May 05, 2022 | 08:32 GMT+7

Fed tăng lãi suất mạnh nhất 2 thập kỷ, ông Powell tin sẽ không xảy ra suy thoái

An Huy -

Lần họp này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006 Fed có hai đợt nâng lãi suất trong hai cuộc họp liên tiếp. Đây cũng là đầu tiên kể từ tháng 5/2000 Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm...

Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 4/5.
Chủ tịch Fed Jerome Powell tại cuộc họp báo ngày 4/5.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5 nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - bước nhảy rộng nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây - nhằm chống lại đà leo thang mạnh nhất hơn 40 năm của giá cả. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell tin rằng sự thắt chặt này sẽ không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.

“Lạm phát đang quá cao và chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà lạm phát gây ra. Chúng tôi đang hành động gấp để kéo lạm phát xuống”, ông Powell nói trong họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Ông đề cập đến gánh nặng mà lạm phát đặt ra đối với những người thuộc tầng lớp thu nhập thấp, và nói “chúng tôi cam kết lập lại ổn định giá cả”.

SẼ KHÔNG CÓ BƯỚC NHẢY LÃI SUẤT 0,75 ĐIỂM PHẦN TRĂM?

Theo ông Powell - người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - điều đó có thể đồng nghĩa với việc Fed sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong thời gian tới, nhưng đó sẽ là bước nhảy rộng nhất và Fed sẽ không tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như lo ngại trước đó của thị trường.

Lãi suất Fed (fed fund rate) ảnh hưởng đến các khoản vay ngắn hạn liên ngân hàng, đồng thời là mốc tham chiếu cho nhiều khoản vay tiêu dùng với lãi suất thả nổi ở Mỹ. Sau đợt nâng lãi suất ngày 4/5, lãi suất Fed tăng lên mức 0,75%-1%.

Cùng với việc nâng lãi suất, Fed cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm bảng cân đối kế toán với quy mô 9 nghìn tỷ USD từ tháng 6. Khối lượng tài sản mà Fed nắm giữ đạt mức khổng lồ như vậy là do Fed đã chi hàng nghìn tỷ USD mua vào trái phiếu, qua đó bơm tiền ra thị trường để hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế từ đáy sâu mà đại dịch Covid-19 gây ra.

Fed đã dừng việc mua tài sản, tức nới lỏng định lượng (QE), từ tháng 3, và hiện đang tính bắt đầu cắt giảm số tài sản đã mua, tức thắt chặt định lượng (QT), từ tháng 6. Đà leo thang không ngừng của lạm phát đã buộc Fed phải có sự điều chỉnh chính sách để ứng phó.

Fed dự kiến sẽ giảm nắm giữ 30 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc mỗi tháng kể từ tháng 6. Sau 3 tháng, mức cắt giảm sẽ tăng lên 60 tỷ USD đối với trái phiếu kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD đối với trái phiếu bất động sản.

Cả việc nâng lãi suất và đưa ra kế hoạch QT đều nằm trong dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm, thị trường tài chính Mỹ đã biến động mạnh vì chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed. Trong phiên ngày 4/5, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh như một sự giải toả tâm lý của nhà đầu tư, khi các động thái của Fed không cứng rắn hơn những gì đã được kỳ vọng.

Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường hiện đang phản ánh khả năng lãi suất Fed tăng lên ngưỡng 2,75-3% vào cuối năm nay. Fed hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục 0-0,25% vào đầu năm 2020, khi Covid mới trở thành đại dịch, và duy trì ngưỡng này cho tới tháng 3 năm nay, khi lãi suất được nâng lên 0,25-0,5%.

Ông Powell nói rằng bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm “có thể được cân nhắc trong hai cuộc họp tới”, nhưng loại trừ khả năng có một bước nhảy lãi suất rộng hơn. “Mức tăng lãi suất 0,75% không phải là điều mà uỷ ban đang tích cực nghĩ đến. Tôi cho rằng kỳ vọng hiện nay là chúng ta sẽ bắt đầu thấy lạm phát dịu đi”, ông Powell phát biểu tại cuộc họp báo. Trước đó, thị trường đã kỳ vọng một đợt nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6.

ÔNG POWELL: “SẼ CÓ HẠ CÁNH MỀM”

“Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và ở trong một trạng thái tốt để chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt”, Chủ tịch Fed nhận định và dự báo sẽ có một cuộc “hạ cánh mềm hoặc hơi mềm” cho nền kinh tế cho dù chính sách tiền tệ thắt lại.

Tuyên bố của Fed sau cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 5 thừa nhận các hoạt động trong nền kinh tế Mỹ giảm xuống trong quý 1, khi tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tuyên bố nhấn mạnh rằng “chi tiêu của các hộ gia đình và đầu tư cố định của doanh nghiệp vẫn mạnh” và “lạm phát vẫn ở mức cao”.

Tuyên bố cũng đề cập đến dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và nỗ lực chống dịch của Bắc Kinh. “Ngoài ra, phong toả liên quan đến Covid ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng”, Fed nói.

“Về phía chúng tôi, không có gì đáng ngạc nhiên cả… Chúng tôi cho rằng Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng 6 và lạm phát đã lên gần đỉnh rồi. Lạm phát sẽ giảm trong năm nay, mở đường cho Fed hãm bớt tốc độ thắt chặt”, chiến lược gia Collin Martin của Charles Schwab phát biểu.

Lần họp này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006 Fed có hai đợt nâng lãi suất trong hai cuộc họp liên tiếp. Đây cũng là đầu tiên kể từ tháng 5/2000 Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Ở thời điểm đó, Fed đang phải “chiến đấu” với những mất cân đối của bong bóng dotcom giai đoạn đầu. Hiện tại, tình hình có nhiều khác biệt.

Nỗ lực nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed và nới lỏng tài khoá của Chính phủ Mỹ trong đại dịch đã đưa một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế. Bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng gấp hơn 2 lần và Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn các gói kích cầu với tổng trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD.

Lượng tiền này, cộng thêm sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng và bùng nổ nhu cầu khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, đã đẩy lạm phát tăng chóng mặt. Trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982 – theo dữ liệu từ Bộ Lao động nước này.

Khi Fed nâng lãi suất quyết liệt vào đầu năm 2000 để chống lạm phát, lãi suất Fed đã lên tới 6,5%. Tuy nhiên, chỉ 7 tháng sau, Fed buộc phải “quay xe”, chuyển sang cắt giảm lãi suất vì nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái một mặt do lãi suất cao, mặt khác do vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Những đợt giảm lãi suất mạnh tay sau đó đã đưa lãi suất Fed về mức 1% vào giữa năm 2003, ngay trước khi xảy ra cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq.

Gần đây, một số chuyên gia kinh tế lo ngại Fed có thể phạm phải một sai lầm tương tự - hành động chậm để chống lại sự leo thang của lạm phát, dẫn tới phải thắt chặt quá mức và khiến tăng trưởng sụt giảm, thậm chí gây suy thoái.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate