May 04, 2009 | 11:18 GMT+7

Fiat chuẩn bị thâu tóm một phần của General Motors

Kiều Oanh

Hãng ôtô Fiat của Italy ngày 3/5 tuyên bố đang đàm phán để mua lại phần lớn bộ phận tại châu Âu của đối thủ Mỹ GM

Một mẫu xe của Fiat - Ảnh: Business Week.
Một mẫu xe của Fiat - Ảnh: Business Week.
Hãng ôtô Fiat của Italy ngày 3/5 tuyên bố đang đàm phán để mua lại phần lớn bộ phận tại châu Âu của đối thủ Mỹ General Motors (GM). Động thái này diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Fiat đạt thỏa thuận sáp nhập với hãng xe Chrysler vừa phá sản của Mỹ.

Giới quan sát nhận định, đây là một bước tiến quan trọng nữa của Fiat tới việc hình thành một “siêu cường” ôtô toàn cầu.

Thông báo trên của Fiat được đưa ra trước thềm một cuộc họp ở Berlin giữa Giám đốc điều hành (CEO) Sergio Marchionne của hãng này với Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Ngoại trưởng Đức để đàm phán về đề xuất mua lại bộ phận của hãng GM tại Đức - thương hiệu Opel.

Ngoài Opel, GM châu Âu còn có các thương hiệu Vauxhall ở Anh, Saab ở Thụy Điển và Chevrolet do Daewoo - bộ phận tại Hàn Quốc của GM - thiết kế. Tuy nhiên, có thể Saab sẽ không có tên trong vụ thâu tóm này do đang được tái cơ cấu theo luật pháp Thụy Điển và có thể sẽ được tách ra khỏi GM châu Âu. Theo giới phân tích, cũng ít có khả năng GM bán lại cả Chevrolet cho Fiat, vì đây sẽ là thương hiệu duy nhất còn lại của hãng tại châu Âu.

Là một bộ phận của Fiat Group, Fiat Group Automobiles bao gồm ba thương hiệu là Fiat, Alfa Romeo và Ferrari. Sắp tới, hãng này sẽ có thêm cả Chrysler sau khi thủ tục sáp nhập giữa hai bên hoàn tất. Ngoài Fiat Group Automobiles, Fiat Group còn bao gồm bộ phận sản xuất xe sử dụng trong sản xuất nông nghiệp CNH, bộ phận sản xuất xe tải Iveco, và một bộ phận truyền thông.

Fiat cho hay, trong vài tuần tới đây, CEO Marchionne của hãng này sẽ “xem xét tính khả thi của việc sáp nhập hoạt động của Fiat Group Automobiles (gồm cả Chrysler) và GM châu Âu để tạo ra một công ty mới”. “Trong quá trình này, tập đoàn sẽ đánh giá nhiều cấu trúc doanh nghiệp khác nhau. Trong số này, có khả năng tách Fiat Group Automobiles ra khỏi Fiat Group để sáp nhập bộ phận này với GM châu Âu, hình thành một doanh nghiệp niêm yết mới”, tuyên bố của Fiat cho biết.

Cũng theo Fiat, các thỏa thuận của hãng với Chrysler và GM sẽ tạo ra một hãng xe mới với doanh thu hàng năm lên tới 105 tỷ USD. Đồng thời, với những thỏa thuận này, Fiat sẽ có mặt tại những thị trường mà hiện hãng này mới chỉ hiện diện ở mức độ thấp hoặc chưa có thị phần, trong đó có cả thị trường Bắc Mỹ - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

“Tôi cho rằng Fiat sẽ trở thành một hãng xe lớn của thế giới. Ai mà hình dung ra được chứ? Có vẻ Fiat đang trong một chiến dịch mua lại. Họ đang tìm kiếm những hãng xe và thương hiệu đang lâm vào đường cùng như Chrysler và Opel”, ông Erich Merkle, một nhà phân tích công nghiệp ôtô độc lập ở bang Michigan, Mỹ, nói.

Tuy vậy, các nhà phân tích cũng thận trọng cho rằng, các thỏa thuận thâu tóm này chưa hẳn là chiến lược tốt nhất đối với hãng xe của Italy. “Quy mô lớn không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thành công”, ông Merkle nói. Cũng theo chuyên gia này, sẽ phải mất nhiều năm Fiat mới có thể đạt tới được sự nhuần nhuyễn trong thiết kế, chế tạo và sản xuất toàn cầu với Chrysler và bộ phận mua lại từ GM.

Cần nói thêm, Fiat không phải là hãng xe duy nhất nuôi mộng thâu tóm Opel. Cách đây chưa lâu, hãng sản xuất linh kiện xe hơi Magna International của Canada cũng đề xuất với chính quyền Đức ý tưởng mua lại thương hiệu này.

Tuy nhiên, Fiat đã trở thành đối thủ nặng ký hơn sau khi thâu tóm được Chrysler. Một khi đơn xin bảo hộ phá sản của Chrysler được toà án Mỹ phê chuẩn, hầu hết toàn bộ tài sản của hãng này sẽ được bán lại cho Fiat.

Để sáp nhập với Chrysler, Fiat sẽ không phải bỏ ra đồng tiền mặt nào, nhưng phải cho Chrysler tiếp cận với công nghệ sản xuất xe nhỏ và động cơ. Xe của Chrysler sản xuất ra sẽ do Fiat thực hiện công tác tiêu thụ qua mạng lưới phân phối toàn cầu của hãng.

(Theo AP, New York Times)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate