng không đáng kể, do lượng mua ròng của Xtrackers (27,9 triệu USD) và Fubon (11 triệu USD) bù đắp giá trị bán ròng của DCVFMVN Diamond (37,6 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận dòng vốn ETF vào ròng khoảng 337 triệu USD, chủ yếu đến từ Fubon (247,8 triệu USD) và DCVFMVN Diamond (183,9 triệu USD).