January 08, 2025 | 22:06 GMT+7

FiinTrade: Nhà đầu tư cá nhân mua ròng gần 78.000 tỷ năm 2024 nhưng phần lớn "đu đỉnh"

Tuệ Lâm -

Nhà đầu tư cá nhân là động lực cho sự hồi phục về thanh khoản nhưng phần lớn không thể chiến thắng thị trường...

Theo thống kê của FiinTrade, nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 80% giá trị giao dịch  toàn thị trường và là động lực chính cho sự hồi phục thanh khoản trong năm 2024 khi giá trị giao dịch của nhóm này tăng 22,7%.

Nhóm này đã mua ròng tổng cộng hơn 77,7 nghìn tỷ đồng trên HoSE trong đó hơn 66 nghìn tỷ đồng qua khớp lệnh, đối ứng chính với lực bán ròng mạnh của khối ngoại.

Xét theo ngành, Cá nhân mua ròng ở 13/19 ngành cấp 2, tập trung ở các ngành lớn với thanh khoản cao như Ngân hàng, Bất động sản, và Công nghệ thông tin. Ngược lại, họ bán ròng Bán lẻ, Hàng cá nhân, và Vận tải thủy.

Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư cá nhân vẫn không thể chiến thắng thị trường trong năm 2024 vừa qua.

Thống kê từ FiinTrade cho thấy, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đẩy mạnh giao dịch và ở trạng thái mua ròng khi Vn-Index tăng mạnh hoặc ở vùng đỉnh. Ngược lại, họ thường giảm giao dịch và chuyển sang vị thế bán ròng trong các đợt điều chỉnh.

Cụ thể, năm 2024, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh giao dịch và mua ròng rõ rệt từ tháng 3, Vn-Index thời điểm đó đã tăng hơn 20% từ đáy cuối tháng 10/2023 lên vùng đỉnh cũ trước đó. Đỉnh điểm mua ròng vào tháng 5-6 với kỳ vọng thị trường vượt 1.300. Trong nửa sau của năm 2024, Vn-Index vẫn liên tục đi ngang trong biên độ rộng 1.200 – 1.300, nhà đầu tư cá nhân có phần “chán nản” với động thái thu hẹp quy mô mua ròng và giảm giá trị giao dịch.

FiinTrade: Nhà đầu tư cá nhân mua ròng gần 78.000 tỷ năm 2024 nhưng phần lớn "đu đỉnh" - Ảnh 1

Trong giai đoạn cao điểm mua ròng của Cá nhân (tháng 5-6/2024), top cổ phiếu được họ mua ròng là nhóm Vingroup (VHM, VRE, VIC), Ngân hàng (CTG, VCB, BID), CNTT (FPT, CMG), Thép (HPG), Chứng khoán (VND, SSI), Hóa chất (DGC). Với các cổ phiếu họ Vingroup là câu chuyện riêng của nhóm này.

Trong khi với các nhóm còn lại, ngoại trừ FPT và CTG, thì phần lớn các cổ phiếu mà cá nhân mua ròng mạnh lại có giá đi ngang (VCB, BID) hay thậm chí giảm mạnh (CMG, HPG, VND, SSI, DGC) ở giai đoạn sau đó.

Trái ngược với dòng vốn cá nhân, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục 90.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024. 

Về thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình toàn thị trường trong năm 2024 đạt trên 21.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.  Trong năm 2024, giai đoạn thanh khoản cao nhất là 6 tháng đầu năm, có những phiên lên đến 24.000 đến 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 7 thanh khoản bắt đầu sụt giảm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược của VPBankS cho rằng yếu tố tác động tới thanh khoản mạnh như vậy là nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nâng hạng thị trường, tăng trưởng kinh tế cao và xuất nhập khẩu tốt trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, thanh khoản giảm từ nửa sau năm 2024, phần lớn ảnh hưởng đến từ tỷ giá cũng như việc nhà đầu tư nước ngoài rút ròng.

Giai đoạn rút ròng mạnh nhất cũng là sau tháng 6, đồng pha tỷ giá tăng cao. Trong giai đoạn trên, thanh khoản từ nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu thận trọng. Mức sụt giảm sâu nhất vào giữa và cuối tháng 11 khi thị trường tạo đáy. Cho đến nay, thanh khoản đã phục hồi về mức trung bình.

Dự báo của ông Sơn cho rằng trong khoảng 3 – 6 tháng tới, thanh khoản có thể lình xình, đi ngang, chưa rõ ràng. Nhưng kể từ sau giai đoạn quý 2 thì thanh khoản sẽ bắt đầu tăng, tương đối cao. Nếu xu hướng thanh khoản 2024 là tăng ở đầu năm, giảm về cuối năm thì thanh khoản 2025 sẽ ngược lại thấp ở đầu năm nhưng tăng rất cao ở cuối năm.

Nguyên nhân là ở khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã rõ ràng. Ở các nước khác trước khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua trước từ khoảng 3 tháng. Do đó, trước tháng 9/2025 (thời điểm FTSE Russell đưa ra quyết định), thanh khoản Việt Nam sẽ tăng rất đáng kể và đến đầu 2026.

Còn giai đoạn hiện tại đang có những nhiễu động về thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, nên thanh khoản có thể chưa tăng được ngay. Ngày 20/1/2025 là thời điểm ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Ông đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu, khiến nhà đầu tư toàn cầu hồi hộp, chờ đợi. Ngoài ra, đà tăng của USD trong ngắn hạn cũng hạn chế dòng tiền vào thị trường. Do đó, giai đoạn hiện nay, thị trường có thể đi ngang và tích lũy, trước những nhiễu động của thế giới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate