Ngày 17/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Faros Vân Đồn (một thành viên của tập đoàn FLC) nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án 2 tỷ USD
Tổng mức đầu tư dự án - bao gồm hai khu tại đảo Ngọc Vừng và đảo Vạn
Cảnh - dự kiến khoảng 2 tỷ USD trên tổng diện tích 4.000 ha (2.500 ha
tại đảo Vạn Cảnh và 1.500 ha tại đảo Ngọc Vừng).
Theo phương án đầu tư, dự án sẽ bao gồm nhiều hạng mục như casino, khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện…
Nguồn tin từ FLC cho biết, đây sẽ là dự án casino đầu tiên có thể cho người Việt Nam vào chơi, kỳ vọng phục vụ lượng khách rất lớn khi tới Hạ Long.
Đưa tin về sự kiện này, hãng tin Bloomberg đánh giá, Việt Nam đang nới lỏng các quy định về đánh bạc và thí điểm một số phương án trước khi ra quyết định cuối cùng về việc cho phép người dân tham gia các hoạt động này. Một kế hoạch thí điểm cũng sẽ có hiệu lực trong tháng này, lần đầu tiên cho phép người Việt vào chơi trong các casino nếu đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định. Kế hoạch thí điểm khác về cá cược cũng có thể đi vào thực tế.
Cũng theo Bloomberg, cổ phiếu FLC đã tăng 54% trong năm nay, hướng tới năm tăng trưởng lớn nhất kể từ khi thành lập năm 2012. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết năm ngoái cho biết công ty đang tính đến việc phát hành cổ phiếu ở nước ngoài lần đầu tiên, có thể giúp FLC kêu gọi được 200 triệu USD.
Mặc dù thuộc đặc khu kinh tế Vân Đồn, nhưng đảo Ngọc Vừng và Vạn Cảnh lại nằm trong vịnh Hạ Long, thuận tiện cho du khách khi di chuyển bằng thuyền, ca nô từ Hạ Long. Cả hai đảo cũng sở hữu bãi biển đẹp, hoang sơ, giúp du khách có một không gian cảnh quan đáp ứng đầy đủ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí…
Không phải doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư hạ tầng du lịch tại Quảng Ninh, nhưng với các dự án đã và đang triển khai, FLC đang trở thành nhà đầu tư lớn nhất của tỉnh ở lĩnh vực này.
Trước đó, sau các dự án nhà ở và quần thể dự án nghỉ dưỡng như FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort (Thanh Hóa), FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort (Bình Định) và FLC Vĩnh Thịnh Resort (Vĩnh Phúc), FLC đã quyết định mở rộng địa bàn đầu tư với dự án FLC Hạ Long tại Quảng Ninh.
Triển khai trên diện tích 224 ha, tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng, dự án bao gồm đầy đủ các hạng mục nghỉ dưỡng, giải trí như sân golf 18 hố, gần 1.000 phòng khách sạn và biệt thự tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ được khai trương vào dịp 30/4 tới đây và đại lễ khai trương toàn bộ dự án sẽ được tổ chức vào cuối năm 2017.
“Có người Việt Nam nào không muốn thăm vịnh Hạ Long ít nhất một lần trong đời. Điều đó có nghĩa là, chỉ tính riêng thị trường nội địa, Hạ Long đã có một lượng khách tiềm năng rất lớn. Với thị trường quốc tế, vịnh Hạ Long đã quá nổi tiếng. Mỗi năm, Hạ Long đón tiếp hàng triệu lượt du khách quốc tế nhưng phần lớn trong số họ là khách bình dân và chỉ lưu trú ngắn ngày. Hạ Long còn thiếu rất nhiều về hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng để thu hút du khách hạng sang đến lưu trú dài ngày, kích thích họ chi tiêu. Đó cũng là lý do FLC quyết định đầu tư vào đây và vào phân khúc cao cấp này”, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc FLC nói.
Vừa qua, FLC cũng đã chính thức được chấp thuận chủ trương đầu tư vào dự án tháp đôi cao nhất tỉnh Quảng Ninh. Đây là dự án triển khai theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng, trong đó FLC sẽ xây dựng trung tâm hành chính mới cho thành phố Hạ Long, và nhận về phần đất hiện là trụ sở Hội đồng Nhân dân, Thành ủy và UBND thành phố Hạ Long để xây dựng tháp đôi. Tổng mức đầu tư dự án BT này là hơn 2.800 tỷ đồng.
Lấy cảm hứng từ dự án trung tâm thương mại quốc tế Hồng Kong và việc sở hữu vị trí có tầm nhìn bao trọn toàn bộ vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long, tháp đôi được xây dựng với chiều cao 50 tầng, được kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của thành phố Hạ Long về kiến trúc. Theo đó, dự án sẽ có nhiều hạng mục như: trung tâm thương mại, căn hộ chung cư cao cấp, và đặc biệt khách sạn cao cấp tiêu chuẩn 6 sao đầu tiên của Việt Nam đặt trên các tầng cao nhất của tòa nhà.
Mở ra thị trường mới
Kể từ khi có quy định thí điểm cho phép người Việt Nam có thể chơi tại các casino tại Nghị định 03/2017/NĐ-CP vào cuối tháng 1 vừa qua, thị trường đã kỳ vọng sẽ có một cú hích rất lớn cho tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Với yêu cầu rất khắt khe về điều kiện được cấp phép, trong đó có yêu cầu về quy mô vốn đầu tư của dự án lên tới 2 tỷ USD, dự án đầy đủ các hạng mục nghỉ dưỡng, giải trí…, đây là cuộc chơi chỉ dành cho các đại gia thực sự. Trong khi đó, ở lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực này chỉ chưa đếm hết đầu ngón tay, trong đó FLC nắm giữ vị trí số một, do sở hữu nhiều nhất các quần thể nghỉ dưỡng - sân golf dịch vụ hoàn chỉnh tiêu chuẩn 5 sao.
Theo nghị định nói trên, thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp kinh doanh casino đầu tiên được phép thí điểm. Sau 3 năm, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá và quyết định có tiếp tục hay không.
Người Việt Nam được phép vào casino phải từ 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, và phải chứng minh được mình có thu nhập thường xuyên tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, hoặc thuộc diện chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Người Việt Nam được phép vào casino cũng không được nằm trong diện bị người thân có đầy đủ năng lực dân sự trong gia đình (bố, bố nuôi, mẹ, mẹ nuôi, vợ, chồng, con ruột) hoặc chính bản thân có đơn đề nghị doanh nghiệp kinh doanh casino không cho phép vào chơi.
Người chơi phải mua vé trước khi tham gia chơi tại casino, mức vé là 1 triệu đồng/24 giờ liên tục hoặc 25 triệu đồng/tháng/người.
Toàn bộ số tiền thu từ tiền vé được để lại cho địa phương doanh nghiệp kinh doanh casino hoạt động, để chi cho các mục tiêu phúc lợi xã hội, phục vụ cộng đồng, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Theo nghị định, doanh nghiệp kinh doanh casino phải xây dựng và ban hành quy định đảm bảo quản lý, kiểm soát chặt chẽ người Việt Nam chơi tại casino.
Doanh nghiệp cũng được yêu cầu cấp thẻ điện tử cho người Việt Nam chơi tại casino, trong đó có mã số thẻ, họ tên người chơi, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu, ảnh nhận diện, thời gian ra - vào casino, số tiền chơi và nhận thưởng cho mỗi lần chơi...
Nghị định quy định, kinh doanh casino là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo hoạt động tuân thủ đúng quy định của nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Chỉ những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh casino mới được kinh doanh casino.
Nghị định nêu rõ, kinh doanh casino phải gắn với hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển về du lịch, thương mại, đa dạng hóa hình thức vui chơi giải trí, làm phong phú đời sống tinh thần và thu hút khách du lịch; phải đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate